Vấn nạn nghệ sĩ bị “chôm” hình ảnh để quảng cáo trái phép trên mạng không còn lạ trong làng giải trí Việt. Gần đây, một cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng làng nhạc nước ta rất bức xúc khi bị website lạ lấy tên tuổi, hình ảnh mà không xin phép để quảng cáo thuốc trị ngáy ngủ. Để ngăn chặn và xóa sổ tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng các nghệ sĩ cần có cách ứng xử đúng đắn, mạnh mẽ để bảo vệ hình ảnh, quyền lợi của mình.
Vi phạm nhiều, mới... một bị xử phạt
Thực tế cho thấy, làng giải trí Việt thời gian qua đã có rất nhiều nghệ sĩ bị các tổ chức, cá nhân lấy hình ảnh mà chưa được sự đồng ý của chủ nhân khiến giới nghệ sĩ lẫn công chúng bức xúc. Mới đây, vợ chồng nghệ sĩ Mỹ Linh - Anh Quân rất bức xúc với một website mạo danh và lấy hình ảnh vợ chồng nghệ sĩ này để quảng cáo thuốc chống ngáy ngủ. Theo đó, website này đã có một bài viết nói về loại thuốc chữa chứng ngáy ngủ mà vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh tin dùng. Bài viết quảng cáo cho loại thuốc này khiến ai nấy đều tin rằng nó được viết theo lời kể của ca sĩ Mỹ Linh, tuy nhiên cả Mỹ Linh và Anh Quân đều lên tiếng khẳng định không cung cấp hình ảnh, thông tin cho một tổ chức, cá nhân nào để quảng cáo sản phẩm chống ngáy ngủ.
Ca sĩ Mỹ Linh vừa qua bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội về vụ việc vợ chồng chị bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo thuốc chữa ngáy ngủ.
Ngược dòng thời gian, nhiều sự việc nghệ sĩ bị người khác lấy hình ảnh vô tội vạ để quảng cáo trên mạng khiến dư luận bức xúc. Công chúng từng chứng kiến hình ảnh của hoa hậu Phạm Hương trong cuộc thi “The Face” đã bị một đơn vị kinh doanh thuốc trị hôi nách lấy làm hình ảnh đại diện. Bên cạnh đó là hình ảnh Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh bị chế ảnh nhằm mục đích... bán sim điện thoại. Danh sách những “nạn nhân” là nghệ sĩ trong showbiz Việt bị “dùng chùa” hình ảnh để quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm tràn lan trên các trang web, mạng xã hội còn có người mẫu Ngọc Trinh, diễn viên Angela Phương Trinh, hoa hậu Mai Phương Thúy, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lâm Chi Khanh, Mỹ Tâm...
Đến nay, trong các sự việc tương tự chỉ có diễn viên Đan Lê thắng kiện đơn vị đã cố tình lấy hình ảnh của cô để quảng cáo trên mạng nhằm trục lợi. Năm ngoái, Đan Lê đã có đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng vì một công ty chăm sóc và làm đẹp tại Hà Nội sử dụng hình ảnh của Đan Lê mà không xin phép, cố tình “chôm” ảnh và thách thức Đan Lê nhiều lần. Ngay sau đó, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã nhập cuộc và điều tra làm rõ, cuối cùng cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng công ty sử dụng hình ảnh Đan Lê mà không xin phép theo Nghị định số 158 năm 2013 của Chính phủ. Kèm theo mức phạt hành chính, công ty bị xử phạt còn phải tháo gỡ hình ảnh nữ diễn viên Đan Lê trên website. Tưởng rằng qua sự việc của diễn viên Đan Lê sẽ là “đòn phủ đầu” với các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã, đang và có ý định sử dụng hình ảnh nghệ sĩ nhằm quảng cáo trái phép nhưng như đã nói trên, tất cả vẫn diễn ra như điều tất yếu bởi cách ứng xử thiếu mạnh mẽ, quyết liệt của chính người trong cuộc!
Nghệ sĩ phải biết bảo vệ chính mình
Đó chính là ý kiến của công chúng khi các sự việc nghệ sĩ bị lợi dụng lấy hình ảnh để quảng cáo trái phép được đưa ra ánh sáng. Bởi thực tế chỉ ra rằng, hầu hết các nghệ sĩ ở nước ta thời gian qua bị tổ chức, cá nhân lấy hình ảnh để in lên pano, poster, đăng tải quảng cáo trên các trang mạng, diễn đàn... trái với quy định thì khổ chủ đều giữ thái độ im lặng hoặc lên mạng xã hội “giãi bày tâm sự” để minh oan. Chính cách ứng xử này của các nghệ sĩ chỉ giải quyết được phần ngọn, không đi đến cùng sự việc để đưa những hành vi trái luật phải chịu những “đòn roi” thích đáng.
Các nghệ sĩ lên mạng facebook, zalo... phân bua bản thân bị sử dụng hình ảnh trái phép chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt, bởi lẽ trong các văn bản, nghị định, quy định của pháp luật đã có những điều khoản bảo vệ quyền, lợi ích về việc người khác sử dụng hình ảnh của chủ sở hữu hình ảnh đó. Khi xảy ra sự việc, các nghệ sĩ (như trường hợp của diễn viên Đan Lê kể trên) đều có thể nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý và khả năng thắng kiện rất cao, vừa để bảo vệ quyền lợi cũng như ngăn chặn hành vi phạm pháp. Tuy vậy, hầu hết các nghệ sĩ khi sự việc xảy đến đều “tự xử” hoặc im lặng nên mới xảy ra tình trạng người khác “được đằng chân lân đằng đầu”.
Thực tế, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; hành vi “quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép” sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Trong khi đó, Điều 31 của Bộ luật Dân sự 2005 cho biết cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và “nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Như vậy, theo luật thì cá nhân tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích bất kỳ (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.