Nghe sao Việt chia sẻ, còn ai thích lấy chồng Tây?

23-07-2014 15:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Phi Thanh Vân, Bằng Lăng, Nghệ sĩ piano Trang Trịnh đều chia sẻ sự chẳng sung sướng gì khi lấy chồng ngoại quốc.

SKĐS - Phi Thanh Vân, Bằng Lăng, Nghệ sĩ piano Trang Trịnh đều chia sẻ sự chẳng sung sướng gì khi lấy chồng ngoại quốc.

Phụ nữ Việt khi yêu và kết hôn với người nước ngoài đều bị “choáng ngợp” trước sự ga-lăng, lịch sự với phụ nữ của họ.

Nhưng theo chuyên gia tâm lý, đó chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài, còn khi về nhà, họ cũng nằm gác chân xem ti vi, đọc báo như thường. Hơn nữa, sự khác biệt về văn hóa sẽ dẫn đến những nguy cơ tan vỡ mà khi yêu nhau, họ ít khi nhìn nhận ra.

Từng ngợi ca chồng Tây hết lời, nhưng trong quá trình chung sống, sự bất đồng ngôn ngữ khiến Phi Thanh Vân cảm giác như mình là người thừa. Ảnh: T.L

Đường dài mới biết ngựa hay…

Không thể phủ nhận đàn ông nước ngoài có nhiều ưu điểm so với phần lớn đàn ông Việt nói chung. Điều dễ nhận diện nhất mà những người đã trải qua tình cảm với người nước ngoài nhận thấy, đó là họ không gia trưởng. Yêu thương và trân trọng phụ nữ chứ không phải lấy vợ về là để lo lắng cho mình… Họ cũng ga-lăng, lịch sự và lãng mạn hơn.

Như ca sĩ Thu Minh tâm sự: “Chồng luôn tạo cho tôi cảm giác mình được yêu thương và được trân trọng”. Ca sĩ Mai Khôi tự xác định mình là người có lối sống bản năng, phóng khoáng, nếu lấy chồng Việt sẽ rất khó được coi là người vợ tốt vì cô không phải mẫu người phụ nữ truyền thống. Cho nên, việc kết hôn với người chồng có lối sống văn minh, tôn trọng quyết định của người phụ nữ được coi là may mắn lớn của Mai Khôi.

Nếu hỏi về bất đồng của hôn nhân khác biệt văn hóa trong cuộc sống của Thu Minh, Mai Khôi, nghệ sĩ piano Trang Trịnh… thì sẽ chưa thể gọi thành tên, đơn giản vì họ mới bước vào đời sống hôn nhân.

Cuộc sống của họ đa phần vẫn đang là “màu hồng” vì họ chưa đi đến bước ngoặt là chuyện con cái. Mà theo một cuộc thống kê, có tới 80% mâu thuẫn gia đình được phát sinh từ con cái. Vì thế, việc các cặp nghệ sĩ này chưa sinh con với nhau cũng là yếu tố quan trọng để mối quan hệ của họ vẫn còn “trời yên biển lặng”.

Diễn viên Phi Thanh Vân là người đã trải qua cuộc sống hôn nhân với người chồng nước ngoài từng tâm sự rất thật rằng: “Đừng tưởng lấy chồng Tây là sướng nhé”.

Khi kết hôn, vì chồng chị là doanh nhân người Pháp nên không rõ các tục lệ của Việt Nam, không biết làm gì nên để một mình Phi Thanh Vân lo liệu.

Rồi thì khoảng cách địa lý giữa nhà chồng và nhà vợ quá xa nên trong ngày trọng đại nhất đời của cô cũng không có sự hiện diện của bố mẹ chồng. Còn khi chung sống, do cả hai không biết ngôn ngữ chính của nhau nên phải dùng ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh để giao tiếp.

“Mỗi tối về nhà, ông ấy nói chuyện với hai đứa con bằng tiếng Pháp, tôi không hiểu gì. Tôi thấy mình giống người thừa nên vào phòng nằm đọc sách, xem phim. Dần dần vợ chồng ít nói chuyện với nhau hơn” - Phi Thanh Vân từng chia sẻ.

Sự văn minh ở đàn ông phương Tây từng khiến bao phụ nữ Việt “đứng tim” thì nay, cũng chính điều đó khiến Phi Thanh Vân thấy xót xa: “Đàn ông Tây văn minh đến mức mất đi cái tình. Hôm trước còn yêu nhưng ngay hôm sau đã hết yêu rồi”.

Một lý do nữa trong khác biệt lối sống mà có thể, khi yêu người phụ nữ ít để ý đến, hoặc dễ chấp nhận hơn, đó là sự độc lập về kinh tế. Người Việt có truyền thống “chồng là cái giỏ, vợ là cái hom”.

