Nghệ đen còn có nhiều tên gọi khác nhau như nghệ tím, ngải tím, ngải xanh, nghệ đăm. Nghệ đen là loại cây thảo cao từ 1 - 1,5m, thân rễ hình nón với nhiều nhánh phụ thon như hình quả trứng tỏa xung quanh như hình chân vịt. Lá có bẹ to ôm vào chân cây ở phía dưới, có đốm tía đỏ ở gần giữa mặt trên, lá dài 30 - 60 cm, rộng 7 - 8cm. Cuống lá ngắn hoặc không có. Hoa màu vàng, đài có thùy hình mác tù, dài 15mm, thùy giữa nhọn. Cụm hoa tập trung thành bông hình trụ, mọc lên từ thân rễ. Lá bắc phía dưới hình quả trứng hay hình mác tù, màu xanh lục nhạt, đầu lá màu đỏ, không mang hoa. Quả hình trứng, ba cạnh, nhẵn hạt thuôn, áo hạt trắng. Về hình dáng, nghệ đen rất giống nghệ vàng nhưng có màu tím đậm.
Cây mọc hoang ở vùng rừng núi, ven suối, vùng xốp ẩm và được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc. Bộ phận dùng là thân, rễ khi thu củ, vỏ ngoài vàng nâu, trong xanh thẫm, thu hái về cắt bỏ rễ con, luộc chín, phơi hoặc sấy khô bảo quản dùng dần.
Một số đơn thuốc có sử dụng nghệ đen:
Bài 1: Bổ khí, dưỡng huyết: Nghệ đen, bạch chỉ, hồi hương, cam thảo, đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung mỗi vị 40g. Tất cả các vị tán bột, hoàn thành viên. Ngày uống 8 - 12g. Thích hợp dùng cho các trường hợp suy nhược, tiêu hóa hấp thu kém, thể trạng xanh xao, thiếu máu,...
Bài 2: Ăn không tiêu, bụng đầy trướng: Nghệ đen 25g, tim lợn 1 cái. Tim lợn làm sạch, thái miếng nghệ đen thái lát, nấu chín, thêm gia vị. Ăn liên tục 5 - 7 ngày.
Bài 3: Chữa chứng huyết ứ, kinh nguyệt không thông, bế kinh, máu ra kéo dài, đen, đông thành khối nhỏ, kèm theo đau bụng trước khi thấy kinh: Nghệ đen 15g, ích mẫu 15g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 5-7 ngày trước kỳ kinh.
Bài 4: Chữa đau bụng kinh, sắc kinh xấu: Nghệ đen 20g, ích mẫu 16g, ngải cứu 8g. Sắc với 500ml nước, còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống 5-7 ngày trước kỳ kinh.
Lưu ý: Không dùng nghệ đen cho người khí huyết hư, phụ nữ có thai.
Bác sĩ Thuý An