Thì ra nó khóc vì vừa đau vừa sợ, mấy em sinh viên và học viên phải ra vừa hỗ trợ vừa động viên nó. Lát sau đặt xong cô em đồng nghiệp bảo: Em vừa mệt vừa đói, run hết cả chân tay, lại căng thẳng, xuýt chút nữa thì phải gọi anh ra đặt giùm.
Lúc lọc máu dù có bố cháu ngồi bên cầm tay an ủi mà bé vẫn dấm dứt khóc. Mình ra động viên: Thôi con gái nín đi, chịu khó, cũng sắp xong rồi, mà cũng hết đau rồi còn gì. Thế nhưng bé vẫn khóc dù tiếng khóc đã nhỏ hơn một chút.
Nói chuyện với bố cháu thấy thương cảm vô cùng. Hai bố con từ Nghệ An lặn lội ra tận Hà Nội chữa bệnh. Con bé mới 12 tuổi đầu, nhưng vẫn còn trẻ con nên đã biết gì đâu. Bị bệnh thận lại ở nông thôn, dinh dưỡng không tốt nên cứ đen nhẻm và thấp còi. Bố cháu thì trông rõ lam lũ, quê mùa. Vừa thương, vừa cũng tội nghiệp vừa xót xa.
Thấy thương cảm từ trong thâm tâm, chứ không phải là nghĩa vụ phải thế. Bởi vì mình cũng có con, chỉ lớn hơn nó một chút.
Làm ở bệnh viện công, tiếp xúc với đa số là dân nghèo nên thấy dân ta còn nhiều người nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa quá vất vả, kinh tế khó khăn, giờ con cái lại bệnh tật, cũng không khác gì bệnh nan y là mấy, dù vẫn có thể điều trị để kéo dài sự sống. Nhưng tương lai của cháu và cả nhà cháu vì thế cũng sẽ trở lên mịt mù. Vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có chút ánh sáng ở cuối đường hầm.
Là bác sĩ cho người lớn, không phải điều trị bệnh cho trẻ con, nên mỗi lần thấy trẻ con bị bệnh nhất là những bệnh mạn tính, bệnh nan y lại thấy đau xót cho các cháu lắm.
Ngày xưa hồi sinh viên chưa bao giờ mình thích làm bác sĩ Nhi khoa, một phần vì cứ quan niệm khám cho trẻ nhi khó, vừa khó khai thác bệnh vừa khó thăm khám, không được "sướng" như người lớn, dễ nói chuyện hơn.
Nhiều khi cứ nghĩ, đã làm Nghề Y là phải chấp nhận Nghiệp vận vào thân; vất vả, căng thẳng, nguy cơ vẫn chịu đựng được, nhưng cái khó hơn là thường xuyên phải đương đầu với những khổ đau, những sầu, những bi của thế gian.
Cứ bảo, phải cố có cái đầu lạnh và trái tim nóng, mà cũng không phải là dễ.