Nghe lời thầy lang chữa đau chân tay bằng cách cho ong đốt, bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng

12-06-2023 20:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nghe lời mách bảo của thầy lang, người bệnh đái tháo đường tuýp 2 quyết định sử dụng phương pháp dùng ong châm để chữa giảm đau chân tay, đi lại khó khăn.

Thông tin từ BV Nội tiết Trung ương cho biết, vừa qua, Khoa cấp cứu  của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (49 tuổi – Đông Anh – Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi đường máu cao, phù hai chân và có nhiều vết mụn mủ ở vùng bụng và cẳng hai chân. 

Sau khi thăm khám và khai thác bệnh sử của bệnh nhân được biết, bệnh nhân này mắc đái tháo đường – đa biến chứng, bị thoái hóa cột sống đi lại khó khăn. Khoảng 1 tháng trước, nghe lời mách bảo bệnh nhân đã quyết định mời thầy lang đến dùng phương pháp ong châm để giúp giảm đau chân tay. Tuy nhiên, tình trạng đau nhức chân tay, đi lại khó khăn vẫn không thuyên giảm. 

Nghe lời thầy lang chữa đau chân tay bằng cách cho ong đốt, bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng - Ảnh 1.

Người bệnh đái tháo đường dùng phương pháp ong châm để chữa đau nhức chân tay gặp biến chứng.

 Gần đây bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên đã đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Qua thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm các bác sĩ  cho biết, đường máu bệnh nhân tăng cao, nhiễm trùng da, với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm. Bệnh nhân phải nhập viện điều trị.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị nhiều vết thương trên nền bệnh nhân đái tháo đường quản lý đường máu không tốt. Khi nhập viện, đường máu bệnh nhân tăng cao càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, lâu lành vết thương, thâm chí hoại tử các vùng mưng mủ do ong châm rất dễ xảy ra. 

Nghe lời thầy lang chữa đau chân tay bằng cách cho ong đốt, bệnh nhân đái tháo đường gặp biến chứng - Ảnh 2.

Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, lâu lành vết thương, thâm chí hoại tử các vùng mưng mủ do ong châm.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không nên tự ý điều trị triệu chứng bệnh bằng các biện pháp tiêu cực không được khoa học chứng minh, cần tuân thủ điều trị để quản lý tốt đường máu.

Theo TS.BS. Lê Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường - Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp.

Mắc bệnh đái tháo đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim. 

 Cách kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả:

  • Sử dụng thuốc hạ đường huyết thường xuyên: Nếu đã được kê đơn thuốc hạ đường huyết, bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng nếu cần.
  • Kiểm soát chế độ ăn: Bất cứ thực phẩm nào đều  ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ đường máu. Do đó, chế độ ăn nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas… nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Tập thể dục thường xuyên: Ngồi nhiều, ít vận động làm tăng kháng insulin, khiến đường máu sẽ khó ổn định. Do đó, người bị đái tháo đường nên cố gắng luyện tập hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội… để làm giảm đường huyết.
Nhiều người phải cắt ngón chân, bàn chân... do biến chứng đái tháo đường: Bác sĩ khuyến cáo gì?  Nhiều người phải cắt ngón chân, bàn chân... do biến chứng đái tháo đường: Bác sĩ khuyến cáo gì?

SKĐS - Tại Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết TW từ sau Tết Quý Mão đến nay đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường biến chứng nghiêm trọng buộc phải tháo đốt ngón chân, ngón tay, cắt bàn chân; nhiễm trùng vết thương đùi, viêm loét hoại tử vùng đầu, hoại tử da...


Trần Hải
Ý kiến của bạn