Đa số sinh viên ngành mỹ thuật, kiến trúc đều chia sẻ lý do làm nghề ký họa chân dung là để “luyện tay vẽ”. Nhưng mục đích quan trọng hơn mà ai cũng thừa nhận: “Nghề này kiếm được tiền nhanh”. Tuy nhiên, có vẻ như mọi chuyện không dễ dàng đến thế...
Nghệ thuật “chiều” khán giả
Với các họa sĩ đường phố, chỉ cần bỏ ra khoảng 10 phút ký họa, họ đã thu được khoảng 50 - 100 ngàn đồng tùy thuộc vào chất lượng “thành phẩm”. Với khách hàng, chỉ cần 10 phút ngồi làm mẫu, họ đã được sở hữu một bức chân dung đẹp mà giá cả khá bình dân. Dịch vụ vẽ ký họa đang hấp dẫn du khách tham quan Hồ Gươm, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ.
Ký họa cấp tốc dễ kiếm tiền nhưng không phải ai cũng làm lâu được.
Không chỉ dịp nghỉ lễ, vào những đêm cuối tuần, hình ảnh những họa sĩ vẽ ký họa chân dung dưới ánh đèn chợ đêm đã tạo nên những góc riêng thi vị của phiên chợ phố cổ. Nhiều người đến chợ đêm phố cổ không với mục đích mua sắm, tham quan, đi dạo mà đi tìm họa sĩ để ký họa chân dung cho mình. Mọi góc của chợ đêm phố cổ đều ồn ã, sôi động trừ những góc họa sĩ ngồi vẽ. Người được vẽ và họa sĩ cùng thả hồn vào những phút giây tĩnh lặng và tập trung tuyệt đối. Đây cũng được cho là một nét văn hóa đẹp ở phiên chợ đêm phố cổ.
Một ngày làm việc bình thường của họa sĩ đường phố kéo dài từ khoảng 9 giờ sáng đến 7 giờ tối. Tuy nhiên, những dịp lễ, Tết, họ có thể vẽ đến 1 - 2 giờ sáng. Một sinh viên mỹ thuật chia sẻ, dịp nghỉ lễ là “thời điểm vàng” để kiếm tiền nên không thể bỏ qua được. Một sinh viên ngành kiến trúc cho biết: “Sinh viên làm thêm ở công ty kiến trúc, một tháng chỉ được trả khoảng 2,5 triệu đồng. Còn mình cứ túc tắc đi vẽ ở Bờ Hồ, mỗi ngày cũng kiếm được ít nhất 300-400 ngàn”.
Ngoài vấn đề thu nhập hấp dẫn đối với sinh viên thì việc “luyện tay vẽ” cũng rất quan trọng. Một nữ sinh viên cho biết, cô chọn nghề công việc ký họa chân dung ở khu vực Bờ Hồ vì nó đúng với sở trường, mang lại thu nhập tốt và vui. Chỉ đi làm vào dịp cuối tuần để không bị ảnh hưởng đến học tập, 1 tháng cô cũng kiếm được 3-4 triệu đồng.
Nhưng...
Nhìn các họa sĩ đường phố “múa bút”, không ít khán giả trầm trồ tài nghệ của họ. Có thể ai đó nghĩ rằng vẽ ký họa chân dung không khó khăn gì. Nhưng phải chờ cho đến khi bức ký họa hoàn thiện mới thấy rằng: Vẽ chân dung chẳng đơn giản chút nào vì phải làm sao vẽ được thần thái của nhân vật và khiến người được vẽ trầm trồ vì người trong bức tranh đúng thật là mình.
Ký họa cấp tốc dễ kiếm tiền nhưng không phải ai cũng trụ được lâu. Rất nhiều sinh viên mỹ thuật đã làm và bỏ “nghề” này, đặc biệt là các sinh viên nữ. Ngồi lâu ở ngoài trời, nắng mưa là một trở ngại. Trong một buổi sáng, họa sĩ đường phố có thể vẽ được cho 4-5 khách nhưng suốt từ 12 giờ trưa đến 10 giờ tối lại phải ngồi “mốc meo” không kiếm được thêm đồng nào, đó là chuyện hết sức bình thường! Khó khăn lớn nhất của họa sĩ trẻ nghiệp dư khi “hành nghề” là sự phản ứng không tích cực của khách và người xung quanh. Họ bị áp lực tâm lý rất lớn khi đang vẽ mà ai đó cứ chỉ trỏ, chê bai này nọ. Chưa kể đến tình huống “thảm” hơn: Bị khách trả tranh vì không hài lòng. Thậm chí không ít khách hàng gây sự, quát tháo khi bức chân dung được cho là không giống với “bản thật”. Hài hước hơn, có khách hàng “vui tính” còn điều khiển nét vẽ của họa sĩ đường phố cho đến khi thành phẩm được như những gì họ mong muốn. Gặp phải những tình huống như thế, họa sĩ chỉ có thể... cười trừ: “Khách hàng là thượng đế, biết làm sao được”.
Dẫu sao ký họa nhanh trên phố cũng chỉ là nghề… kiếm cơm tạm thời đối với sinh viên ngành kiến trúc, mỹ thuật hoặc mang đến niềm vui chốc lát đối với những họa sĩ già chứ không phải sự nghiệp lâu dài. Chỉ có điều, nếu quá chiều khách, các họa sĩ trẻ sẽ thất bại trong việc luyện tay vẽ. Bị khách “tác động” quá nhiều, giá trị nghệ thuật của những tác phẩm ký họa nhanh sẽ rất thấp, thậm chí ngô nghê và rất khó... thẩm định chất lượng.
Không rõ trào lưu truyền thần vỉa hè này sẽ còn phát triển đến mức độ nào, nhưng xét ở góc độ mỹ quan đường phố, đây chưa hẳn là một việc đáng mừng.
Nam Phương