Hà Nội

Nghệ nhân Hà Thị Cầu - “Báu vật dân gian” đã về cõi khác!

05-03-2013 10:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sau một thời gian ngắn chống đỡ với bạo bệnh, “báu vật dân gian” - nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 3/3/2013.

Sau một thời gian ngắn chống đỡ với bạo bệnh, “báu vật dân gian” - nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 3/3/2013. Bà ra đi để lại nỗi tiếc thương, một khoảng trống cho hát xẩm ở đời sống hiện tại, sẽ rất khó ai có thể bù đắp được. Và hơn thế, trong tâm tưởng của những người đã được gần gũi với bà, họ sẽ mãi khắc ghi hình ảnh một “bà già” có cuộc đời nhiều truân chuyên, vất vả với tiếng hát nhẩn nha, tiếng nhị réo rắt, lời ca mộc giản dị chan chứa tình quê đã “một đi không trở lại”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, một trong những nghệ sĩ tham gia phục hồi nghệ thuật hát xẩm cùng với Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN kể từ năm 2005, là người may mắn có nhiều dịp được ăn cơm và tấu xẩm cùng với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Qua những lần giãi bày về chuyện đời, chuyện nghề với nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long như được tiếp thêm tình yêu với nghệ thuật hát xẩm. “Bu Cầu” (cách xưng hô của nhóm xẩm Hà Nội với bà Hà Thị Cầu) đã cho anh sức mạnh, niềm tin để gìn giữ những câu hát ấy cho hôm nay và mai sau.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu - “Báu vật dân gian” đã về cõi khác! 1
 Nghệ nhân Hà Thị Cầu với tác giả bài viết.

Khi tôi liên lạc với nhạc sĩ Long để báo tin bà Cầu vừa qua đời và viết bài báo này, anh Long đang đi dọc miền Kinh Bắc với một vài người bạn. Khi biết tin dữ về bà Cầu, nhạc sĩ Long bỏ ngay cuộc vui và lập tức trở về Hà Nội để chuẩn bị cùng các bạn bè cho chuyến đi về Ninh Bình tiễn biệt bà.

Gặp lại nhạc sĩ Long tại Hà Nội khi anh vừa “hỏa tốc” từ Bắc Giang về, anh buồn rầu chia sẻ: “Đây là một mất mát vô cùng lớn. Bởi kể từ giờ phút này, loại hình nghệ thuật hát xẩm với đầy đủ ý nghĩa của nó như là một nghề ca hát dân gian, người hát lấy tiếng đàn, lời ca làm kế sinh nhai đã hoàn toàn bị mất đi, sự độc đáo trong cách thể hiện tiếng đàn, giọng ca như bu Cầu hay nghệ nhân Nguyễn Văn Khôi ở Hà Đông trước đây đã coi như thất truyền”. Anh Long cũng nhận định: “Lớp nhà nghiên cứu, nghệ sĩ chúng tôi cố gắng hết mình thì cũng chỉ giữ lại được phần nào âm nhạc chứ không thể giữ được không gian văn hóa gắn liền với nó. Từ nay, hát xẩm gần như sẽ không còn tồn tại trong tự nhiên”.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, một học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng tiếp lời: “Bu Cầu hóm vô cùng, mỗi lần trò chuyện với bu Cầu giống như cuộc trò chuyện giữa hiện tại và truyền thống, từng lời nói, từng cái liếc mắt hay cái phong cách cử chỉ của bà đều như đưa ta trở về với những năm nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước nữa. Tôi nhớ có lần nghệ nhân Hà Thị Cầu hát ở Đêm xẩm Hà thành, khi ấy nghệ nhân hát bài Theo Đảng trọn đời do chính bà sáng tác từ năm 1977. Có tới hơn 30 năm hát bài ấy nhưng chẳng hiểu sao hôm đó, ngồi giữa manh chiếu được trải ra đúng trung tâm của sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, bu Cầu lại bỗng dưng quên lời, mà quên hẳn tới 1/3 bài. Đang dẫn dắt người nghe vào những cung bậc bổng trầm của xẩm bỗng dưng im bặt, một lúc sau thấy mặt bà tỉnh bơ, kéo kéo cái vĩ thì đàn phát ra hai tiếng “téo tèo”. Chúng tôi, ai cũng ngơ ngác thì bà lại kéo thêm một lần nữa, lúc này mới ngớ người bởi tiếng đàn nhị ấy là lời bà bảo “hết rồi”. Sau vài giây định hình mới biết đó cũng là cách xử lý khôn khéo và đầy thông minh sau một tai nạn nghề nghiệp như vậy”.

