Nghệ sĩ Đào Anh Khánh: Sinh ra để nhảy múa

25-11-2019 07:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đã có nhiều bài viết mô tả kỹ lưỡng Đào Anh Khánh họa sĩ vẽ tranh gái đẹp, gái khỏa thân, với tinh thần đẹp qua ngôn ngữ phồn thực trong tranh, hoặc những bài viết về lối sống, về cuộc đời khác thường của nghệ sĩ, nhưng hầu chưa có bài viết nào soi rọi vào căn nguyên nhảy múa đến si mê trong người đàn ông này.

Nghệ sỹ Đào Anh Khánh nổi tiếng trong “giới nghệ” vì bán tranh khỏa thân rất chạy. Tuy nhiên, anh thực sự nổi như cồn khi bắt đầu thực hiện sự kiện nghệ thuật mang tên Đáo xuân, mà đã đến kỳ thứ 9 vào năm 2019. Với Đáo xuân thì không còn là tranh nữa, mà Đào Anh Khánh đã ghim vào não công chúng một hình tượng về người đàn ông kỳ dị nhảy múa.

Đã có nhiều bài viết mô tả kỹ lưỡng Đào Anh Khánh họa sĩ vẽ tranh gái đẹp, gái khỏa thân, với tinh thần đẹp qua ngôn ngữ phồn thực trong tranh, hoặc những bài viết về lối sống, về cuộc đời khác thường của nghệ sĩ, nhưng hầu chưa có bài viết nào soi rọi vào căn nguyên nhảy múa đến si mê trong người đàn ông này.

Đào Anh Khánh với những bức họa khỏa thân.

Đào Anh Khánh với những bức họa khỏa thân.

Vậy điều gì đã dẫn anh từ vẽ tranh, tới dùng chính thân thể mình như một ngôn ngữ biểu tượng của nghệ thuật tạo hình, bày tỏ các cung bậc phi thường của cảm xúc?

Bản thân cơ thể là một thực thể sở hữu năng lực cảm xúc. Ý nghĩ thuộc về trí não nhưng cảm xúc thì thuộc về thân thể. Cơ thể luôn sinh ra dòng cảm xúc bất tận, và không phải lúc nào trí não cũng có thể kiểm soát. Mà trong Đào Anh Khánh, thì cảm xúc lại là một suối nguồn mạnh mẽ, không thể vơi cạn được, cứ luôn trào lên như thác lũ. Không còn cách nào khác, anh tìm đến nhảy múa.

Khi muốn nhảy múa, cần phải đến các sàn nhảy, học bài bản từng bước nhảy cơ bản, được huấn luyện thành thục, rồi học tiếp những bước nhảy nâng cao,... ai cũng biết điều đó. Đào Anh Khánh cũng biết, và anh đến sàn nhảy, không phải để học từng bước theo khuôn mẫu của một điệu nhảy nào đó. Anh đến sàn để nhảy theo cảm nhận tự nhiên của mình, khi nhạc nổi lên.

Đó là những năm cuối thập niên 70, cho tới đầu thập niên 80, ở Hà Nội có các sàn nhảy, nhưng chủ yếu dành cho người nước ngoài. Người Việt Nam, như một luật bất thành văn, bị cấm đến sàn nhảy. Vậy làm sao Đào Anh Khánh có thể đến sàn nhảy? May mắn là hồi đó, anh có thẻ công an, nên có thể dễ dàng vào sàn nhảy khi xuất trình thẻ. Nhưng cũng không may, vì anh là công an, nên mọi người khá ngại tiếp xúc với anh, không ai muốn giao lưu với anh, không ai dám nói chuyện hay nhảy cùng anh. Vì vậy, mỗi lần lên sàn nhảy, Đào Anh Khánh phải uống rượu cho quên đi cảm giác cô đơn, và khi nhảy, anh thường nhắm mắt, để khỏi thấy người ta nhảy có đôi, còn mình nhảy một mình. Một chút men say, mắt nhắm nghiền, anh tự do phiêu linh trong vũ điệu tự mình tưởng tượng ra, để cơ thể giải phóng, rung lắc, uốn lượn ngẫu hứng, tạo nên muôn ngàn hình tượng nghệ thuật kỳ lạ, phóng túng, chỉ duy nhất xuất hiện trong khoảnh khắc ấy, rồi vĩnh viễn không lặp lại, nhưng bất tử.

