Đa số vẫn còn quan niệm rằng điều dưỡng là người giúp việc và hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần cho bác sĩ, chỉ thực hiện y lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên, vai trò của điều dưỡng còn lớn hơn thế, là một mắt xích rất quan trọng trong sự thành công hay thất bại của một ca điều trị.
Vai trò của ngành điều dưỡng
Theo sự phát triển chung của thế giới thì ngành điều dưỡng rất quan trọng, chiếm đến hơn một nửa sự thành công hay thất bại trong một ca điều trị. Tạp chí Entrepreneur (Mỹ) đã liệt kê đây là một trong 10 xu thế ngành nghề quan trọng của thế giới trong tương lai.
Thực tế khi một bệnh nhân từ lúc nhập viện cho đến khi ra khỏi bệnh viện thì điều dưỡng là người gắn bó nhất với họ nên vai trò của người điều dưỡng rất lớn. Hiện nay, người ta đang đưa ra một khái niệm là chăm sóc toàn diện, bao gồm tư vấn, điều trị và chăm sóc. Trong đó, bác sĩ làm công tác chẩn đoán, điều trị, tức là làm những công việc nhất định, còn chăm sóc toàn diện là của điều dưỡng.
PGS.TS. Lê Hữu Song - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện nay, điều dưỡng ở nước ta đã thực hiện tương đối đầy đủ chức năng và đáp ứng được nhu cầu điều trị cũng như chăm sóc sức khỏe của người bệnh nhưng chưa đạt được sự kỳ vọng của bệnh nhân và với chuẩn quốc tế. Đa số điều dưỡng vẫn còn thụ động làm cho hiệu quả điều trị giảm đi rất nhiều. Vì vậy, cần nhận thức được rằng điều dưỡng tuy không phải độc lập hoàn toàn nhưng là một ngành riêng, có tính chủ động nên cần phải tách rời sự phụ thuộc vào bác sĩ.
Điều dưỡng là người gần gũi với bệnh nhân hàng ngày.
Cần quan tâm đào tạo nhân lực
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ở Việt Nam, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ là 1,9 - thấp nhất khu vực Đông Nam Á và chưa đạt mức tối thiểu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (4 điều dưỡng/1 bác sĩ). Chính vì vậy mà công việc của người điều dưỡng tại các bệnh viện, nhất là các cơ sở tuyến Trung ương luôn trong tình trạng quá tải... Hơn nữa, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã chuẩn hóa trình độ điều dưỡng phải từ cao đẳng trở lên thì ở Việt Nam, trình độ trung cấp vẫn chiếm 74,6%. Tính đến cuối năm 2017, cả nước mới có 5 tiến sĩ và 300 thạc sĩ chuyên ngành điều dưỡng.
Theo ý kiến của PGS. Lê Hữu Song: Để nâng cao vai trò của người điều dưỡng thì chúng ta phải nhìn nhận đúng về ngành này, từ quan điểm về phục vụ và quan điểm về quản lý. Đối với người quản lý, khi đánh giá ngành điều dưỡng độc lập thì điều dưỡng họ sẽ độc lập, nếu chúng ta coi điều dưỡng là một vai phụ thì chắc chắn họ sẽ không tự phát triển độc lập được. Do đó, ngành điều dưỡng cần được nhìn nhận, được đánh giá và đầu tư đào tạo nhiều hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế.
Trong công tác đào tạo hiện nay, thực tế chương trình đào tạo tiến sĩ điều dưỡng tại Việt Nam chưa có. Điều dưỡng viên muốn học tiến sĩ hay thạc sĩ hầu như phải sang các nước phát triển trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản. Dự kiến vào năm 2019, Đại học Y Dược TP.HCM triển khai xây dựng Đề án Đào tạo tiến sĩ điều dưỡng. Và đây cũng là trường đầu tiên trên cả nước có Đề án Đào tạo điều dưỡng tới bậc tiến sĩ.
Trước đó, các bệnh viện cũng đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác điều dưỡng. Ví dụ: điều dưỡng tại BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV ĐH Y Dược TP.HCM đã tích cực học tập, nâng cao trình độ và tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học trong cả nước và quốc tế. Hội thảo khoa học điều dưỡng quốc tế lần thứ nhất đã được tổ chức tại BV Bạch Mai tháng 11/2017. Tại BV Trung ương Quân đội 108, từ nhiều năm nay cũng tổ chức các chương trình tập huấn, hội nghị khoa học về công tác điều dưỡng, quy tụ nhiều nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế... nhằm nâng cao trình độ và nhận thức đúng đắn về ngành này.
Mỗi điều dưỡng cần học tập để theo kịp xu hướng của nghề y
Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Yến - Điều dưỡng trưởng Khoa Da liễu Dị ứng - BV Trung ương Quân đội 108: Nhu cầu chăm sóc của người bệnh thay đổi mỗi ngày, là người trực tiếp theo dõi sự thay đổi này nên điều dưỡng cũng là người hiểu rõ nhất về diễn biến của bệnh nhân và hỗ trợ, phối hợp với bác sĩ để đưa ra một phác đồ điều trị cũng như chăm sóc mới phù hợp với bệnh nhân. Chính vì thế, chức năng của điều dưỡng ngoài việc thực hiện y lệnh của bác sĩ ra thì còn chức năng độc lập - đó là đưa ra nhận định của điều dưỡng về tình hình diễn biến bệnh (nắm bắt qua quá trình chăm sóc người bệnh), đưa ra chế độ (kế hoạch) chăm sóc cho phù hợp với từng người bệnh. Vì vậy, mỗi điều dưỡng viên cần học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của bệnh nhân cũng như theo kịp xu hướng phát triển của ngành y.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế tại đa số các bệnh viện còn thiếu nhân lực, bệnh viện và điều dưỡng luôn ở trong trạng thái quá tải thì sự chia sẻ khó khăn này từ phía bệnh nhân và người nhà cũng sẽ động viên điều dưỡng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.