Theo các chuyên gia xã hội học, một trong những nguyên nhân khiến nhiều làng quê ven biển coi trọng việc sinh con trai do con trai đi biển và làm ra tiền tốt hơn con gái.
Để đánh giá thực trạng này, đầu năm 2009, Chi cục DS - KHHGĐ Bình Định đã tiến hành rà soát lại toàn bộ số trẻ sinh của cả tỉnh trong năm 2008 để triển khai Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2009- 2010.
Trong những năm qua, một số hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính ở Bình Định đã được tiến hành nhưng chỉ dừng lại ở việc ban hành một số văn bản về theo dõi, kiểm tra giới tính khi sinh, nghiêm cấm thực hiện các dịch vụ nhằm lựa chọn giới tính thai nhi, chưa có một hoạt động can thiệp cụ thể nào để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Việc mất cân bằng này chủ yếu tập trung ở các yếu tố sau đây: Về văn hóa, sự ưa thích con trai, đặc biệt là quan niệm trọng nam khinh nữ. Về kỹ thuật, do sự phát triển của kỹ thuật, có nhiều dịch vụ sinh con theo ý muốn, siêu âm chẩn đoán giới tính để phá thai nếu không đúng ý muốn cha mẹ... Về kinh tế, trong nền sản xuất nông nghiệp, thủ công, sự vượt trội về cơ bắp của con trai trở thành một ưu điểm.
Mất cân bằng giới tính gây ra nhiều hậu quả, bao gồm: bất bình đẳng giới, tác động đến các chuẩn mực văn hóa - xã hội, chính sách KHHGĐ và những can thiệp chăm sóc sức khỏe. Kinh nghiệm từ các quốc gia mất cân bằng giới tính khi sinh cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh theo kiểu thừa nam thiếu nữ đã gây nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế xã hội của đất nước nói chung và Bình Định nói riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ, "để giữ ổn định tình hình cân bằng giới tính trong tương lai đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể: Nâng cao nhận thức "ổn định cân bằng giới tính". Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, khuyến khích vật chất, tinh thần, nâng cao giá trị, vị thế của người phụ nữ. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các phương pháp kỹ thuật giúp lựa chọn giới tính thai nhi, cấm lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và kiểm tra quy định về nạo phá thai"...
Qua tổng hợp thống kê từ các báo cáo ở cơ sở, tỷ số giới tính khi sinh ở Bình Định đã tăng liên tục trong những năm gần đây. Năm 2008, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112 thì ở Bình Định là 117. Trong khi đó, tỷ số giới tính được coi là ổn định trong khoảng từ 103 - 107 (nghĩa là có 100 em gái thì có khoảng 103 đến 107 em trai). Có nhiều địa phương trong tỉnh có tỷ số giới tính từ 110 trở lên. Nơi có mức sinh thấp như thành phố Quy Nhơn và một số thị trấn thì tỷ số giới tính khi sinh lại càng cao.
Phan Thái Sơn