Hà Nội

Nghề cầu tài lộc cho đời

02-02-2014 09:42 | Thời sự
google news

“cái nghề này không phải làm chỉ để lấy tiền mà phải thành tâm, cầu mong cho gia chủ ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc thì lần sau họ mới nhớ đến mình”, anh linh chia sẻ.

“cái nghề này không phải làm chỉ để lấy tiền mà phải thành tâm, cầu mong cho gia chủ ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc thì lần sau họ mới nhớ đến mình”, anh linh chia sẻ.

Mê lân hơn...mê vợ

Ở Đà Nẵng, nói đến múa lân không ai là không biết đến bộ đôi Hoàng Linh và Hoàng Đăng Trường “chủ trì” đội lân Vương Anh Đường với hơn chục con lân cùng thâm niên múa lân gần ba chục năm nay. Nhưng nói đến cái nghiệp làm “Ông Lân” thì ít ai biết, cái duyên đến với nghề “cầu lộc cho đời” của bộ đôi này khá thú vị.

múa lân, nghề cầu tài lộc, gian nan, Đà Nẵng, đội lân
Nghề múa lân không qua trường lớp mà chủ yếu do đam mê mà thành

“Tôi đến với nghề múa lân này bằng sự đam mê. Tôi nhớ hồi đó, mê múa lân đến mức cứ hễ nghe tiếng trống lân là người cứ rộn rạo. Ngày nào không sờ cái đầu lân là như thiếu cái gì đó rất khó tả”, anh Hoàng Linh, Chủ nhiệm câu lạc bộ lân Vương Anh Đường tâm sự.

Mới 48 tuổi, nhưng ngót nghét nửa đời gắn bó với con lân. Mê lân đến mức gần 40 tuổi mới có vợ. Và khi có vợ, vẫn mê lân hơn cả vợ.

Anh Linh kể về cái nghiệp gắn với những con lân bắt đầu cùng anh em trong xóm nghèo ở Đà Nẵng. Rồi như duyên “tiền kiếp”, anh Hoàng Linh “xe tóc” với Hoàng Anh Trường để rồi lập lên đội Lân Vương Anh Đường như ngày hôm nay.

“Hai anh em tôi cùng đến với lân như cái duyên, cái nghiệp vì cùng đam mê múa lân. Nói chung là múa lân nó ăn vào máu anh em tôi rồi. Nên từ ban đầu chỉ với một chiếc đầu lân, anh em cùng xóm kéo nhau đi múa, hết mùa này đến mùa khác. Rồi lên hai chiếc,…cứ vậy cho đến nay hơn chục chiếc đầu lân với trị giá chừng 15 triệu đồng/chiếc. Đó chỉ là những Ông Lân mới, chứ nếu giữ hết thì đến nay cũng phải mấy chục Ông”, anh Trường chia sẻ.

“Đừng nhìn cái đầu lân vậy mà nghĩ là vô tri. Làm nghề gì cũng cần phải có tâm linh, nhất là làm nghề này, với hiện thân Ông Lân mang lại điều “hỷ” cho đời thì càng tâm linh. Nên trước khi xuất quân, mang Ông Lân đi múa ở đâu chúng tôi đều làm lễ, cẩn cáo đàng hoàng. Vì khi mình múa, mình không còn là mình nữa, mà mình là Ông Lân, mình phải nhập thần vào Ông Lân, như vậy mới mong mang lại cái sự tài lộc, cái sự hỷ vui cho gia chủ. Chính vì vậy, khi một chiếc đầu lân cũ, hư hỏng muốn bỏ đều phải đốt và trước khi đốt, đều làm lễ đưa tiễn, “hóa cho Ông Lân” đàng hoàng. Cũng nhờ đó mà 11 năm nay, đội lân Vương Anh Đường luôn đoat giải quán quân trong các cuộc thi lân ở Đà Nẵng”, anh Trường cho biết thêm.

Việc tâm linh cũng một phần, phần quan trọng để “bộ đôi Linh-Trường” cùng đội lân Vương Anh Đường có được uy tín tại khu vực phải kể đến công tập luyện của toàn đội mà quan trọng hơn là kỷ luật trong tập luyện, biểu diễn giúp đội lân luôn giành thứ hạng cao và có uy tín tại khu vực.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa trung thu, Tết hay lễ động thổ, khởi công, lễ khai trương,… họ đều đặt hàng đội lân mình múa với mong muốn mọi sự thành tựu viên mãn. Nếu tính năm nay nữa là 11 năm liên tiếp đội lân đoạt giải nhất cuộc thi múa lân của Đà Nẵng”, anh Linh nói.

