Phóng sự của Trọng Triết
Bước xuống Vàm Nao con cá bông lau bổ nhào vô lưới/ Anh ngồi "chặc lưỡi" biết chừng nào anh mới cưới được em! Hai câu thơ ngẫu hứng của một nhạc sĩ quê đất An Giang đã thúc giục tôi nhanh tìm về Vàm Nao, thuộc sông Hậu, nằm giữa hai huyện Chợ Mới-Phú Tân (An Giang) khi mùa cá bông lau về, để hiểu thêm nghề săn cá bông lau trên dòng Vàm Nao có tự bao đời.
Vàm Nao những ngày đầu tháng 3 âm lịch, đâu đó những làn gió vẫn mơn man thổi về se lạnh làn da. Qua bến đò Rạch Gộc, được chính quyền địa phương giới thiệu, tôi tìm đến nhà út Hởi (Trần Văn Hởi, 51 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới) một trong những tay thâm niên trong nghề săn cá bông lau trên sông Hậu. Là con của một trong những ông vua cá hô, cá bông lau đất Vàm Nao, ngày trước là ông Trần Văn Hoài (ba Hoài) nên út Hởi đã theo nghề săn cá với cha từ năm 10, 11 tuổi. Theo út Hởi, cũng chẳng mấy ai biết được cái nghề săn cá trên mũi Vàm Nao này có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ ngày ông cố ông đến nay đã có hàng trăm gia đình theo nghề săn bắt cá. Anh nói: "Mũi Vàm Nao này con nước xoáy, dòng chảy lại xiết nên cá tôm về đây sống nhiều lắm. Thuở nhỏ, mỗi đêm tui theo ông già đi lưới không khi nào bắt dưới 30 kg cá bông lau". Quả thật, Vàm Nao tự bao đời nổi tiếng với các loại cá hô, bông lau, tôm càng, cá hú, cá linh... về sinh sống. Có những gia đình nghề săn cá bông lau đã ba bốn đời.
Biết tôi muốn tìm hiểu về nghề săn cá bông lau, út Hởi vui vẻ giới thiệu về nghề. Anh cho biết, mùa cá bông lau về mũi Vàm Nao thường từ tháng 11 âm lịch, đến khoảng cuối tháng 3, bắt đầu mưa nhiều là hết vụ. Thâm niên theo nghề đã truyền cho út Hởi những kinh nghiệm săn cá có một không hai. Đó là cách nhìn dòng nước, cá sẽ chạy theo luồng nào, khi nào cá ngớp, cá thả dòng, lúc nào cá tạt lưới... mà buông lưới. Lưới dùng bắt cá bông lau là lưới 6 phân, đan tất 4,5 li, hai đầu luồn dây gân dẻo. Mỗi tay lưới có độ dài từ 300m - 450m, sâu khoảng 15m. Có hai cách bắt cá bông lau là lưới đèn và lưới ngầm. Lưới ngầm thì mỗi 5m có một móc chì nặng hơn 2 kg làm sức nặng cho lưới chìm sâu, xen kẽ là các phao xốp, báo hiệu thả trên mặt nước. Lưới ngầm chuyên bắt những luồng cá đi sâu dưới đáy sông. Lưới đèn gắn thêm những chiếc đèn dầu, bắt cá chạy luồng trên, với loại lưới này đánh rất trúng vào buổi tối. Tuy nhiên, với lưới nổi, ngư dân ít khi bắt được những con cá lớn từ 5-6 kg trở lên. Một chiếc ghe tam bản, một mái chèo, một tay lưới, một chiếc máy cô-le là đủ công cụ cho nghề săn cá. Mỗi chuyến đi, họ thường đi theo nhóm hai người: Một chèo giầm, một thả lưới.
