Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn: Quan họ nói khẽ, ăn cũng khẽ!

05-03-2010 10:32 | Văn hóa – Giải trí
google news

Một sớm xuân Canh Dần về làng Diềm (nay thuộc xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn.

Một sớm xuân Canh Dần về làng Diềm (nay thuộc xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn. Dường như đã trở thành thói quen, cứ hễ có dịp về Kinh Bắc, có chút thời gian nhởn nha thăm thú nét quê Kinh Bắc là chúng tôi lại về với người nghệ nhân vừa sang tuổi 79 này của một trong 49 làng quan họ cổ, là nơi duy nhất thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ.

Hôm nay nhà bà Bàn có việc. Bà đang tất tả ngược xuôi nhưng thấy người quen, lại là những người thích được nghe chuyện quan họ ngày xưa, bà Bàn ngơi tay, say sưa mở lòng trở về cái thời xa xưa của quan họ. Bà kể: "Cả họ nội ngoại nhà tôi nhiều đời nay chơi quan họ có tiếng ở làng. Cả ông bà nội ngoại tôi, bố mẹ tôi cũng chơi, các dì, cậu, mợ bên nhà mẹ tôi cũng đều chơi". Bà Bàn cho biết, nhà bà ngoại của bà xưa nghèo lắm, nhà tranh vách đất, nền và sân cũng bằng đất nện. Nhưng, bà ngoại bà có giọng hát nức tiếng trong vùng, tối nào cũng có các liền chị tìm tới học. "Ngày bé, tôi ở nhà bà tôi, nghe bà dạy các chị hát, tôi cứ mê mẩn cả người, cứ đứng ở ngoài học lỏm, ấy thế mà tôi thuộc làu làu. Lúc bà tôi dạy các chị hát nhưng mãi không nhớ, tôi mới buột miệng hát lên. Bà tôi ngạc nhiên lắm, lấy luôn tôi làm gương cho các chị. Thế là sau đó mấy chị trách: Cái con ranh này thông minh vừa thôi không chúng tôi bị cụ mắng" - bà Bàn tủm tỉm nhớ lại câu chuyện ngày xưa rồi kể tiếp: "Nghe thấy thế, tự ái tôi chỉ nằm trong nhà đánh võng. Các chị thấy thế cứ vào dỗ ra ngồi học cùng, phải nói tới mấy hôm tôi mới ra ngồi cùng các chị". Cho tới khi "15 tuổi, tôi lập một bọn quan họ gồm 8 người. Có mấy người hơn tuổi nhưng vì tôi biết hát được nhiều làn điệu nên họ tôn tôi làm chị cả. Bọn của tôi luyện tập ở nhà ông Khải, bà Trạch" - nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn cho biết.

 Nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Bàn.

Làng Diềm xưa có tất cả 12 bọn quan họ, mỗi bọn có trên dưới 10 người. Mỗi bọn lại kết bạn với một bọn ở nơi khác. Nhà bà ngoại của nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn chứa bọn quan họ Bịu ở mãi tận Lim. "Mà quan họ thì cái gì cũng khẽ. Đi phải khẽ, nói phải khẽ, mà ăn cũng phải khẽ", nói rồi bà Bàn lên cao giọng: "Ối giời ơi! Tôi vẫn còn nhớ mãi những ngày bọn quan họ Bịu đến nhà bà ngoại tôi, hát thâu đêm suốt ngày, trong bụng thì đói meo, mắt tôi hoa hết cả lên. Đợi mãi mới đến giờ ăn. Người quan họ dù có nghèo đến đâu thì đãi bạn bao giờ cũng phải mâm cao cỗ đầy. Thế nên khi mâm cỗ to được dọn ra, nhưng quan họ ăn cũng khẽ, mỗi người chỉ ăn một chút thôi. Ngày ấy tôi mới 11 tuổi, vẫn còn trẻ con vô tư lắm, đói quá phải chạy ra sau để ăn thêm" - bà Bàn cười vui vẻ. Tình nghĩa kết bạn trong quan họ thật sâu đậm. Ở cách xa nhau hơn chục cây số, mà làng Diềm lại đồng chiêm trũng vào mùa xuân thì đỡ, mùa thu có khi nước ngập tới ngang bụng nhưng năm nào cũng thế, cứ vào hội đền Vua Bà ngày 6/2 và ngày 6/8, làng làm lễ vào đám là bọn quan họ liền anh bên Bịu lại lên từ chiều mùng 5 đến chiều mùng 7 mới về. Mà quan họ gặp nhau là hát, hát cho tới khi giã bạn mới thôi. Vì thế một canh hát quan họ ở Diềm có thể chỉ 1 tiếng, có thể nhiều tiếng, có thể thâu đêm nhưng cũng có khi kéo dài tới 3 ngày, kể từ khi bọn quan họ nam tới cho đến khi ra về. Dù canh hát dài hay ngắn thì bao giờ cũng phải đủ 3 chặng Lề lối, Giọng vặt và Giã bạn, trong đó giọng Lề lối phải đủ 5 câu ra và 5 câu đối (khác lời nhưng cùng một giọng). Chẳng hạn, bên bọn nữ ra câu La rằng: "Em mong người như cá mong mưa/ Mong người như bữa cơm trưa đói lòng" thì bên bọn nam cũng phải đối lại bằng một câu khác cũng trên giọng La rằng: "Lẽ ra em cũng ở nhà/ Trong lòng bối rối như đà người mong" (trong giao tiếp quan họ, bao giờ cũng khiêm tốn nhận mình là phận em, kể cả với lời đối của liền anh với liền chị)...

Những năm kháng chiến chống Pháp, nghề chơi quan họ đã ít nhiều bị mai một về hình thức nhưng quan họ vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng mỗi liền anh, liền chị làng Diềm. Bà Bàn dạo đó tham gia đội du kích của xã. Đội có 3 nữ giới có nhiệm vụ đi cắt dây, đào mìn, đồng thời ban ngày đi dân vận để ban đêm tới gửi các chiến sĩ cách mạng tại nhà dân. Bà Bàn kể: "Đường chính thì không dám đi vì sợ bị phát hiện, chúng tôi toàn lội đường đồng chiêm trũng, có khi cỏ môi cắn sứt cả chân. Thế nhưng chả mệt, hễ hôm nào rảnh, không phải đi làm nhiệm vụ thì lại hát". Lòng say mê quan họ của nghệ nhân Bàn nói riêng, người dân làng Diềm nói chung đã giúp cho quan họ của làng vẫn có sức lan tỏa ngay cả trong khi cuộc kháng chiến vẫn còn đầy gian khổ. Vì thế, các bọn quan họ của làng vẫn duy trì. Cho tới năm 1990, chính quyền tổ chức tập hợp cả mười mấy bọn để thành một đội quan họ. Khi ấy nghệ nhân Bàn được bầu làm phó chủ nhiệm. Kể từ đó tới nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn vẫn miệt mài truyền dạy cho các thế hệ quan họ trẻ của làng; đồng thời, hàng năm Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh vẫn gửi học sinh lớp quan họ để bà truyền dạy những làn điệu cổ và cả tình yêu với quan họ cho các em.

Nguyễn Quang Long


Ý kiến của bạn