Nghệ An xứng danh là trọng điểm y tế Bắc Trung bộ

21-01-2019 10:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với những bước chuyển mình tích cực, năm 2018 đã ghi nhận những thay đổi đáng kể của ngành y tế Nghệ An. Người dân được hưởng thành quả từ các dịch vụ y tế. Những thành tựu này, sẽ hứa hẹn mang lại lợi ích dân sinh cho nhân dân trong các năm tiếp theo. PGS - TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SK&ĐS.

PV: Thưa ông, nhìn lại năm năm 2018, chúng tôi đã thấy rõ sự chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An trong việc chấn chỉnh mạnh mẽ tình trạng các phòng khám ngoài công lập không phép, đem lại niềm tin cho nhân dân. Ông cho biết, lý do nào năm nay Nghệ An đã giải quyết triệt để tình trạng này?

PGS – TS Dương Đình Chỉnh: Trước hết, phải nói rõ rằng, không phải chỉ riêng năm 2018 lãnh đạo tỉnh và ngành y tế chúng tôi mới quan tâm chấn chỉnh việc quản lý hành nghề các phòng khám ngoài công lập. Tỉnh Nghệ An và ngành y tế từ nhiều năm trước, với trách nhiệm quản lý trên địa bàn luôn coi việc quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế ngoài công lập là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.

PGS - TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An. Ảnh: Từ Thành

Tại sao, năm 2018, chúng tôi lại tạo lên một chương trình hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn như vậy? Vì ngành y tế là ngành liên quan mật thiết đến sức khỏe con người nếu không chấn chỉnh quyết liệt thì hậu quả vô cùng lớn. Thứ 2, là chúng tôi muốn tạo “sân chơi” bình đẳng, có cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế trong toàn tỉnh với mục tiêu duy nhất là sức khỏe của nhân dân Nghệ An phải được bảo vệ.

Để có một “sân chơi” như vậy thì phải quyết liệt quản lý, cương quyết không để các cơ sở hành nghề y tế không có giấy phép được hoạt động. Ngành y tế Nghệ An rất vững tin khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 29/1/2018 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh  được thực hiện một cách tích cực, đồng bộ nhờ đó đã mang lại hiệu quả cao. Số lượng cơ sở y tế hành nghề không phép giảm mạnh.

Để duy trì bền vững kết quả này, chỉ riêng ngành y tế sẽ không làm nổi. Chúng tôi mong muốn chính quyền cơ sở đặc biệt là tuyến xã, huyện cùng với ngành y tế chúng tôi phối hợp thật chặt chẽ, giám sát và cương quyết xử lý, ngay từ ban đầu để hoạt động y tế ngoài công lập được phát triển lành mạnh, cung cấp thêm nguồn lực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

PV: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, ông có thể cho biết, y tế Nghệ An đã phát triển ra sao?

PGS – TS Dương Đình Chỉnh: Triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (Nghị quyết số 26) và các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 trong toàn ngành. Đến nay, mạng lưới y tế dự phòng đã được củng cố và phát triển, có đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân.

Sử dụng máy tăng sáng màn hình trợ giúp phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An. Ảnh: Từ Thành

Trong năm 2018, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ dịch lớn, tuy nhiên, ở Nghệ An nhờ chủ động trong việc triển khai truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn cho nhân dân phòng chống dịch bệnh, cũng như thường xuyên tổ chức tốt việc giám sát nên không có dịch lớn, nguy hiểm xẩy ra. Toàn tỉnh chỉ có một số vụ dịch nhỏ nhưng đã kịp thời phát hiện sớm, bao vây, khống chế.

Nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị là Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, ban hành 3 đề án để triển khai thực hiện gồm: Đề án đầu tư hạ tầng y tế trọng yếu giai đoạn 2015 – 2020; Đề án xây dựng, phát triển y tế kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2015 – 2020; Đề án phát triển y tế miền Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020.

Thành lập trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sau sinh khu vực Bắc Miền Trung tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Thành lập, đi vào hoạt động một số Trung tâm tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh.

Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An. Ảnh: Từ Thành

Đưa trụ sở mới của Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An vào hoạt động và đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật cao ngay tại chỗ đáp ứng nhu cầu được khám chữa bệnh chất lượng cao cho nhân dân các huyện phía Tây còn nhiều khó khăn của  Nghệ An. Bệnh viện này đã triển khai thành công một số kỹ thuật cao: Phẫu thuật thay khớp háng bán phần toàn phần; phẫu thuật kết hợp xương xâm lấn tối thiểu (MIPO); phẫu thuật nội soi nâng cao trong ngoại khoa, sản khoa. Các kỹ thuật chăm sóc điều trị sơ sinh tích cực...

Về tuyến tỉnh, công tác khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng tiếp tục duy trì và phát triển. Có thêm nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe nhân dân, như: thụ tinh trong ống nghiệm,  ghép thận, mổ tim, phẫu thuật thần kinh sọ não; các kỹ thuật chuyên sâu trong các chuyên khoa: đặt Stent động mạch chủ; nong van hai lá; lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong đột quỹ cấp; định lượng gen với bệnh máu ác tính; giải trình tự gen bằng kỹ thuật sinh học phân tử; kỹ thuật bốc hơi tuyến tiền liệt bằng công nghệ laser; phẫu thuật dò hạch nách bằng Gamma Probe trong điều trị ung thư vú; kỹ thuật truyền hóa chất và dưỡng chất bằng buồng tiêm truyền dưới da...

Nhờ đó, người dân trong tỉnh Nghệ An đã hoàn toàn tự tin và yên tâm về chất lượng điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn, không phải đi xa, tốn kém thời gian, tiền của, công sức ra các bệnh viện tuyến trung ương!

Mạng lưới khám, chữa bệnh trong thời gian qua đã phát triển thêm một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; trung bình mỗi năm các bệnh viện khám bệnh cho hơn 5 triệu lượt người, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm đều trên 100%.

PV: Đối với ngành y tế, có nguồn vốn đầu tư, chúng ta có thể xây thêm bệnh viện, mua sắm các trang thiết bị hiện đai nhưng vấn đề con người – yếu tố cần và đủ để nâng cao chất lượng điều trị là yếu tố sống còn. Nghệ An có giải pháp gì để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

PGS – TS Dương Đình Chỉnh: Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hóa, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đột phá, đặc biệt là các Đề án trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Trong đó, ngành Y tế sẽ chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ chuyên khoa sâu, cán bộ quản lý bệnh viện; tham mưu UBND tỉnh có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài và chính sách khuyến khích sử dụng cán bộ làm việc tại các cơ sở y tế đặc thù và cán bộ y tế làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông


Hiến Anh
Ý kiến của bạn