Nhìn con nước, út Hởi bảo: "Gió nam thổi mạnh, con nước hừng (nước đứng dòng, sóng gợn nhiều) mà dòng lại ván đục như vầy cá bông lau sẽ chạy luồng; giờ này ra sông thả lưới là dính chắc". Tôi đi cùng vợ chồng út Hởi trong chuyến săn cá bông lau đêm nay cho thỏa dạ. Hôm nay sông Hậu mạnh gió, ráng chiều vẫn còn một màu đỏ ối, con nước ở mũi Vàm Nao dường như không chảy mà cuộn tròn từng lọn sóng. Út Hởi vừa chạy máy vừa huyên thuyên: "Nước lớn, nước ròng, con nước hừng, nước chảy... dòng trong, dòng đục trên dòng sông Hậu này đều có quy luật riêng. Theo cái quy luật đó, cá bông lau cũng về từng luồng". Út Hởi còn cho biết thêm, nếu có nhiều người bủa lưới cùng lúc, người có kinh nghiệm sẽ cho giăng lưới ngược, đón đầu những luồng cá tạt, lúc đó sẽ dễ bắt được cá to. Rẽ đầu con sóng, chiếc ghe tam bản của chúng tôi thoắt đã ở giữa dòng; tắt máy, nhanh tay chèo, anh đưa chiếc ghe ra đúng dòng thả lưới. Chị Út (vợ út Hởi) bắt đầu công việc, cứ độ vài chèo, anh Út lại thả một chiếc phao báo hiệu. Một tay lần mép chỉ, tay kia thả nhanh xuống dòng từng thớ lưới, nhìn đôi tay thoăn thoắt thật điêu luyện của chị Út, anh Út chèo ghe theo chiều ngang, cách mép bờ xã Tân Hòa (Phú Tân) chừng chục mét thì cũng đủ một tay lưới. Đầu lưới, cuối lưới có hai chiếc phao mũ cao là ám hiệu để xác định chủ nhân từng tay lưới. Lưới út Hởi bủa là loại lưới ngầm. Tay lưới vợ chồng út Hởi dài 450m thả chiếm gần hết bề rộng dòng sông. Thả xong tay lưới cũng là lúc trời bắt đầu sụp tối, những chiếc lưới đèn của dân lưới bắt đầu leo lét sáng. Chiều nay, trên mũi Vàm Nao có khoảng 30 ghe đánh bắt cá bông lau đang buông lưới. Không có bất kỳ quy định nào, thế nhưng bà con ngư dân cứ lần lượt ai ra trước thả trước, ai ra sau thả sau, không thả chồng hay đón đầu lưới khác.
Thả tay lưới cho xuôi dòng khoảng hơn trăm mét, vợ chồng út Hởi bắt đầu kéo lưới, dõi mắt nhìn theo, hì hục kéo từng thước lưới, mồ hôi nhễ nhại trên trán hai vợ chồng. Tay lưới đầu nhà út Hởi không dính con nào. Ngược dòng trở lại, tay lưới thứ hai được thả xuống. Kéo lưới nặng, một con cá bông lau đuôi đỏ hơn hai ký mắc vào lưới. Với con này, đêm nay vợ chồng út Hởi kiếm được cả trăm ngàn. Mạn phía Nam, ba Việt reo lên: "Dính con trên 4 ký rồi!". Tiếng hỏi han của anh em: "Bông lau đuôi vàng hay đỏ?", "Chiều giờ mấy con rồi?"... vang vọng trên một khúc sông. Mỗi ký cá bông lau tùy loại đuôi đỏ, đuôi vàng mà giá cả khác nhau. Cá bông lau đuôi đỏ đắt hơn khoảng 10 ngàn đồng/kg. Giá cá tại ghe dao động từ 40 - 80 ngàn/kg tùy thời điểm đầu hay cuối vụ. Lúc nào cũng có vài ba chiếc vỏ lãi của bạn hàng quần thảo trên sông thu mua ngay những con cá bà con vừa bắt được. Vợ chồng út Hởi tiếp tục thả tay lưới thứ 3 khi con trăng non đầu tháng đã lên đỉnh đầu. Út Hởi tâm sự: "Người theo nghề cá này chủ yếu là dân nghèo, không đất sản xuất. Gia đình tui có 7 anh em, con cháu cùng theo nghề thả lưới cá bông lau". Hết mùa cá, vợ chồng út Hởi lại đi cắt lúa mướn, mùa lũ về thì đi đánh cá linh.