Nguy hiểm rình rập

“Nghề lân này khác các nghề khác vì không có trường lớp nào giảng dạy cả, mà anh em trong đội tự dạy nhau và nhất là phải tự học hỏi, nâng cấp trình độ, kỹ thuật múa từ trong nước đến nước ngoài. Từ thiết kế đầu lân cho đến kiểu trống”, anh Trường nói.

múa lân, nghề cầu tài lộc, gian nan, Đà Nẵng, đội lân
Để có những pha kỹ thuật điêu luyện, những thợ múa lân phải tập luyện thường xuyên và đối mặt với nguy hiểm rình rập

Được mệnh danh là “linh hồn” của đội lân Vương Anh Đường, anh Trường luôn tìm kiếm, nghiên cứu những kiểu múa mới, kỹ thuật mới rồi với kinh nghiệm của mình, anh Trường biên đạo cho phù hợp với điều kiện thể trạng cũng như kinh phí cho phép của đội.

“Khi thấy một kiểu múa mới, một thiết kế đầu lân đẹp, tôi đều ghi lại, nghiên cứu rồi “phăng” ra cho phù hợp với người Việt mình. Nghiên cứu, phân tích xong là tập hợp anh em lại chỉ bảo, tập luyện. Ví dụ kiểu múa mai hoa thung (múa trên hệ giàn cao 2-3m) chúng tôi đã bắt đầu áp dụng từ gần chục năm nay. Không có chỗ tập thì thuê, thuê không được thì chờ đến tối khuya ra công viên tập. Ban đầu múa một lân lên giàn, rồi đến nay thì múa 2 lân, thậm chí có lúc 3 con lân trên giàn. Vậy rồi cũng thành công, trở thành thương hiệu của đội lân”, anh Trường chia sẻ.

Cũng theo anh Trường, múa mai hoa thung, đi trên quả cầu là khó nhất, do người múa phải múa trên giàn cao, trong khi những bệ đứng chỉ vỏn vẹn bằng bàn chân nên mọi động tác phải chuẩn xác và nhịp nhàng giữa người cầm đầu và người cầm đuôi. Đó là múa đơn lân, còn múa đôi lân thì kỹ thuật càng khó, những pha xoay người, đá chân phải đồng đều. Hay những pha “hụp đầu” từ trên cao xoay xuống thấp khiến con lân xoay vòng trên giàn cao đòi kỹ thuật và sức bền rất lớn.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của gia chủ, mình còn phải nhảy theo kịch bản, theo nhạc mà gia chủ đưa ra nên phải đầu tư về mặt kỹ thuật rất lớn. Tập luyện nhuần nhuyễn trước khi đi múa cho khách. “Chính vì vậy mà chơi môn này đến tầm 25 tuổi là nghỉ, vì không đủ sức để nhảy, hay đúng hơn là không đủ an toàn. Mặc dù một màn lân chỉ chừng 15-20 phút, nhưng đòi hỏi người múa vận động rất nhiều từ chân, tay và cả cơ thể. Nếu sức khỏe không đảm bảo, chỉ cần sơ sẩy thì hậu quả rất khó lường, nhất là khi múa trên giàn, ở độ cao 2-3m, cùng đầu lân như vậy”, anh Trường cho biết

Đó chỉ mới là một kiểu múa, còn kỹ thuật múa, kỹ thuật trống, xèng,… đòi hỏi phải ăn khớp, chỉ cần sai nhịp, lân không chỉ nhảy sai mà cả bước nhảy của lân sẽ trở nên hỗn loạn. Nhất là múa nhiều ông lân thì đòi hỏi phải có kịch bản, phối hợp rõ ràng. Lân đỏ thì múa gì, lân vàng thì múa ra sao, kết hợp với lân trắng, lân bạc… thế nào cho nhịp nhàng, để người xem biết đó là bài múa gì.

múa lân, nghề cầu tài lộc, gian nan, Đà Nẵng, đội lân
Để có những pha trình diễn đặc sắc trong 15 phút, người múa lân phải trải qua hàng trăm giờ tập luyện trên giàn tập 

Còn thiết kế con lân cũng vậy, trước kia thì con lân được thiết kế thuần Việt, nhưng dần dần, lân được thiết kế theo phong cách quốc tế mà chủ yếu là phong cách Malaysia với đầu lân đẹp, thân thiện, khi múa thể hiện được hết nghệ thuật điêu luyện của người múa trong từng bài múa.

