Nghề báo chưa bao giờ hết rủi ro

21-06-2022 08:33 | Xã hội

SKĐS - Một báo cáo mới của UNESCO kiểm tra các xu hướng toàn cầu về quyền tự do ngôn luận cảnh báo rằng, mô hình kinh doanh của các phương tiện truyền thông đang bị phá vỡ và cùng với nó, quyền cơ bản về thông tin của chúng ta đang gặp rủi ro.

Trong 5 năm qua, cả độc giả đón nhận thông tin và doanh thu quảng cáo đều chuyển sang các nền tảng Internet với số lượng lớn, chỉ có hai công ty - Google và Meta (trước đây gọi là Facebook) - chiếm một nửa tổng chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phân tích xu hướng phát triển của các phương tiện truyền thông từ năm 2016 đến năm 2021, phát hiện ra doanh thu từ quảng cáo trên báo chí toàn cầu đã giảm một nửa trong khoảng thời gian 5 năm.

Sự hiện diện của phương tiện truyền thông xã hội đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu về báo in truyền thống.

Sự hiện diện của phương tiện truyền thông xã hội đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu về báo in truyền thống.

Mạng xã hội - "mối đe dọa hiện hữu" đối với công cụ đưa tin truyền thống

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các kênh tin tức thường phải vật lộn để có được cú nhấp chuột từ độc giả. Nhiều người trong nghề cảm thấy mình bị vắt kiệt bởi sự gia tăng của các tiếng nói mới trong không gian trực tuyến và các thuật toán của các trung gian kỹ thuật số.

Nghiên cứu giải thích: Hệ sinh thái kỹ thuật số đã giải phóng một lượng lớn nội dung cạnh tranh và biến các công ty Internet lớn thành những người gác cổng mới.

Hơn nữa, nghiên cứu cho biết, với việc người dùng mạng xã hội tăng gần gấp đôi từ 2,3 tỷ người năm 2016 lên 4,2 tỷ người vào năm 2021, người dùng có nhiều quyền truy cập hơn vào nhiều nội dung hơn và nhiều tiếng nói hơn - nhưng không nhất thiết phải có giá trị gia tăng đặc biệt của nội dung báo chí.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Theo nghiên cứu, đại dịch COVID-19 chỉ làm cho xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi làm trầm trọng thêm sự sụt giảm doanh thu quảng cáo, mất việc làm và gián đoạn công việc của các tòa soạn

Trong đại dịch, báo chí là một công cụ truyền tải thông tin hiệu quả. Tuy nhiên, nội dung sai lệch liên quan đến COVID-19 lan truyền nhanh chóng trên phương tiện truyền thông xã hội, trong khi chuyện cắt giảm việc làm trong lĩnh vực báo chí đã tạo ra một khoảng trống đáng kể trong bối cảnh thông tin giả lan truyền nhiều trên mạng xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Phóng viên báo nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn tại Hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland.

Phóng viên báo nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn tại Hội nghị khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland.

Vào tháng 9 năm 2020, hơn 1 triệu bài đăng được lưu hành trên Twitter với thông tin không chính xác, không đáng tin cậy hoặc gây hiểu lầm liên quan đến đại dịch, UNESCO xác nhận điều này.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát trong số 1.400 nhà báo cho thấy ít nhất 2/3 trong số họ hiện cảm thấy kém an tâm hơn trong công việc do áp lực kinh tế của đại dịch.

Các nhà báo vẫn đang bị tấn công

Bên cạnh những trở ngại về kinh tế và thông tin sai lệch mà các nhà báo phải đối mặt, trong 5 năm qua, họ cũng tiếp tục bị nhắm mục tiêu trên khắp thế giới.

Từ năm 2016 đến cuối năm 2021, UNESCO đã ghi nhận 455 vụ giết hại nhà báo, những người bị nhắm mục tiêu do công việc của họ hoặc khi đang làm việc. Theo một số báo cáo, ngày càng có nhiều mối đe dọa đối với sự an toàn của các nhà báo, không chỉ từ các nhóm tội phạm mà còn từ các tập đoàn tư nhân và từ một số thành phần cực đoan trong xã hội. Những người này thường bị khuyến khích tung ra những lời nói xấu và tấn công trực tuyến tới nhà báo.

