Gần 60 năm miệt mài nghiên cứu sưu tầm, bà đã có đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển dân ca Tày, trong đó có hát then. Đặc biệt với việc sáng lập Câu lạc bộ (CLB) Cẩu Pung, bà đã đào tạo, bồi dưỡng, “ươm mầm” nhiều nghệ nhân then tiếp nối công việc đầy thiêng liêng và cao quý này.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bông được trời phú cho chất giọng cao vút nhưng lại không được đào tạo bài bản như người chị gái - ca sĩ Thanh Loan, ca sĩ đầu tiên của Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) và cũng là người đầu tiên (song ca cùng NSƯT Nông Văn Khang) thể hiện ca khúc Việt Bắc nhớ Bác Hồ nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tuy vậy, bà lại được học từ nhiều nghệ nhân có tiếng trong vùng Tràng Định, hễ ai hát làn điệu dân ca Tày, Nùng hay là bà lại xin đến học.
Trong cuộc trò chuyện, bà say sưa nói về giá trị của then trong đời sống tâm linh của người dân tộc Tày, Nùng trên vùng núi cao Việt Bắc. Đó là tài sản vô giá mà ông cha đã để lại cho chúng ta và sẽ thật buồn nếu giới trẻ quay lưng với di sản ấy. Vì thế với trách nhiệm của người đi trước, bà mong muốn đem kiến thức của mình truyền lại cho thế hệ sau để di sản then sẽ như dòng thác vận động không ngừng. Là nghệ nhân đầu tiên của huyện Tràng Định được phong Nghệ nhân Ưu tú và là một trong số ít những nghệ nhân then được phong tặng danh hiệu cao quý này, hơn ai hết bà hiểu trách nhiệm của mình lớn lao đến nhường nào.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bông (đứng) truyền dạy hát then cho hội viên CLB Cẩu Pung.
“Ở cái tuổi này, muốn làm được nhiều hơn thế nhưng “lực bất tòng tâm”. Tôi chỉ mong các làn điệu then được đi sâu trong quần chúng, thấm vào nhiều thế hệ, trong đó đặc biệt là những em học sinh. Vì đó là thế hệ măng non then, là lớp người tiếp nối công việc đầy trọng trách, vinh quang nhưng cũng rất đỗi khó nhọc này. Có thế thì tôi mới không cảm thấy có lỗi với tổ tiên dân tộc Tày, Nùng, với những nghệ nhân đã từng truyền dạy cho mình”, nghệ nhân Nguyễn Thị Bông bộc bạch.
Năm nay đã bước vào tuổi 72 nhưng bà vẫn còn rất khỏe mạnh và qua ánh mắt, cử chỉ của bà, tôi hiểu người phụ nữ gốc Tày này còn tràn đầy nhiệt huyết và sung sức với then. Bà bảo, do ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, khoa học mà bà chả có bệnh tật gì nghiêm trọng. Tuy có những hôm “trái gió trở trời” đau mỏi chân tay hoặc có những hôm cảm sốt thông thường, thế nhưng “cứ được múa, được hát là khỏe ngay”. Bởi với một người hoạt động nghệ thuật thì còn hạnh phúc nào hơn khi được sống trong đam mê, đó là “liều thuốc tinh thần” vô giá để bà có đủ sức khỏe và trí nhớ để ngày ngày truyền dạy then miễn phí cho thế hệ trẻ.
Được biết từ năm 2014 đến nay, bà dồn hết tâm sức và trí tuệ trong việc truyền dạy đàn hát then cho hơn 100 hội viên ở CLB Bảo tồn dân ca Cẩu Pung (tại huyện Tràng Định). Đây là một “địa chỉ đỏ” về bảo tồn và phát triển then được giới chuyên gia và truyền thông đánh giá cao. Và với sự tâm huyết của bà và nghệ nhân Đoàn Bích Khê (người đồng sáng lập CLB, năm nay đã ngoài 80 tuổi) thì then đang thực sự có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng người Tày-Nùng ở huyện miền núi Tràng Định.
Chia sẻ về quan điểm sống của mình, nữ nghệ nhân dân tộc Nùng Nguyễn Thị Bông tâm sự: “Cuộc sống bây giờ có rất nhiều áp lực: trẻ em thì áp lực trong học tập; người lớn thì rất nhiều áp lực từ cuộc sống mưu sinh. Người nào nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh thì sẽ thành công. Tôi nghĩ, người nào luôn lạc quan vui vẻ, hòa đồng với mọi người, thích sẻ chia thì sẽ có cuộc sống tích cực và luôn khỏe mạnh để vượt qua bệnh tật. Âu sầu, đố kị với thành công của người khác, chỉ làm yếu cơ thể của mình thôi”.
Một trong số những học trò tiêu biểu của nghệ nhân Nguyễn Thị Bông là nghệ nhân Xuân Bách (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc). Anh hiện nay đang nổi lên là một nghệ nhân trẻ với khát khao được đưa then lan tỏa đến với nhiều thế hệ, nhiều vùng miền, trong đó có việc “xuất ngoại then” như anh và một số nghệ sĩ, nghệ nhân đã thực hiện vào cuối năm 2017 khi đưa then đến với “kinh đô ánh sáng” Paris, Thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Nhẩn nha sống và đắm say với then, nghệ nhân Nguyễn Thị Bông như những người “chở đò” chở bao chuyến học sinh “sang sông” và họ cũng đang tiếp tục nối mạch những công việc cao cả và ý nghĩa ấy.