Vợ chồng cùng kiếm tiền nhưng người giữ sẽ là vợ. Nhưng điều này không nằm trong văn hóa sống của người nước ngoài. Nghệ sĩ piano Trang Trịnh thừa nhận rằng, ở Hàn Quốc thì đàn ông nắm tài chính, thế nên trong gia đình chị, cách để dung hòa là mỗi khi cần chi tiêu thì cả hai vợ chồng cùng bàn bạc.

Cựu người mẫu Bằng Lăng thì tâm sự, việc kết hôn với đàn ông ngoại quốc cũng khiến chị vấp phải điều khó xử rằng, chồng chị chỉ thích sống trong không gian riêng của hai vợ chồng và không thích một gia đình quá đông đúc, ồn ào.

Bằng Lăng phải hi sinh nhiều thứ khi lấy chồng Tây

Nhiều mâu thuẫn chưa thể lường hết

Chuyên gia tâm lý TS Nguyễn Thị Kim Quý phân tích về những nguy cơ từ sự khác biệt văn hóa trong hôn nhân: “Dù có văn minh đến mấy thì văn hóa phương Tây và phương Đông cũng có những khác biệt căn bản. Từ chuyện nói năng, ăn uống cũng đã khác rồi.

Trong nhà, nhiều khi chỉ chuyện người thích ăn hành, người không; rồi ăn mặn nhạt khác nhau cũng đủ khiến “cháy nhà” rồi nữa là khác biệt từ trong huyết quản.

Truyền thống dân tộc sẽ chi phối nếp nghĩ của mỗi người rất rõ nét. Ví dụ, người Việt rất coi trọng chuyện chung thủy nhưng người phương Tây lại không xem nặng điều này.

Người nước ngoài yêu rất rõ ràng, không yêu nữa là chia tay chứ không nặng về nghĩa như người Việt. Lấy chồng, sinh con rồi, dù hết yêu thì họ vẫn sống với nhau vì nghĩa.

Tất nhiên, cuộc sống hiện nay họ cũng hiện đại hơn, nhất với văn nghệ sĩ, họ cũng sẵn sàng chia tay nếu không còn yêu. Nhưng số đó không nhiều.

Và dù có chia tay thì bản thân họ cũng bị dằn vặt, bị chi phối rất nhiều bởi các mối quan hệ với người thân, dư luận…Còn người nước ngoài họ làm điều này rất nhẹ nhàng. Đó là “độ chênh” rất lớn mà nhiều người vì đang “say trong men tình”, họ có thể chưa nhìn nhận ra được”.

Thừa nhận người nước ngoài biết trân trọng phụ nữ hơn, điều mà đàn ông Việt rất hiếm khi có được, nhưng theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, nếu nhìn vào đó để làm tiêu chuẩn so sánh thì rất dễ bị sự “hào nhoáng” này che lấp những khác biệt cốt lõi vốn tồn tại hiển nhiên trong hai nền văn hóa.

“Sở dĩ văn nghệ sĩ dễ bị đàn ông nước ngoài chinh phục hơn là vì tâm lý quen được cung phụng, chiều chuộng. Đàn ông Tây vốn coi trọng phụ nữ vì cái đó nó thuộc về nếp sống của họ, xung quanh họ đều như thế cả.

Nếu không nhường phụ nữ, không xách đồ cho họ thì sẽ bị coi là dị biệt. Nhưng với người Việt thì đó lại là cái lạ, thậm chí là cái rất quý. Tuy nhiên, theo tôi được biết, họ chỉ làm điều đó ở bên ngoài thôi, về nhà thì còn lâu họ mới làm điều đó cho người phụ nữ của mình. Cũng nằm gác chân đọc báo, xem tivi như thường” - TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.

Với nhiều năm nghiên cứu về tâm lý, TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, nếu cùng một nền văn hóa, đàn ông và đàn bà dễ có sự dung hòa hơn. Quan điểm nuôi con không có nhiều bất đồng; rồi chuyện chăn gối cũng hòa hợp hơn.

“Tôi lấy ví dụ, đời sống tình dục của người nước ngoài chắc chắn khỏe hơn mình. Nhưng phụ nữ lấy chồng sinh con vào rồi thì sức khỏe kém đi, có khi đó lại là nỗi sợ với họ. Nếu là vợ chồng cùng văn hóa thì chồng Việt dễ thích nghi hơn.

Trong khi đó, người nước ngoài với người Việt nhu cầu tình dục khác nhau, lại thêm “tố chất” sẵn sàng ly hôn khi không còn tình yêu lại càng dẫn đến nguy cơ tan vỡ là rất lớn. Tuy nhiên, hiện rất ít người bước vào hôn nhân đa văn hóa lường trước được” - TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.

 

 


Ý kiến của bạn