Tin tức có thể truy cập miễn phí mọi lúc mọi nơi đã dẫn đến trở ngại lớn cho việc bán báo in.

Tin tức có thể truy cập miễn phí mọi lúc mọi nơi đã dẫn đến trở ngại lớn cho việc bán báo in.

Trên thực tế, sự gia tăng bạo lực trực tuyến đối với các nhà báo là một xu hướng mới và đang phát triển khác ở mức không thể kiểm soát. Một báo cáo năm 2021 của UNESCO cho thấy, hơn 7 trong số 10 nhà báo nữ được khảo sát đã từng bị bạo lực trực tuyến và 1/5 báo cáo là nạn nhân của bạo lực ngoại tuyến liên quan đến các mối đe dọa trực tuyến. Đồng thời, trên thế giới, các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình, bạo loạn là "phổ biến một cách đáng lo ngại" trong khi việc bỏ tù các nhà báo đã lên đến mức cao kỷ lục.

Theo báo cáo, kể từ năm 2016, 44 quốc gia đã thông qua hoặc sửa đổi luật mới đối với các hành động như phát tán cái gọi là tin tức giả, tin đồn bị cáo buộc hoặc bôi nhọ trên mạng. Trong khi đó, ở 160 quốc gia, tội nói xấu vẫn là một tội hình sự. Khi luật phỉ báng là hình sự, chứ không phải dân sự, nó có thể được sử dụng làm cơ sở để bắt hoặc giam giữ các cá nhân, UNESCO cảnh báo.

Báo cáo trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho thấy, 293 nhà báo đã bị bỏ tù vào năm 2021, tổng số hàng năm cao nhất trong 3 thập kỷ.

Trước những xu hướng đáng lo ngại, UNESCO kêu gọi các chính phủ thực hiện hành động có định hướng để bảo vệ an toàn cho các phương tiện truyền thông độc lập và các nhà báo; hỗ trợ khả năng kinh tế của các phương tiện thông tin độc lập, đồng thời tôn trọng quyền tự chủ nghề nghiệp của các nhà báo; khuyến khích công chúng thu thập thông tin từ các phương tiện truyền thông độc lập; ban hành hoặc cải cách luật truyền thông để hỗ trợ sản xuất tin tức, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về tự do ngôn luận, đặc biệt là Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Phóng viên đưa tin bên trong một nhà kho thực phẩm bị phá hủy, sau một cuộc tấn công từ Nga ở Brovary, ngoại ô Kyiv, Ukraine vào tháng 3 năm 2022.

Phóng viên đưa tin bên trong một nhà kho thực phẩm bị phá hủy, sau một cuộc tấn công từ Nga ở Brovary, ngoại ô Kyiv, Ukraine vào tháng 3 năm 2022.

Nhà báo trong cuộc chiến Nga - Ukraine

Tâm điểm chú ý của thế giới lúc này vẫn đang hướng về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Hơn 6,5 triệu người đã chạy qua biên giới Ukraine và hơn 7 triệu người phải di tản trong nước kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào đất nước này hồi cuối tháng 2/2022.

Tính đến cuối tháng 5, ít nhất 7 nhà báo đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine đã thiệt mạng và CPJ đang điều tra cái chết của 7 nhà báo khác để xác định xem họ có liên quan đến công việc hay không.

CPJ đã kêu gọi bảo vệ các nhà báo Ukraine, cùng với các phóng viên và nhân viên truyền thông quốc tế tham gia đưa tin về cuộc xung đột.

Xem thêm video đang được quan tâm

Hành trình dài hơn 10 nghìn km của các chiến sỹ Mũ nồi xanh Việt Nam

Thủy Kiều
Ý kiến của bạn