Dấu nặng tình sâu
Kỷ niệm 65 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID -19) đang hoành hành, Ngày tôn vinh các thầy thuốc gác lại, dành cho nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tôi đã rất khó khăn để đăng ký làm việc cùng ông trong ít phút. Trong thời gian hết sức ngắn ngủi đó, cảm nhận người thầy thuốc, nhà quản lý ở TTND. BSCKII. Phạm Văn Dịu hiện rõ.
Sinh năm 1960, ông Phạm Văn Dịu hiện là Tỉnh ủy viên, BSCKII, Thầy thuốc nhân dân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình. Có thể nói, ông đã dành trọn cả đời công tác phục vụ cho ngành y tế và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng.
TTND. BS CKII Phạm Văn Dịu chỉ đạo tại BVĐK huyện Quỳnh Phụ
Trải qua cả một chặng đường công tác, đối diện với vô vàn khó khăn của ngành y tế tỉnh nhà qua từng giai đoạn, kinh qua các vị trí công tác từ chuyên môn đến quản lý... Bác sĩ Phạm Văn Dịu đều cống hiến hết tâm huyết của mình vì sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của ngành y tế.
Nói về cơ duyên đến với nghề, sau một thoáng trầm tư, ông chia sẻ: “Nghề y chọn tôi như một định mệnh của cuộc đời. Bắt nguồn từ những mất mát riêng tư, để rồi biến thành tình yêu, cuối cùng là cái nghiệp mà tôi mong muốn đi theo và cả đời cống hiến. Những năm đất nước còn khó khăn, chứng kiến người anh trai của mình mất khi còn rất nhỏ do ngành y lúc bấy giờ thiếu thốn, đã thôi thúc tôi quyết tâm trở thành một người bác sĩ để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc cứu người”.
Trong quá trình gắn bó với nghề, trải qua rất nhiều cương vị công tác, nhưng có thể nói đáng nhớ nhất và khó quên nhất là khi ông đứng trên cương vị Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình – nay là Trung tâm kiểm soát bệnh tật.
TTND.BSCKII. Phạm Văn Dịu thăm hỏi bệnh nhi
Chính thời gian làm việc tại đây đã tạo tiền đề giúp ông tích lũy kinh nghiệm thực tế quý báu cho mình, ông được nhiều người nể trọng bởi năng lực nổi trội và uy tín trong lãnh đạo, điều hành, nhận được nhiều niềm tin yêu của cán bộ, thầy thuốc và nhân dân trong tỉnh. Năm 2012, qua những đóng góp thiết thực của mình với sự phát triển của ngành y tế tỉnh nhà, được sự tin tưởng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế Thái Bình.
Với nhận thức “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hoạt động của hệ thống y tế dự phòng là lấy phòng bệnh làm điều cốt yếu trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trên cương vị mới, với tâm huyết của mình, ông đã từng bước lãnh đạo ngành y tế Thái Bình xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống y tế đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, từng bước hiện đại đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Cống hiến cho đời
Đầu tiên phải kể đến là những thành công trong quá trình hiện đại hóa y tế tuyến cơ sở. Số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã là 285/286 đạt 99,65%. Nhờ vậy, hệ thống y tế cơ sở tại tỉnh đã có được cơ sở vật chất tốt.
Nhiều đề án đã được triển khai tại tuyến xã như xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, xây dựng mô hình phòng, chống dịch dựa vào cộng đồng; mô hình quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm,…
Thực hiện quản lý và điều trị ngoại trú một số bệnh không lây nhiễm tại 98 cụm trạm y tế xã trong tỉnh. Việc triển khai thí điểm mô hình đã giúp ngành Y tế tận dụng hiệu quả năng lực sẵn có tại các trạm y tế xã, phường trong phát hiện, chẩn đoán bệnh không lây nhiễm, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tuyến, phát triển thêm kỹ thuật, thu hút và tăng niềm tin của người bệnh đối với trạm y tế xã…
TTND. BS CKII. Phạm Văn Dịu, (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng hội chẩn với thầy thuốc BVĐK tỉnh Thái Bình
Tiếp đến, ông Dịu cùng ngành y đã nỗ lực xây dựng hệ thống bệnh viện tuyến huyện hiện đại với nhiều trang thiết bị kỹ thuật chuyên sâu, nhiều kỹ thuật mới trở thành kỹ thuật thường quy tại các bệnh viện.
Tại tuyến tỉnh, Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Thái Bình được thành lập, mỗi ngày tiếp nhận gần 200 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Với công trình nhà xạ trị tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ, y bác sĩ được đào tạo chính quy, bài bản, làm chủ chuyên môn đã tạo các điều kiện tốt nhất giúp các bệnh nhân ung thư điều trị ngay tại tỉnh nhà.
Trung tâm Tim mạch cũng mới được thành lập với quy mô 150 giường bệnh, 3 mũi nhọn được tập trung: tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch và cấp cứu chăm sóc tích cực tim mạch. Sự ra đời của Trung tâm Tim mạch ghi dấu bước tiến mới, quan trọng trong ngành y tế Thái Bình, góp phần giảm số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Điều đó đã tiếp thêm hy vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh nặng trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.
