Lội suối, băng rừng
Hiện nay tại các địa phương, từ cấp huyện đã có các đội chiếu bóng lưu động. Đề tài phim được chiếu lưu động ở thôn, bản rất đa dạng và phong phú như phim đề tài về chiến tranh cách mạng, phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, phim tài liệu về thành tựu của đất nước, các ngành nghề... nhằm phục vụ các thế hệ khác nhau.
Trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đợt phim mừng Đảng, mừng xuân phục vụ nhân dân trong tỉnh. Các đội chiếu bóng đã thực hiện chiếu 51 buổi, với khoảng 18.000 lượt người xem dù thời điểm đó Tết cổ truyền đang tới gần. 5 đội chiếu bóng đã không quản ngại vất vả, khó khăn để mang những sắc màu của điện ảnh về với địa bàn vùng cao, vùng căn cứ kháng chiến và đồng bào dân tộc thiểu số, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân khi mùa xuân đến. Nhiều đêm chiếu phim, sân khấu hội trường ở các thôn, bản xa xôi vẫn chật kín người xem như một lễ hội.
Một buổi chiếu bóng lưu động tại xã Sró (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) thu hút đông đảo người dân đến xem.
Cũng trong những ngày Tết Nguyên đán 2018, các thành viên Đội Chiếu bóng huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã không ngại vượt đường xá xa xôi mang phim về phục vụ bà con đồng bào Cơ Tu vào dịp Tết. Tại nhiều thôn bản, giữa giá rét nơi núi cao, trong những căn nhà của già làng hoặc hội trường, nhà văn hóa..., những buổi chiếu đều kín người xem phim. Những bộ phim tài liệu về Bác Hồ, về cách mạng, về mảnh đất và con người Tây Giang được bà con háo hức xem và đón nhận. 6 xã tại huyện Tây Giang trong dịp Tết 2018 đã được Đội Chiếu bóng huyện Tây Giang đến phục vụ, góp phần đem ánh sáng văn minh tới những bản làng Cơ Tu xa xôi vốn còn nhiều khó khăn và hủ tục. Những người làm nghề chiếu bóng huyện Tây Giang xác định, nơi nào không điện, không tivi là sẽ có các đội chiếu bóng đến phục vụ dù bất kể nắng mưa.
Theo chia sẻ của nhiều người trong đội chiếu bóng lưu động ở nước ta, nhiều lần đi phục vụ bà con, đội chiếu bóng phải tới những bản làng xa nhất. Có những nơi xe máy không thể đến, các thành viên trong đội phải đi bộ mất cả tháng trời với trang bị không khác bộ đội đi chiến đấu. Ông Hà Văn Hội, Đội trưởng Đội Chiếu bóng lưu động huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) - người đã có 30 năm gắn bó với nghề cho biết, những năm về trước, để vào được các thôn, xã thuộc vùng sâu, vùng xa; đội chiếu bóng phải đi bộ và vác trên lưng tất cả những vật dụng thiết yếu để phục vụ cho việc chiếu phim cũng như lương thực, quần áo, vượt qua nhiều km đường rừng, lội qua nhiều con suối. Mỗi chuyến đi thường mất gần cả tháng. Dù mệt, vất vả nhưng nhìn những gương mặt rạng ngời của bà con từ người già đến con trẻ khi xem phim đã thôi thúc cả đội tiếp tục hành trình, vượt qua mọi gian nan để mang phim ảnh đến với bà con những vùng sâu vùng xa hơn.
Cần chế độ đãi ngộ tốt hơn
Đạo diễn Đặng Thái Huyền đánh giá, công việc của những đội chiếu bóng lưu động rất ý nghĩa khi mang đến cho bà con không chỉ là phim ảnh giải trí mà còn là những kiến thức về giáo dục, y tế, văn hóa bên ngoài làng bản, thôn, hay của dân tộc họ. Ngoài ra, những buổi chiếu phim lưu động còn là sự gắn kết những người dân vùng, bản đó với nhau, nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất hữu ích và thiết thực, thay vì nhà nào biết nhà đấy. “Các đội chiếu bóng mang lại nét văn hóa đẹp và rất văn minh cho các vùng quê” - đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết.
Thực tế cho thấy, những buổi chiếu bóng lưu động dường như đã vắng bóng ở thành thị nhưng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì “rạp chiếu phim lưu động” vẫn hoạt động nhộn nhịp, qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa vùng miền và là kênh thông tin hữu hiệu, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.
Tuy đã có những đóng góp quan trọng và có ý nghĩa lớn với đời sống tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa nhưng giới làm nghề chiếu bóng lưu động cũng có nhiều nỗi niềm, trăn trở. Theo ông Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, đời sống của đội chiếu bóng lưu động rất vất vả, cứ 3 ngày họ phải đi chiếu, những dịp lễ, tết có khi phải đi cả tháng. Hiện nay, những người làm chiếu bóng lưu động chỉ có phần lương cứng ít ỏi, ngoài ra không có bất cứ chế độ bồi dưỡng, phụ cấp nào. Chính vì vậy, các cơ quan hữu quan cần có chế độ đãi ngộ, tăng kinh phí đội chiếu bóng lưu động để người làm nghề có thêm động lực, đam mê và có nhiều cống hiến hơn nữa với công việc mà họ đã chọn. Ngoài ra, các đội chiếu bóng lưu động cần được trang bị thêm những phim tuyên truyền như phim tài liệu, phim điện ảnh bằng cách lồng tiếng dân tộc ở mỗi vùng... đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số.