Đêm nào Đào Anh Khánh cũng lên sàn nhảy, nhảy tới 5 tiếng đồng hồ. Cả năm ước chừng có tới 200 đêm lên sàn. Cơ thể anh trở nên vô cùng nhạy cảm với chuyển động. Trên sàn, người ta lúc nhảy, lúc nghỉ, nhưng Đào Anh Khánh không nghỉ, anh cứ nhảy liền tù tì từ lúc đến cho tới lúc phải về. Phần vì mê đắm với những chuyển động của cơ thể, phần vì nếu nghỉ cũng không có ai trò chuyện với anh. Anh cứ một mình trên sàn nhảy, bất cần mọi người nghĩ gì, bất tuân theo điệu nhảy quy định, mà anh nhảy theo kiểu dùng cơ thể tạo nên những điêu khắc biến đổi liên tục. Chính vì không định hình, không theo phong cách chuẩn nào, nên anh sáng tạo liên tục trong lúc nhảy, miên man sáng tạo, sung sướng sáng tạo, cô đơn sáng tạo.

Có lúc thăng hoa đỉnh điểm, thân thể Đào Anh Khánh tạo nên một điêu khắc sống tuyệt mỹ. Nhưng khoảnh khắc đó qua đi, tan vào vũ trụ, anh cũng không cho rằng đó là hình tượng điêu khắc đẹp nhất, để bị đóng đinh vào hình tượng ấy mà hạn chế sáng tạo của mình. Anh tiếp tục giải phóng cơ thể, khát khao tìm kiếm hình tượng điêu khắc mới trong từng chuyển động mạnh mẽ, cuồng nhiệt, hay dịu dàng của cơ thể. Sáng tạo là không lặp lại. Cái đẹp là sự biến ảo, không bao giờ anh đóng đinh cái đẹp vào một khuôn mẫu, một định hình chết! Lắm khi, thế giới nghệ thuật cứ khổ công định hình một khuôn mẫu đẹp, để tự trói trí tuệ của chính mình, còn Đào Anh Khánh tự do, không định hình cái đẹp, nên anh luôn được sáng tạo trong sung sướng.

Cũng như vậy, nếu người bình thường học trường múa, thì khi tốt nghiệp, yên tâm rằng mình đã nắm kỹ thuật múa cơ bản, và vô thức gò mình theo kỹ thuật đó, tự hạn chế khả năng sáng tạo của mình, ít dám phá cách. Đào Anh Khánh không học trường múa, cho nên sự tự học hỏi trong anh là vô tận, không bao giờ ngừng. Tự học và tự khám phá ra những năng lực múa kỳ diệu trong mình. Thể hiện là học hỏi, học hỏi là thể hiện. Cả một thế giới múa anh tìm thấy trong chính cơ thể mình, từng múi cơ, sợi gân, từng xương xẩu gồ ghề, từng đường cong thoắt ẩn hiện đều tìm đến thời cơ của mình mà bung nở, mà tỏa sáng trong một thời khắc duy nhất, ở một hình tượng múa độc đáo, không bao giờ lặp lại.

Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt, “thái quá bất cập”, sau 5 năm uống rượu thiếu kiểm soát và nhảy mê mải, Đào Anh Khánh bị bệnh gan nặng, phải vào viện. Ngay sau khi uống nhiều rượu, anh lại nhảy múa quá đà, nên gan liên tục ở tình trạng bị sốc. Cuối cùng, dù tuổi còn trẻ, nhưng lá gan của anh đã bị xơ và không thực hiện nổi chức năng bình thường nữa. Bác sĩ cấm Đào Anh Khánh 2 điều: rượu và nhảy múa!