Tất cả các thành viên trong nhóm xẩm của Mai Tuyết Hoa và Quang Long dường như đều đã “ăn không ngon, ngủ không yên” khi được nghe lời dặn dò của nghệ nhân Hà Thị Cầu lúc bà có “cảm giác” chuẩn bị về với tổ xẩm: “Khi bu về với tổ xẩm, hãy mua cho bu một mẩu vàng để bu gối lên đầu, phải làm như thế để cho nghề hát xẩm tiếp tục được phát triển, được nhiều người yêu mến và gìn giữ”. Theo Mai Tuyết Hoa, đây là một hình ảnh đầy cao thượng và vô cùng đẹp của người hát xẩm. Bởi ai cũng biết cuộc sống của người hát xẩm, bà Cầu là một điển hình vốn luôn khó khăn, túng quẫn, nhưng ngay cả đến lúc lâm chung vẫn còn phải nghĩ sao để giữ trọn đạo với tổ nghề, vẫn nghĩ cho cuộc đời chứ không chỉ có riêng cá nhân mình.

Gần gũi và thân thuộc như con của nghệ nhân Hà Thị Cầu nên các nghệ sĩ trong nhóm xẩm cũng rất thấu hiểu bu Cầu. Dẫu không có công sinh thành, nhưng có công dưỡng dục, đối với họ, nghệ nhân Hà Thị Cầu là người thầy vô cùng kính yêu. Khi còn sống, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã từng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân dân gian, giải thưởng Đào Tấn… Tuy nhiên, theo anh Long,  những điều đó là sự ghi nhận của cuộc đời đối với bà chứ anh nghĩ bà không màng tới những điều ấy. Đối với bà, từ riêng góc nhìn của nhạc sĩ Long, được cất lên tiếng xẩm là mãn nguyện rồi, bất kể nơi đâu dù là một nơi cao sang quyền quý, dù là chốn linh thiêng hay chỉ nơi dân dã như bến sông, bãi chợ thì bà cũng hết mình hiến dâng cho người nghe. Đó mới là một người nghệ sĩ thực thụ!

Cả Quang Long và Mai Tuyết Hoa đều chắc chắn: “Ngày chúng tôi về tiễn đưa bu Cầu về với tổ xẩm ở bên kia thế giới, các thành viên trong nhóm xẩm sẽ hát những câu trong điệu Thập ân ngãi mẹ sinh thành. Đây là một bài điển hình của hát xẩm, được lưu lại đến ngày hôm nay chính là qua giọng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Chúng tôi sẽ hát và hát trước linh cữu của nghệ nhân Hà Thị Cầu”.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh năm 1928 chứ không phải 1917 như trên giấy tờ. Theo chị Mận (con gái bà Cầu), vì một số lý do và do hoàn cảnh nên lúc ấy phải khai tuổi của nghệ nhân Hà Thị Cầu tăng lên nhiều hơn. Như vậy, nghệ nhân Hà Thị Cầu hưởng dương 86 tuổi. Lễ viếng bà Cầu được bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng ngày 4/3. Bà được an táng vào lúc 9g30 sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình). Tại lễ an táng bà Cầu, nhóm xẩm đưa tiễn một “tượng đài xẩm” – nghệ nhân Hà Thị Cầu bằng những câu hát chở nặng ân tình do chính bà Cầu là người có công lưu giữ: “Công cha ngãi mẹ sinh thành/ Mang thai 9 tháng khai sinh một ngày/Trong lòng chẳng ngại tanh dơ/ Nuôi con từ thủa tanh dơ như là/…/Nào khi bồng bế nâng niu/ Sinh con đâu quản công lao nhọc nhằn/…/ Dạy con phải giữ đạo trời/ Kính thờ cha mẹ là người hiếu trung…”.

Phạm Hoa Quỳnh


Ý kiến của bạn