Môi trường đã yếu...
Nhằm xác định vai trò, trách nhiệm nghệ sĩ đương đại với xã hội; đánh giá quá trình xã hội hóa nghệ thuật; đặt vấn đề phát triển văn hóa nghệ thuật cộng đồng; kiến nghị về chính sách quản lý văn hóa..., một hội thảo khoa học đã diễn ra hôm 5/11 tại Viện Mỹ thuật. Với chủ đề "Nghệ thuật đương đại Việt Nam và vai trò của nghệ sĩ trong đời sống xã hội", các nhà nghiên cứu, nhiều họa sĩ, nghệ sĩ đương đại đã cùng nhau trình bày, trao đổi.
Triển lãm "Điêu khắc với đình làng" tháng 9/2013 được thực hiện từ quá trình các nghệ sĩ tích cực khai thác, tìm hiểu trong đời sống địa phương. |
Khẳng định sự xuất hiện, dần định hình và vươn lên mạnh mẽ của nghệ thuật đương đại từ 20 năm trở lại đây, đề cao những nỗ lực làm mới, làm khác một cách táo bạo, dấn thân của các nghệ sĩ đương đại, nhưng không ít ý kiến cũng tiếp tục trăn trở về vấn đề cơ chế, chính sách, môi trường dành cho dòng chảy nghệ thuật đương đại. Theo họa sĩ, nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh, từ hạt giống, nghệ thuật đương đại loang rộng qua nhiều tầng lớp, lứa tuổi, tỏa đến ngoài giới họa sĩ và đã trở thành những "cái gì đó" hiển nhiên, không thể chối cãi. Có điều, môi trường cho nghệ thuật đương đại còn quá hẹp và các hoạt động mang tính hỗ trợ của cơ quan nhà nước còn thiếu vắng, mỏng manh. Họa sĩ nói ngay vào thực tế hội thảo, vẫn chỉ có các chuyên gia, nghệ sĩ "nói mãi" với nhau, chứ không có đại diện nào của cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật đến để lắng nghe xem anh em nghệ sĩ đề xuất, nguyện vọng gì, phản biện ra sao. Như thế thì chỉ như một sự nói vào... không khí!
Họa sĩ Lý Trực Sơn tiếp tục thẳng thắn về vấn đề này khi cho rằng môi trường nghệ thuật đương đại của chúng ta không thuận lợi lắm cả về cơ chế và sự tiếp cận của người dân. Bởi ngoài sự hạn chế của "quan trí" thì giáo dục nói chung để công chúng đến với nghệ thuật cũng là cả một vấn đề cũ kỹ, chậm chạp và nan giải. Họa sĩ rất mạnh dạn khi nhận xét: Ở ta có nhiều người giỏi nghề, khi làm triển lãm thì vẫn phải có người không hiểu mấy về mỹ thuật đến... duyệt!
Tác phẩm "Fashion" - sơn dầu của Nguyễn Thanh Tùng tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011. |
... thì đừng tự đóng cửa!
Ngoài kiến nghị, mong mỏi, thậm chí bức xúc trước những bất cập của chính sách đối với nghệ thuật đương đại thì yêu cầu tự soi chiếu bản thân, tự xây dựng cơ chế kết nối giữa nghệ sĩ, nghệ thuật với công chúng cũng là điều cần phải quan tâm. Tại hội thảo, có những ý kiến đã liên hệ việc sáng tác với lập trình vi tính hay những công việc khác về khía cạnh lao động sản xuất tạo ra sản phẩm và cho rằng nghệ sĩ cần giới thiệu, giải thích về tác phẩm của mình với người xem cũng như những kỹ thuật viên hướng dẫn cho người sử dụng về máy móc, phương tiện. Rõ ràng nếu tinh thần hướng nội và tự tôn lớn đến mức nghệ sĩ tự hạn chế mối giao cảm với người xem, nghe thì chính anh ta đã tự chặn đường mình trước.
Nhìn lại một số sự kiện trưng bày tác phẩm, tọa đàm nghệ thuật diễn ra tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội thời gian qua, được giảng viên và sinh viên nhà trường hưởng ứng nhiệt tình, thấy rõ ràng các nghệ sĩ đã chủ động đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, vừa để lan tỏa sức sống tác phẩm, vừa giúp thế hệ trẻ biết và hiểu hơn về nghệ thuật đương đại. Đây là cách làm đơn giản, hiệu quả, nhưng tiếc rằng lại quá ít ỏi trong hoàn cảnh hiện nay khi mà các sự kiện nghệ thuật đương đại hầu như chỉ chọn những không gian đã mặc định sẵn như khuôn viên nhà trường chuyên ngành mỹ thuật, triển lãm, bảo tàng mỹ thuật... - nơi gần như chỉ thu hút những người trong nghề và các nhà báo. Và như vậy thì hiệu quả tác động của tác phẩm nghệ thuật đối với khán giả phổ thông, với xã hội đã giảm đi rõ rệt.
Dương Xuân