Bếp lửa đỏ, tiếng đe, tiếng búa gắn bó với người dân làng nghề Hoè Thị...
Làng rèn xưa
Thế kỷ XVII, theo gia phả họ Nguyễn Đắc ở Hòe Thị xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Vào đời Lê, có ông Nguyễn Đắc Danh, thi đỗ Hương cống, làm quan tới tri phủ Thanh Hóa, có người em là Nguyễn Đắc Tài học được nghề rèn trở thành thợ giỏi về làng truyền nghề cho con cháu rồi phát triển ra khắp làng. Ông được coi là Tổ sư của nghề tại Hòe Thi, Xuân Phương.
Sau đó, một số thợ rèn có vốn làm ăn di cư vào nội thành ở các phố Hàng Bừa (nay là phố Lò Rèn), Sinh Từ, Kim Mã chuyên rèn nông cụ, dao, kéo... Thời bấy giờ phố hàng Bừa nổi tiếng với nông cụ sản xuất, được nông dân các tỉnh về mua rất đông.
Làng rèn nay
Xuân Phương là một trong bốn vùng danh tiếng của huyện Từ Liêm xưa "Mỗ, La, Canh, Cót" có truyền thống văn hoá và nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống. So với các nghề thủ công khác ở Xuân Phương, nghề rèn tuy ra đời sau nhưng phát triển khá mạnh mẽ.
Nghề rèn bằng phương pháp quai búa thủ công cũng dần được thay thế bằng máy móc. Anh Nguyễn Hữu Công, chủ một lò rèn cho biết: "Việc áp dụng khoa học kỹ thuật làm cho công việc diễn ra nhanh hơn và ít tốn nhân công lao động hơn. Xưa kia, một hộ gia đình không thể tự kham nổi việc sản xuất, phải thuê thêm thợ làm".
Sản phẩm của làng rèn ngày càng đa dạng về chủng loại, đạt độ chính xác cao, tinh xảo, mẫu mã đẹp. Bằng sự năng động, sáng tạo, người dân Hòe Thị vừa gìn giữ được nghề của ông cha, vừa đưa nghề phát triển phục vụ cuộc sống và làm giàu cho quê hương.
Trăn trở giữ nghề
Ông Nguyễn Phương Hùng (chủ cửa hàng trên phố Lò Rèn) tuy không sinh ra ở làng nghề nhưng với ông, Hòe Thị luôn là nơi để ông nhớ, bởi ông nội của ông Hùng là người đem nghề rèn ra phố, ông Hùng vẫn giữ được nghề truyền thống của con phố mang tên phố Lò Rèn cho đến nay.
Nghề rèn là nghề rất vất vả, lò rèn và những thùng dầu sôi sùng sục lên tới hàng trăm độ giữa tiết trời nóng bức mùa hè, mùa đông thì khô da nứt nẻ. Nhưng đối với tôi mỗi ngày được cầm tay búa là một ngày vui, vui vì mình còn khoẻ còn rèn được, phần khác là mình vẫn giữ được nghề rèn truyền thống mà bây giờ không còn ai theo nghề nữa. Người thợ có sức khỏe tốt kèm thêm kinh nghiệm sẽ tạo ra những sản phẩm tốt".