Nghề báo chưa khi nào hết... nguy hiểm

21-06-2021 12:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời nào thì nghề báo, nhà báo vẫn được xếp vào loại đáng nể của xã hội. Nhà báo luôn được gắn liền với sự trung thực, dũng cảm và giỏi giang của con người.

Bởi thế, không lấy làm lạ, khi ngành báo chí là ước mơ cháy bỏng của nhiều bạn trẻ có khả năng viết lách lúc bước vào đời. Có lẽ, khi nung nấu mong ước trở thành nhà báo, phần lớn các bạn trẻ mới chỉ thấy được cái vẻ ngoài hấp dẫn và vị trí quan trọng của nó chứ chưa lường hết những khó khăn, thử thách và những hiểm nguy luôn rình rập họ. Không phải tự nhiên mà người ta xếp nghề báo thuộc vào nhóm nguy hiểm. Tôi xin được nói thêm, dấn thân và chấp nhận nguy hiểm là phẩm chất không thể thiếu được của nhà báo.

Báo chí chân chính luôn lấy sự thật làm tôn chỉ hoạt động của mình. Tô hồng đánh bóng hay bôi đen bóp méo sự thật là điều tối kỵ với nhà báo. Tuy nhiên, để phản ánh chính xác một hiện tượng, sự việc, nhân vật để tạo ra được hiệu ứng tích cực cho xã hội, người làm báo không thể không có đạo đức trong sáng và nghiệp vụ tinh thông. Phải có đủ hai mặt ấy thì nhà báo mới là người làm nghề đích thực, mới mong có những tác phẩm lay động hàng triệu người. Những bài báo viết chung chung, cái ai cũng biết cả rồi chắc chắn không thể hấp dẫn, cuốn hút với người đọc. Viết cái tốt đẹp hay điều xấu xa trong xã hội cũng đều cần tới sự trung thực, dũng cảm và tài giỏi của nhà báo. Không dấn thân, không tâm huyết, không tinh thông thật khó phát hiện, phản ánh đúng và sâu những cái xã hội quan tâm. Và để làm được điều đó, đôi khi nhà báo phải trả bằng giá đắt, rất đắt; đó là sự an toàn tính mạng của mình hay của cả người thân, gia đình.

Phóng viên tác  nghiệp tại  hiện trường bệnh viện bị phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Nam

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường bệnh viện bị phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Nam

Cuối 2020 vừa qua, theo thông tin từ Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), 84% nhà báo bị giết chết trong năm là có chủ ý của sát thủ. Những bài báo gây chấn động xã hội đã đụng chạm đến lợi ích của kẻ bị vạch trần, thế là sự trả thù ghê tởm đã xảy ra. Nhà báo trở thành mục tiêu tấn công của các thế lực hắc ám, như bóng tối không dung hòa ánh sáng, như cái xấu không thỏa hiệp với cái đẹp, sự thật luôn ở phía khác của dối trá...

Nhà báo rất nhạy cảm với những dấu hiệu bất thường trong xã hội. Chính sự nhạy cảm này đã giúp người cầm bút sớm phát hiện ra những vấn đề cần phản ánh để biểu dương hay phê phán, thậm chí tố cáo. Không ít vụ việc tiêu cực được phát hiện ra từ báo chí. Và, nhiều khi ta tự hỏi: “Nhà báo là ai?”. Người cầm bút? Thám tử? Điều tra viên? Kiểm sát viên? Hay, tất cả đã hòa trộn vào họ, trong họ, những nhà báo chân chính. Và để có được những bài báo mang tính thuyết phục cao, họ phải hóa thân vào tất cả; phải có mặt ở nơi xảy ra sự việc hiện tượng ấy để nghe, để thấy, để sờ được nó với sự nguy hiểm không lường trước được. Và, như ta đã biết, có lúc súng đã nổ, dao đã vung lên nhằm vào người cầm bút chính trực, dũng cảm. Nguy hiểm không kể xiết. Đặc biệt với những nhà báo điều tra, phanh phui các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực không còn ít nữa như ở nước ta thì mối nguy luôn rình rập những người cầm bút. Họ có thể bị sát thương bởi đạn thật hay “đạn bọc đường”. Hối lộ nhà báo là cách bọn tham nhũng, kẻ làm ăn phi pháp vẫn áp dụng. Nếu không thành, chúng sẵn sàng đe dọa vũ lực, sử dụng vũ lực để khủng bố người cầm bút chân chính.