Tất nhiên Đào Anh Khánh muốn sống, rượu thì anh có thể bỏ ngay, nhưng bỏ nhảy múa thì hỡi ôi, anh đâu còn tìm thấy ý nghĩa gì của cuộc sống? Đó là một thách thức quá lớn, cơ thể luôn bứt rứt đòi hỏi được vươn dậy, bừng nở trong những vũ điệu miên man, được sống thực sự trong vần vũ cảm xúc.

Đáo xuân cuối cùng của nghệ sĩ Đào Anh Khánh.

Đáo xuân cuối cùng của nghệ sĩ Đào Anh Khánh.

Nhưng chứng viêm gan đã quật ngã Đào Anh Khánh. Anh phải nằm, phải gắn chặt với giường bệnh tới nửa năm liền. Ăn thứ gì vào người thì bụng cũng chướng lên. Có lúc bi quan, phẫn uất vì phải nằm một chỗ, Đào Anh Khánh chán nản nghĩ, Khánh ơi mày chết thật rồi. Như thế này đâu phải là sống. Sống nghĩa là nhảy múa miên man quên trời đất...

Sau nửa năm điều trị, Đào Anh Khánh hồi phục. Nhưng vừa từ bệnh viện về nhà được một tháng, thì bản năng múa trỗi dậy, anh lại uống vại bia và lên sàn nhảy. Sáng hôm sau, anh phải nhập viện lần hai, nằm điều trị suốt một tháng. Chính lúc này, anh mới nghiêm túc nhìn nhận tình trạng cơ thể của mình, hiểu rằng, mình cần thay đổi theo tình trạng cơ thể. Không thể sử dụng cơ thể một cách tùy tiện và bất cẩn như trước.

Đó là năm 1990. Kể từ đó trở đi, Đào Anh Khánh không uống rượu bia nữa. Nhiều người trong giới nghệ sĩ ngạc nhiên khi thúc ép anh kiểu gì anh cũng từ chối. Người bình thường hoặc người hâm mộ anh thì không tin rằng nghệ sĩ Đào Anh Khánh, một nghệ sĩ có hạng và kỳ dị như vậy mà lại không uống dù chỉ một giọt rượu, một ly bia. Nhưng thực tế, anh “tuyệt giao” với ma men từ đó.

Vả lại, thời trước, do tình trạng cấm người Việt tới sàn nhảy, và Đào Anh Khánh phải tận dụng cái thẻ nghiệp vụ để lên sàn, bị người khác xa lánh trên sàn, nên anh phải dùng rượu để xóa đi cảm giác cô đơn trong không gian đó. Nay thời thế đã đổi thay, người Việt lên sàn nhảy thoải mái, anh chẳng cần đến rượu làm gì, chỉ uống nước suối, hoặc cô ca khi lên sàn nhảy.

Nhưng cũng chính giai đoạn dài cống hiến thân thể và tinh thần cho đam mê nhảy múa đó, mà Đào Anh Khánh cũng đã tạo dựng nên một gia tài tinh thần cho chính mình. Thế giới biết đến và trân trọng một nghệ sĩ múa đương đại Đào Anh Khánh của Việt Nam, và anh được mời tham dự những sự kiện múa quốc tế, dù anh chẳng trải qua một trường lớp nào, dù chẳng có một danh hiệu chính thức nào từ một tổ chức chính thức trao tặng cho anh. Chính niềm đam mê, sự tự tin và dấn thân cho niềm đam mê đã tạo nên thành quả cuối cùng. Anh sinh ra là để múa. Điều đó quá kỳ lạ khi anh chẳng thể nào múa theo một bài múa chuẩn mà các trường lớp múa chuyên nghiệp, hay các đoàn nghệ thuật quy định, anh chỉ tự do tuân theo khao khát chuyển động, khao khát thể hiện của chính cơ thể mình.

Đơn giản thế thôi!


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn