Tình cảm trong tác phẩm
Doãn Hoàng Kiên ngoài đời đẹp hơn bất cứ bức ảnh nào của anh trên mạng. Mặc đồ quân khu hầm hố nhưng đi xe Lead – dòng xe mặc định của chị em văn phòng. Chỉ vào nó, anh bảo: “xe của ông già, coi như giữ lại kỷ niệm của ông, chứ tiền chuyên chở từ Nam ra Bắc đã quá tiền cái xe”.
Bạn bè bảo, Kiên trông thế chứ là người nặng tình. Những tác phẩm của anh không chỉ đơn thuần là câu chuyện sáng tạo, nó thường dính líu tình cảm, thậm chí đeo đẳng.
Doãn Hoàng Kiên bên tác phẩm “Rùa”
Năm 2012 Doãn Hoàng Kiên làm tác phẩm sắp đặt “Hàng” cho triển lãm “Phòng chống vấn nạn buôn người” của MTV EXIT. Trong quá trình thực hiện tác phẩm, anh đi khắp các trường đại học, học viện, vào tận giảng đường nói chuyện, chia sẻ câu chuyện nghệ thuật của mình để vận động, xin tóc của sinh viên. Cuối cùng, trong hơn 300 mẫu tóc, anh lựa lấy 120 mẫu, cho vào hũ thủy tinh, đánh số và mã hóa tượng trưng cho các số phận những con người bị coi như món hàng buôn đi bán lại. Nhiều bạn bè nghệ sĩ cho đến nay vẫn đánh giá đây là tác phẩm ám ảnh nhất của Kiên. Khi triển lãm hoàn thành, mang tác phẩm về nhà, anh bảo, cảm giác rờn rợn cứ đeo bám đến nỗi không tập trung làm việc được. Sau anh phải cùng con trai đem tất cả số tóc ấy thả xuống sông Hồng. Vừa rồi, sau sự kiện 39 người Việt vượt biên và chết trong xe thùng, nhiều người đã nhắc lại “Hàng” như một cảnh tỉnh làm người xem “lay động tâm trí”.
Một đận khác, Kiên làm phim. Là một trong những học viên đầu tiên của Doclab, anh cũng là người đầu tiên có phim cá nhân. Khi nộp kịch bản, nhiều dự định chạy qua nhưng không ý tưởng nào đủ mạnh để neo lại. Anh đắn đo nhiều trước khi quyết định đưa câu chuyện cá nhân lên màn ảnh. “Vườn” ra đời mang hơi hướng tự sự. “Không dễ để kể về những bí mật của gia đình”, Kiên kể. Không gian phim xoay quanh một ngôi nhà cũ núp dưới bóng cây giữa lòng Hà Nội, nơi sinh sống của ba thế hệ. Hôn nhân tan vỡ, người mẹ mang mãi trong lòng nỗi trách giận chồng, rồi xa cách với đứa con – chứng nhân gợi nhắc bà về nỗi buồn. Lớn lên trong nỗi cô đơn, người con phải tìm sự an ủi từ khu vườn. Bộ phim là một cách để Kiên bày tỏ tình yêu của mình với mẹ. Không ngờ sau đó “Vườn” được đón nhận. Được gửi đi Đức, Pháp, Canada, Mỹ... chiếu trong các liên hoan phim, mang về những kinh nghiệm nghề nghiệp hiếm có cho tác giả.
Những cú ngoặt nghề nghiệp
13 tuổi Doãn Hoàng Kiên bắt đầu tập luyện để trở thành một nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp. Anh là con trai độc nhất của nam nghệ sĩ Doãn Ngọc Anh, người từng nổi danh trong gánh xiếc của cụ Tạ Duy Hiển thời trước giải phóng Thủ đô 1954. Theo lộ trình ông vạch ra, khi Kiên hết tuổi biểu diễn sẽ vào trường làm giảng viên, cả đời cống hiến cho sân khấu.
Bản thân Kiên chưa từng nghi ngờ điều này. “Lúc ấy không có ước mơ hoài bão gì, con nhà nòi, cụ bảo tập thì tập. Đến khi có một số thành tích mới bắt đầu yêu nghề”. Năm 1993, anh từng đoạt Giải đặc biệt Liên hoan xiếc Quốc tế lần thứ 16 (Mondial Du Cirque de Main) tại Pháp.
Doãn Hoàng Kiên nói rằng, mục đích anh làm ra mỗi tác phẩm là để đặt ra câu hỏi, chứ không định trả lời hộ ai. Mỗi khán giả sẽ có câu trả lời của riêng mình tùy thuộc vào tri thức, nhận thức và tình cảm của mỗi người... Ai chạm được vào ý tưởng của anh thì mừng, nếu không cũng có sự thú vị riêng, bởi nó phản ánh cái nhìn nhiều chiều, đa dạng.
Ví dụ như khi anh làm tác phẩm “Điều còn thiếu” (sắp đặt với rất nhiều gương con) ở sân Văn Miếu, trăm khán giả, trăm ý kiến. Người bảo ma trận chúng mày ạ, người bảo, tử vi tướng số đấy chứ, người lại bảo là soi gương tự vấn… Có người thích tác phẩm, đứng chụp ảnh đăng facebook, có người thuần túy sử dụng nó làm công cụ tô lại son... Cuối buổi, có người bạn còn tìm ra mười nghìn đồng của một khán giả nào đó... cúng dường. Hiện tờ mười nghìn ấy Kiên vẫn giữ trong ví làm kỷ niệm.