Trên đất nước ta, tôi nghĩ nhà báo như người chiến sĩ. Để có những bài báo hay viết về biên cương hải đảo, về thiên tai, về dịch bệnh... nhà báo phải có mặt nơi điểm nóng. Một sự dấn thân đáng trân trọng. Họ thực sự là người lính như cha anh mình từng có mặt nơi chiến hào, sinh tử cách nhau một ranh giới mỏng manh để có những bài báo nóng hổi.

Ở đâu là điểm nóng của thiên tai, dịch bệnh, ở đó có nhà báo. Trận “đại hồng thủy” lịch sử kinh hoàng ở miền Trung năm ngoái không hiếm nhà báo đã có mặt rất sớm từ tâm lũ, đỉnh lũ để tường thuật, viết bài. Và có người đã bị núi lở vùi lấp như ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).

Đại dịch COVID-19 như bóng đen trùm lên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhân loại bị bất ngờ và đầy lo âu trước loại virus biến chủng cực kỳ nguy hiểm này. Thực sự là một cuộc đại chiến trên quy mô toàn cầu giữa con người và virus quái đản này. Việt Nam vào cuộc với tinh thần chống dịch như chống giặc. Các nhà báo luôn có mặt sớm ở những điểm nóng để viết bài, đưa tin, phản ánh cổ vũ tinh thần phòng chống dịch của cả nước. Những thông tin mới nhất, chính xác nhất về đại dịch được công bố hàng ngày; những bài phỏng vấn, bài phản ánh về giãn cách xã hội, điều trị, cách ly... cùng những tấm gương sáng được nêu trên báo chí thực sự góp phần tích cực vào cuộc chiến chống COVID-19. Và không thể ngồi trong phòng mát mà có được những bài báo nóng hổi không khí chống đại dịch. Lại phải dấn thân, phải chấp nhận rủi ro, nguy hiểm để đến nơi dịch đang bùng phát hay có những diễn biến phức tạp để có chất liệu viết bài. Lại phải trèo đèo lội suối lên biên giới để đến với những trạm chốt ngăn chặn người vượt biên trái phép. Lại phải vào các cơ sở cách ly, bệnh viện để thấm được nỗi vất vả, hy sinh của các thầy thuốc trong đại dịch này. Có thể nói, ở đâu có hoạt động phòng chống COVID-19 ở đó có nhà báo. Không ai nói được sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ. Theo PEC (Tổ chức phi chính phủ Chiến dịch biểu tượng báo chí có trụ sở tại Geneve, Thụy Sỹ) trên thế giới đã có 500 nhà báo và nhân viên truyền thông ở 57 quốc gia đã chết vì nhiễm COVID-19. Mức độ nguy hiểm mà các nhà báo đối mặt trong đại dịch này chẳng hề nhỏ bé. Đó là sự thật!

Nghề báo là thế đó, cái giá của mỗi tác phẩm hay cũng phải đổi bằng mồ hôi và đôi khi cả máu. Những người làm báo chân chính không ai không hiểu điều đó. Phía sau sự dấn thân là những hiểm nguy luôn chờ chực họ. Sự lựa chọn của các nhà báo đích thực là chấp nhận và vượt lên để làm tròn thiên chức của người cầm bút. Nhà báo nào thấm thía và làm được điều đó chắc chắn sẽ chiếm được niềm tin của nhân dân.

Trong chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa... đều luôn tồn tại những trái nghịch, đối kháng. Và khi nó được đưa lên mặt báo với góc nhìn của người cầm bút chắc chắn sẽ gây ra tác động hai chiều, người hân hoan ủng hộ, kẻ tức tối trả thù. Điều gì đến sẽ đến, nghề báo chân chính thực sự là mặt trận, là cuộc chiến đấu không khoan nhượng giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, đầy gian nan, vất vả, phức tạp và có thể bị tổn thương, mất mát.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến của bạn