Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra, làm rõ kẻ giả danh công an lừa tiền của một thầy hiệu trưởng trên địa bàn.
Trước đó, vào ngày 27/3, ông C.V.S (58 tuổi, trú xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) là một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên có đơn trình báo về việc ông S. nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên tổng đài viễn thông, thông báo số thuê bao đang dùng bị rò rỉ thông tin cá nhân và số điện thoại này đã bị đăng ký tài khoản để phát tán thông tin xấu.
Sau đó, ông S. đề nghị nhân viên tổng đài xóa tài khoản này. Lập tức đầu dây bên kia bắt đầu “giăng bẫy”, nói rằng tài khoản này được đăng ký ở TP. Đà Nẵng, nếu xoá thì phải có sự thanh kiểm tra của công an địa phương và cho số điện thoại của Đội điều tra Công an TP. Đà Nẵng để bị hại liên lạc.
Nếu họ kiểm tra mà không có gì nghi vấn thì thông báo cho bên viễn thông sẽ xóa. Sau đó, đối tượng cho số điện thoại phòng điều tra công an TP Đà Nẵng, người đầu tiên là nam giới tự xưng là Nguyễn Hùng Cường tiếp nhận trình báo vụ việc.
Cuộc nói chuyện được kết nối đến người tự xưng là Cường. Cường hướng dẫn ông S. nhập vào một đường link lạ để tiện trao đổi. Cường yêu cầu ông S. phải sắp xếp vào Đà Nẵng để làm việc, tuy nhiên cũng thông báo với ông S. rằng, nếu không vào được Đà Nẵng thì có thể làm việc gián tiếp qua mạng.
"Vì để chứng minh mình trong sạch, không liên quan đến việc mở tài khoản lừa đảo này nên tôi đồng ý làm việc gián tiếp. Sau đó, người tên Cường kết nối cho tôi gặp cán bộ cấp trên tên Đàn, xưng là đội trưởng đội điều tra. Người này cho tôi biết số điện thoại tôi đang dùng bị đối tượng Nguyễn Văn Dũng lấy để đăng ký tài khoản. Dũng là tội phạm xuyên quốc gia đã lừa đảo, buôn ma túy và và chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của người dân", ông S. cho biết.
Sau đó, Đàn hướng dẫn ông S. tải phần mềm "Cổng thông tin điện tử Bộ Công an". Tại phần mềm này đã hiển thị thông tin tài khoản rửa tiền của ông S. tại Đà Nẵng và quyết định bắt tạm giam nghi phạm là ông S. thời gian là 90 ngày để phục vụ điều tra.
Vì tin lời nhóm lừa đảo, ông S. sau đó tiếp tục làm theo những gì mà nhóm này hướng dẫn, trong đó có việc cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP.
"Trong tài khoản tôi lúc đó không có tiền, nhóm lừa đảo yêu cầu tôi bằng mọi cách vay mượn người thân, bạn bè gửi tiền vào thì mới chứng minh được bản thân không liên quan đến đối tượng phạm tội. Lúc đó sự việc đã lộ rõ là bị lừa nhưng tôi hoàn toàn như bị thôi miên. Từ cái đơn giản, rồi chúng biến thành cái phức tạp dần. Khiến tôi không thể làm chủ được bản thân", ông S. nói.
Khi ông S. vay mượn người thân, bạn bè số tiền 965 triệu đồng nộp vào tài khoản cá nhân, nhóm lừa đảo đã rút sạch số tiền trên. Phát hiện mình đã bị lừa ông S. ngay lập tức trình báo công an.