Sắp đặt “Hàng”
Nhưng rồi, chỉ một năm sau, cú ngã từ độ cao 7m khiến Kiên suýt chết, đồng thời cũng thay đổi nhân sinh quan của anh. “Cuộc đời đầy bất trắc, nên thích làm gì thì làm thôi, cơ hội đến đâu làm đến đó, không chấp nhất nữa” Kiên nhớ lại.
Thời gian nghỉ dưỡng thương, vì buồn chán, Kiên thường tìm đến các bạn họa sĩ chơi. Bị công việc của họ hấp dẫn, Kiên cũng xin học vẽ tượng. Vẽ tượng được một tuần, lúc đó thầy Phạm Viết Song bảo: Kiên có khả năng, cho lên vẽ người! Chính lời động viên của thầy Song đã nhen nhóm ngọn lửa hội họa trong anh. Kiên quyết định thi Đại học Mỹ thuật. Năm đầu trượt. Không nản, anh thi tiếp. Năm hai vẫn trượt. “Cay cú lắm, cả một năm sau đó dồn hết tất cả tinh thần để ôn, may năm ba thì đỗ”. Sau đó Kiên xin nghỉ không lương ở đoàn xiếc, chuyên tâm học hội họa.
Học đến năm thứ tư khoa Hội họa, năm 2004, Kiên có tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi “Ánh mắt trẻ” của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’espace). Từ đó, anh bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật sắp đặt và trình diễn.
Up stream, một bức tranh của Doãn Hoàng Kiên treo trong triển lãm Cảm xúc tháng sáu (từ 20-22/6/2020) tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội
Cũng phải mất bốn năm nghiên cứu và thử nghiệm, năm 2009, Doãn Hoàng Kiên mới có Triển lãm Nghệ thuật thị giác cá nhân đầu tiên lấy tên là “Limits”. Đây là tác phẩm sắp đặt cấu trúc hay còn gọi là điêu khắc không gian do Quỹ Đan Mạch lựa chọn và tài trợ. Đề bài Kiên nhận được là “Những giới hạn trong cuộc sống”. Anh dùng những thanh tre sơn đỏ trắng, ràng buộc với nhau quanh một trụ chắc chắn, tạo cảm giác vừa ngẫu hứng, tự do, nhưng cũng vừa ràng buộc và đầy các tabou (cấm kỵ). Tác phẩm này khi hết hạn triển lãm được Kiên giữ lại phần khung làm kỷ niệm. Một thời gian sau, họa sĩ Đào Anh Khánh mời anh làm lại “Limits” trong một không gian rộng hơn ở Gia Lâm. Đến hiện tại, Doãn Hoàng Kiên vẫn khẳng định đây là tác phẩm mang lại cho anh nhiều cảm xúc và tâm huyết nhất cho dù “đôi khi vượt qua được giới hạn này ta lại bắt gặp một giới hạn khác mà thôi...".
Câu chuyện nghệ sĩ nghèo làm nghệ thuật
Kiên bảo anh may mắn vì vợ không phàn nàn về việc chồng đu theo “con nghệ thuật”. Để có tiền làm tác phẩm, anh rất chịu khó dạo quanh các Quỹ văn hóa để apply tài trợ. “Mình chả có tiền, chứ có thì cũng sẵn sàng bỏ ra hết. Một tác phẩm để tạm ra tấm ra món giờ cũng phải năm sáu chục triệu. Làm xong thì cho biếu tặng chứ không bán được nên vấn đề tiền đầu tư rất quan trọng. Song các Quỹ giờ ít, tiền lại bị chia nhỏ. Tôi phải quay sang vẽ tranh, ít ra còn có cơ hội bán được”, nghệ sĩ chia sẻ.
Doãn Hoàng Kiên
Băn bó thế, nhưng riêng năm nay Doãn Hoàng Kiên cũng đã kịp hoàn thành hai tác phẩm. Đầu năm, vào Ngày Thơ, anh làm sắp đặt “Điều còn thiếu” ở sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Cuối năm, tại không gian của Phố sách Hà Nội, anh có sắp đặt “Rùa” góp mặt trong triển lãm “Be the Change”. “Rùa” của Doãn Hoàng Kiên gây ấn tượng thị giác mạnh khi anh dùng hàng trăm bức ảnh về cảnh môi trường ô nhiễm của Trần Việt Đức để gắn kết tạo cảm giác: Rác thải nhựa không chỉ ngập trong môi sinh của con người mà còn lấn át trong cả văn hóa, trong phong cách sống của người dân.
Kiên bảo vì kinh phí có hạn, chứ trong ý tưởng của anh, nếu làm con rùa to như cái nhà thì mới tạo áp lực mạnh. Con rùa ấy có thể trưng bày ở hồ Gươm, thả trên bè cho dân tình xem. Nếu tạo hiệu ứng ánh sáng trong đêm nữa thì càng tuyệt. Kiên tiếc rẻ.
Những tác phẩm kiểu như “Rùa” không mang lại tiền cho nghệ sĩ. Bình thường, anh sống bằng nhiều nghề khác. Như là thỉnh thoảng đi setup không gian, làm ánh sáng, đạo cụ sân khấu, đi dạy học... Tuy bỏ xiếc, nhưng anh bảo vẫn nhớ nghề, đồng nghiệp nhờ là chạy đến ngay dù thù lao chỉ đủ để ngồi trà đá vỉa hè.