“Múa khai trương có bài múa khác, trống nhịp đánh khác; mà múa động thổ thì khác; múa trung thu cũng khác, mà múa phục vụ lễ gia tiên thì càng khác, hoàn toàn khác nhau. Như múa khai trương thì bài múa và trống nhịp thể hiện sự rộn ràng, dồn dập, tưng bừng,… mong cho gia chủ làm ăn phát đạt. Còn múa lễ gia tiên thì đằm hơn, lân đi từng bước theo nghi thức lễ bái,… mong cho gia chủ an lành. Nên để đáp ứng được nhu cầu của gia chủ, anh em đều phải tự học, mày mò rồi tập luyện”, anh Linh chia sẻ.

Nghề cầu tài lộc

“Từ khi thành lập đội lân cho đến nay, đây là thế hệ thứ 4 của đội lân, vì cứ theo đến quá 25 tuổi là nghỉ. Anh em nào gắn bó với đội thì cũng chia sẻ kinh nghiệm, rồi cùng anh em chủ nhiệm dìu dắt đàn em đi sau lên và cũng là để thỏa cái đam mê với Ông Lân.

Năm nào cũng vậy, gần 30 năm nay, anh em đội lân đều ăn Tết muộn vì phải đi phục vụ khách hàng.

“Phải ra Giêng, sau Tết thì anh em đội lân mới ăn Tết, còn trong Tết thì chạy suốt, cả vợ con cũng chạy theo mình”, anh Linh tâm sự.

múa lân, nghề cầu tài lộc, gian nan, Đà Nẵng, đội lân
Nghề mang lại niềm vui cho đời nhưng cũng lắm gian nan

Một năm hai mùa lân là Trung thu và Tết, rồi múa dịch vụ từ lễ khai trương đến động thổ, lễ gia tiên, mở hàng,… tiền mang lại cũng không ít. Nhưng nếu nói múa lân để làm kinh tế thì anh Linh cho rằng chỉ là thỏa đam mê là chính. “Mọi người cứ nhìn vậy chứ múa lân khó mang lại kinh tế lắm và anh em chủ yếu là đam mê mà múa.

Trung thu thì tầm 50 lượt múa trong 4 ngày, còn Tết thì tầm 10 lượt trong 2 ngày Tết. Đó là bài múa khó trên giàn, còn lại thì múa dưới đất. Nếu tính chi phí 3-5 triệu/lần múa trên giàn trong dịp trung thu và 10-12 triệu/lần múa trong dịp Tết so với chi phí tập luyện thường xuyên hằng năm thì không đáng gì.

Để duy trì đội lân tầm 20-30 anh em, lân hơn chục con với chi phí mỗi con tầm 15 triệu, chưa tính trống, xèng, giàn,… cùng chi phí tập luyện cũng như múa là 200-250.000 đồng/ mỗi người múa thì mỗi mùa lân, anh Linh phải chi ra hàng trăm triệu đồng.

“Nếu có thì có chút ít ở các lần múa sự kiện, khai trương, nhưng rồi cũng đâu vô đó vì đâu phải cứ vậy là vác lân đi múa đâu. Phải tập luyện thường xuyên, ngày thường thì tập 2 lần/ tuần, còn ngày vào mùa thì tập liên tục trước đó cả mấy tháng. Chi phí tập thì cũng như đi biểu diễn chứ đâu có khác, nên hết mùa lân, tính toán nếu có dư giả chút ít thì lại lo mua quà, sách vở, quần áo học hành cho con cháu trong đội, hiếu hỷ cho anh em trong đội nên cũng đâu vào đó”, anh Linh và anh Trường cùng nói.

Cũng theo anh Linh, nghề này khi làm cái quan trọng nhất là uy tín vì không cần hợp đồng, chỉ cần gọi là đi, đưa kịch bản là múa. Và nhất là không phải chỉ là múa rồi lấy tiền mà phải múa, phải thành tâm, thể hiện qua bài múa, cầu mong cho gia chủ ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc thì lần sau họ mới có kinh phí mà nhớ đến mình nên khi đi múa, anh em chuẩn bị rất kỹ từ người múa, kỹ thuật,… sao cho an toàn, bài múa sao cho thật nhuyễn, thật đẹp. Nghề này đến mùa nắng còn có chút ít, chứ mưa thì coi như xong vì mình múa toàn ngoài trời. Hơn nữa chưa có sân chơi cho nghệ thuật này nên toàn bộ các đội lân đều phải tự lo chỗ tập, tự tìm thuê sân tập…

Nhìn lại cái nghiệp múa lân gần 30 năm, đào tạo bao thế hệ múa lân, anh Linh tâm sự: “Nghề này không phải là một nghề kinh doanh nhằm thu lãi. Đam mê là rất khó bỏ, nhất là đã vào nghề rồi thì chết với nghề vì khi tham gia biểu diễn, không chỉ đem niềm vui, cầu may mắn, cầu lộc, cầu tài cho mọi người mà qua đó cũng là cầu cho chính mình”.


Ý kiến của bạn