Út Hởi và Sáu Vèo bên chiến lợi phẩm vừa thu được. |
Thả xong tay lưới thứ ba, ghe vợ chồng út Hởi cặp thêm hai chiếc của cha con hai Để, sáu Vèo thành một chiếc bè nổi, một cuộc lai rai với lít rượu đế, vài trái xoài xanh cùng mấy con khô đem theo lúc nãy dọn ra. Bàn rượu đạm bạc giữa dòng sông Hậu với những mẩu chuyện về nghề săn cá bông lau bắt đầu. Các anh cho biết, khu vực Vàm Nao này hiện có khoảng 200 hộ chuyên nghề thả lưới bông lau ở Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Kiến An (huyện Chợ Mới), xã Tân Hòa (huyện Phú Tân) cùng một vài bà con bên Bình Thủy (Châu Phú), mấy năm nay cũng bắt đầu theo nghề. Nghề thả lưới bông lau này cũng chẳng ai biết bắt đầu hình thành từ khi nào, nhưng theo người già kể lại thì khoảng đầu thế kỷ XX, một số bà con nghèo vùng Vàm Nao thường ra sông bắt cá, mấy lần trúng cá hô, cá bông lau, đem ra chợ Long Xuyên bán được giá cao; nên từ đó họ truyền miệng, chỉ nghề và hình thành luôn nghề bắt cá tại đây. Trước cũng chỉ non chục hộ ở Mỹ Hội Đông, nay đã có trên trăm hộ cả mấy xã lân cận theo nghề săn cá. Mũi Vàm Nao chỉ dài hơn hai cây số, ngang khoảng năm trăm thước, vậy mà lúc nào cũng có từ vài chục mảnh lưới bủa vây ngang dọc. Hai Để uống cốc rượu rồi thở dài bảo: "Theo nghề này chuyện ghe tàu đi qua, vướng lưới, rách lưới là chuyện cơm bữa. Chủ ghe nào biết điều thì đền cho vài chục ngàn, còn gặp người nói ngang, chỉ có nước ngậm bồ hòn làm ngọt. Còn lật ghe, chìm máy thì thỉnh thoảng cũng xảy ra". Mới ba bữa trước, anh ba Bồng ở Tân Hòa (Phú Tân) bị một chiếc xà lan chở cát đâm chìm, khi anh đang cuốn lưới. Xà lan đi mất, anh được mấy anh em đánh cá gần vớt lên, chiếc ghe nổi vớt được mang vào bờ, còn chiếc máy cô-le trên 3 triệu chìm nghỉm đến nay chẳng vớt được. Rồi chuyện mưa bão, sóng to, lật xuồng, mất lưới... những mẩu chuyện bắt cá ngày xưa được anh em kể lại vô cùng lý thú. Chốc chốc, một hai người bạn như: Bảy Hùng, hai Tút, tư Sơn... tạt ngang làm vài cốc rượu ấm bụng rồi ra lưới.
Nhìn đồng hồ đã hơn 3 giờ sáng, út Hởi cùng vợ kéo lưới, đêm đánh bắt cá bông lau kết thúc. Trên đường về, út Hởi khoe rằng "Tháng trước, có mấy người ở thành phố về đây tìm hiểu nghề bắt cá bông lau, họ biểu chúng tôi ghi chép lại số cá bắt được mỗi vụ. Họ còn thành lập tổ đánh bắt cá nữa, bà con mừng lắm!". Đó chính là đoàn công tác của các cán bộ thủy sản về nhằm tìm cách bảo vệ và phát triển con cá bông lau tại Vàm Nao. Còn tổ liên kết đánh bắt cá cũng được các cấp, các ngành nhanh chóng thành lập để hỗ trợ bà con trong nghề đánh bắt cá bông lau và cũng nhằm duy trì, bảo tồn nguồn cá quý. Bất giác, út Hởi nói: "Trước đây, có đêm được chục con, vậy mà bây giờ hẻo quá, người bắt thì nhiều, cá về lại ít. Không biết có khi nào không còn con cá bông lau này giống như cá hô lúc trước nữa không hé chú?". Nếu quả thật không còn con cá bông lau nữa thì Vàm Nao Sở Búng này sẽ mất đi một nghề truyền thống, con cá bông lau cũng chỉ còn lại truyền thuyết như loài cá hô ngày trước và những người dân nghèo mất thêm một kế sinh nhai. Chòng chành trên dòng Vàm Nao một đêm đã cho tôi cảm nhận phần nào hơi thở cuộc sống của những người dân nghề lưới cá. Sương lạnh, đêm Vàm Nao gió thốc từng cơn buốt tái da.