Ông luôn là nguồn động lực giúp nhiều bệnh viện mạnh dạn triển khai các kỹ thuật khó, chuyên sâu. Bình quân mỗi bệnh viện phát triển 5 - 8 kỹ thuật mới/ năm. Hiện Thái Bình là tỉnh đi đầu trong khu vực về phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Khu khám điều trị chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo hình thức công tư kết hợp với quy mô 300 giường bệnh chính thức đi vào hoạt động. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng khắp trong tất cả các cơ sở từ các bệnh viện, trung tâm đến các trạm y tế.
Khi bước vào ngành y, ông Dịu đã có duyên với lĩnh vực y tế dự phòng. Trong công tác phòng chống dịch, Thái Bình cũng là tỉnh kiểm soát được nhiều dịch bệnh xảy ra. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác phòng dịch, ông Dịu luôn gần dân, khi có dịch xảy ra, ông trực tiếp có mặt tại cộng đồng để vận động bà con nhân dân biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, khống chế dịch bệnh ngay tại cộng đồng.
TTND.BS CKII Phạm Văn Dịu ( giơ tay ) nói chuyện với người dân cách ly tập trung từ Hàn Quốc trở về tại địa phương
Còn nhớ, đợt dịch cúm A/H5N1 xuất hiện ở nước ta, tỉnh Thái Bình có 2 ca mắc. Đó là thời điểm y tế dự phòng căng mình chống dịch. Làm sao để vừa khoanh vùng, xử lý tốt các ổ dịch, vừa không để cán bộ y tế lây nhiễm, chưa ai có kinh nghiệm để đối phó.
Lúc này đây, đòi hỏi mỗi người cán bộ phải có sự miệt mài, đam mê cùng bản lĩnh nghề nghiệp và chính nhờ lòng nhiệt huyết với nghề, lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực của những chiến sĩ áo trắng mà dịch bệnh cúm A/H5N1 đã được ngăn chặn, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được khống chế, đẩy lùi.
Ngày 30 Tết Canh Tý, khi có thông tin 1 trường hợp trở về Thái Bình từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc), ngay lập tức, ông cùng ban lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình triển khai 4 tình huống sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp với nCoV, thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh phòng chống dịch nCoV, trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và Giám đốc Sở Y tế làm Phó trưởng Ban chỉ đạo.
Biết bao nhiêu việc cùng triển khai một lúc, nguồn lây nhiều vì tỉnh Thái Bình có hàng nghìn người lao động trở về từ vùng dịch, đầy những lo lắng băn khoăn, làm gì để khống chế nguồn lây, không để dịch xảy ra… Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ: Chống dịch như chống giặc, ông cùng đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, lăn lộn bất kể ngày đêm, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm để dồn sức ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, không cho dịch lây lan...
Khi “cháy” hàng khẩu trang y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, ông đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID – 19 của tỉnh xin phương án hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong sản xuất khẩu trang ứng phó với dịch, không để người dân phải thiếu khẩu trang. Chỉ trong 2 tuần, hơn 1.000.000 khẩu trang đã được cấp phát đến giáo viên, học sinh và hàng nghìn người bệnh trong tỉnh.
Đồng thời chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế hỗ trợ các doanh nghiệp có người lao động trở về từ vùng dịch, triển khai các biện pháp cách ly, theo dõi, xử lý theo quy định với mục tiêu đặt ra là phát hiện ca bệnh nghi ngờ sớm nhất, khống chế nhanh nhất, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Hướng tới chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn, xác định đổi mới trang thiết bị hiện đại, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu là nền tảng, với vị trí Giám đốc Sở Y tế Thái Bình mà cán bộ y tế quý mến hay gọi là “tư lệnh ngành”, ông đã quyết liệt đưa ra yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể với từng đơn vị, chỉ đạo thành lập các đường dây nóng tại các đơn vị.
Nói đi đôi với làm, ông thường xuyên có những cuộc tiếp xúc đột xuất với nhân dân, người bệnh và đội ngũ y bác sĩ cũng như các bộ phận chuyên môn tại các bệnh viện nhằm ghi nhận kịp thời ý kiến phản ánh của người dân, những khó khăn của cán bộ y tế để có những hỗ trợ, chỉnh lý kịp thời.
Cùng với sự cố gắng, quyết tâm của toàn ngành y tế tỉnh nhà, trong những năm gần đây, ngành y tế Thái Bình đã nhận được nhiều tâm thư cảm ơn và ghi nhận của nhân dân về dịch vụ y tế, về thái độ chăm sóc… Đây cũng là nguồn động viên hết sức to lớn, khẳng định niềm tin của nhân dân với ngành y tế.
Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực của ngành cũng như sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hơn hết là đồng lòng của nhân dân, ông đã kêu gọi được nhiều nguồn đầu tư hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế chung tay đóng góp xây dựng nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật máy móc, trang thiết bị hiện đại… để chăm lo, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sức khỏe toàn dân.
Với những nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình công tác của mình, TTND. BS CKII. Phạm Văn Dịu - Giám đốc Sở Y tế Thái Bình đã vinh dự được đón nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cúp vàng lãnh đạo xuất sắc của Bộ Y tế trao tặng... thành quả đó của ông đó là sự cống hiến không biết mệt mỏi vì ngành y tế Thái Bình. Với chúng tôi, ông là bác sĩ Dịu từ thuở nào!.