Gặp cụ trong một buổi chiều đầu thu, tôi thực sự bất ngờ về đôi chân khỏe khoắn, đôi tai thính, đôi mắt tinh và đặc biệt là trí nhớ tuyệt vời của người đàn ông đã sống gần một thế kỷ trên cõi đời này.
Mới đến đầu phố Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), hỏi thăm nhà Nghệ nhân ưu tú Ngô Văn Đảm thì một người phụ nữ đứng tuổi đã nhanh nhảu đáp: “Ai chứ cụ Đảm nghệ nhân thì cả phố này đều biết. Nhà cụ ở số nhà 76 kia kìa!”. Tôi ngó vào thấy “cửa đóng then cài”, nhà không có chuông trong khi xe cộ qua lại trên đường thì tấp nập, nhộn nhịp, tôi định dắt xe ra về. Thế rồi một người phụ nữ nhà bên gọi với: “Tôi mới thấy ông Đảm cầm đàn về mà, cứ gọi to, ông trên tầng 2 nghe thấy đó”. Một suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi, “phố ồn ã thế này thì cụ ông tuổi 92 nghe làm sao được chứ?” nhưng đã đến rồi thì cố gọi xem sao. Và quả không ngờ, mới gọi được đến câu thứ hai ông đã vội vã bước xuống mở cửa.
Nghệ nhân ưu tú Ngô Văn Đảm sung sức ở tuổi 92.
Đưa tôi lên nhà qua cầu thang bé và tối om, vậy mà đôi chân ông cứ thoăn thoắt, kính ông cũng chẳng cần đeo. Gác 2, nơi ông ngủ và làm việc chừng 15 mét vuông, mọi vật dụng đều hết sức cũ kĩ, giản đơn. Cụ bà đã mất, ông hiện sống với gia đình người con trai đã bước vào tuổi 70. Nhìn vào manh chiếu, ông đang mở tài liệu để soạn lời mới cho bài chèo Lới lơ phục vụ cho công việc dạy học tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam), nơi ông đang giữ cương vị Trưởng ban Nghiên cứu.
Những nét chữ vẫn còn rất rõ ràng, tròn trịa, những câu chuyện còn rất mạch lạc, chi tiết, đủ thấy ông còn minh mẫn nhường nào. Khi tôi còn đang chưa hết bất ngờ thì ông đã “khoe” bình thường vẫn đi xe bus biểu diễn tại các điểm ở Hà Nội hoặc đi diễn các tỉnh lân cận (nếu có ôtô đón). Có lẽ ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung hiện không còn nhiều nghệ nhân ở tuổi U100 vẫn có sức làm việc phi thường như ông.
Thấy cuộc sống có phần kham khổ của ông, phải thật thân tình tôi mới dám hỏi thu nhập của ông hiện nay thế nào? Ông nói, trước đây ông tham gia quân ngũ rồi về công tác tại Bộ Giao thông Vận tải, nói chung mức lương cũng không phải quá thấp so với mặt bằng chung. Thế rồi như hiểu ý, ông lại tiếp lời: “Nhiều người thắc mắc tại sao tuổi 92 như tôi vẫn còn đi biểu diễn làm gì? Hay là cuộc sống thiếu thốn quá? Tôi chỉ cười, bởi tôi biết họ không phải dân trong nghề nên không hiểu được. Đã trót yêu cái “món” dân ca này thì khó mà dứt ra được. Tôi tâm niệm chỉ khi nào không đi được thì mới dừng lại công việc này. Dân ca như là hơi thở, là máu thịt, là cuộc sống của tôi vậy. Nếu ngồi nhà có khi tôi sẽ ốm mất. Hiện tại, tôi đang rất khỏe, tôi không có bệnh tật gì hết, vậy tại sao tôi phải dừng lại?”.
Như đi đúng mạch cảm xúc của ông, tôi lân la hỏi ông “bí quyết” nào để tuổi 92 vẫn mắt sáng, chân khỏe, trí tuệ minh mẫn như vậy? Ông bảo, ông kết hợp 3 phương pháp: Ăn, ngủ điều độ; Tập thể dục thường xuyên và đặc biệt là luôn giữ tâm hồn mình được tươi trẻ. “Tại sao mình phải nghĩ mình già? Tôi cứ nghĩ mình mới ở lứa tuổi 20 tràn đầy sức sống, ước mơ, hoài bão vậy nên cuộc sống mỗi ngày trôi qua với tôi là một ngày vui”, ông cả quyết.
Sự làm việc nghiêm túc, chỉn chu của ông đã được nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đánh giá cao. Nhạc sĩ Thao Giang từng khẳng định: “Nghệ nhân Ngô Văn Đảm đã truyền dạy được nhiều học viên trưởng thành, nhất là trong lĩnh vực ca trù. Ông rất có trách nhiệm với công việc được giao, nhiều lĩnh vực thực hiện mang lại kết quả thiết thực, đặc biệt là trong lĩnh vực ca trù. Ông cũng đã cung cấp cho Trung tâm rất nhiều tư liệu về các loại dân ca xưa nay, chúng tôi thường gọi ông là “kho tư liệu sống” của âm nhạc dân tộc”.
Đúng vậy, được ngồi trong căn phòng làm việc của ông, được nghe ông lần lượt gảy 4 loại đàn (đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt) mới thấy tiếng đàn thật sâu lắng, da diết và đầy sức truyền cảm. Không chỉ gảy đàn thành thục, ông còn có vốn kiến thức khá dày dặn, sâu sắc về chèo, xẩm, quan họ, chầu văn... và đặc biệt là ca trù - loại hình đã đem đến cho ông danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và tới đây sẽ là danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.
Một trong những đóng góp của nghệ nhân Ngô Văn Đảm là đã thành lập Câu lạc bộ UNESCO ca nhạc truyền thống Hà Nội từ năm 2000, trong đó có nhóm ca trù Vân Mai. Ông đã cùng nhóm ca trù này đánh trống chầu, chơi đàn phục vụ trong nhiều lễ hội lớn. Bản thân ông cũng đã tham dự nhiều nhạc hội ca trù toàn quốc, trong khu vực và ở Hà Nội. Năm 2006, ông được tặng Bằng khen xuất sắc tại Hội diễn ca trù toàn quốc. Năm 2014, nhóm ca trù 3 nghệ nhân gồm: Đào Kiều Oanh (ca), Phạm Hùng Cường (kép đàn), Ngô Văn Đảm (trống chầu) tham dự liên hoan ca trù do Viện Âm nhạc tổ chức với kết quả chung cuộc nhóm giành Giải Đặc biệt với bài ca trù cổ Non mai hồng hạnh. Gần đây, vào cuối năm 2019, ông đã được giấy khen trình diễn xuất sắc tại Liên hoan ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh...