Thắt lưng buộc bụng
Những ngày đầu năm mới 2024, dạo quanh những dãy phòng trọ cho công nhân ở đường Đặng Thai Mai (TP.Vinh, Nghệ An) không khí trầm lắng và ảm đạm hơn những năm trước đây. Đây là khu trọ cho hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Vinh nhưng qua thời gian đã cũ kỹ, xuống cấp. Trung bình một dãy trọ có từ 15 – 20 phòng, hầu hết không có nhà vệ sinh riêng, mỗi phòng có 2 đến 3 công nhân sống tạm bợ, không ti vi, đồ giải trí, bếp ăn và phòng ngủ chung nhau trong 10 m2.
Chị Hà Thị Lan (nhà ở xã Thanh Sơn, huyện Anh Sơn), đang thu dọn lại đồ đạc ở phòng trọ sau khi tan ca buồn buồn cho biết, đầu năm nay hai vợ chồng làm chung công ty bao bì. Mấy tháng gần đây, công ty cắt giảm lao động nên chồng chị phải nghỉ việc đi làm phụ hồ, chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống qua ngày. Về phần mình, chị Lan vẫn đi làm cho công ty nhưng việc ít nên thu nhập bấp bênh. "Đơn hàng ít nên công ty cắt giảm lao động, làm cầm chừng. Không biết Tết này có được thưởng tháng lương nào không vì chưa nghe thông báo", chị Lan nói.
Tại Nghệ An, không chỉ các doanh nghiệp dày da, may mặc gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, da giày, dệt may, điện tử... cũng cùng chung số phận. Theo thống kê năm 2023, số lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 10.910 người, tăng 37,9% so với năm 2022 (7.910 người).
Chị Lê Thị Hằng (35 tuổi) trú ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, công nhân công ty may xuất khẩu ở Khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết, tháng 10/2023 đến nay, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân chỉ làm việc 4 ngày/tuần nên thu nhập giảm sút. Việc ít, thu nhập giảm, cuộc sống của gia đình chật vật do phải tằn tiện chi tiêu. Bây giờ, chỉ mong công ty sớm có đơn hàng để công nhân có việc làm ổn định như trước. Còn về lương thưởng Tết, chị Hằng đang mong đợi chính sách từ công ty.
Tương tự, anh Trần Văn Hải, công nhân tại Công ty điện tử ở khu công nghiệp Nam Cấm cho biết, anh làm việc tại đây được hơn 6 năm. "Trong giai đoạn này công ty vẫn có việc làm nên dù có khó khăn mọi người vẫn gắn bó. Hy vọng qua năm mới tình hình sẽ bớt khó khăn hơn, đơn hàng về nhiều để cải thiện thu nhập cho công nhân", anh Hải nói
Nhắc đến lương thưởng, chăm lo Tết cho công nhân, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang rất "đau đầu", nhưng vẫn sẽ cố gắng nhất trong khả năng để "giữ chân" người lao động.
Chưa bao giờ Công ty CP vật liệu và xây dựng ICEM (TP. Vinh) lại gặp khó khăn như năm nay. Đơn hàng đầu năm sụt giảm chỉ bằng 1/3 so với năm trước. Vì vậy những tháng đầu năm, Công ty phải cắt giảm hơn 20% lao động và lương của người lao động cũng giảm từ 20-30%. Sau nhiều cố gắng, xoay xở tìm hướng đi, dù đang rất khó khăn nhưng không khí sản xuất những tháng cuối năm ở doanh nghiệp này vẫn rất khẩn trương.
Ông Võ Tuấn Giang, Quản đốc phân xưởng công ty này chia sẻ, lãnh đạo cố gắng tìm mọi biện pháp để người lao động có việc làm. "Chắc chắn thưởng Tết năm nay không được như mọi năm nhưng lương đến kỳ thì đảm bảo và mong muốn người lao động, chia sẻ, đồng hành", ông Giang cho biết.
San sẻ yêu thương
Nói về thưởng Tết, ông Trịnh Quang Huy, Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An cho biết, năm nay kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì các chế độ lương, thưởng dịp Tết. Sản lượng sụt giảm 25% so với cùng kì, nhưng do điều tiết sản xuất nên lợi nhuận vẫn đảm bảo. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn cân đối thưởng Tết cho trên 100 công nhân, lao động ở mức 1 tháng lương, dao động từ 10 đến 50 triệu đồng.
Theo Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An, hiện nay các công đoàn ngành, liên đoàn lao động các huyện, thành, thị đang tích cực chuẩn bị nhiều hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động nhằm động viên kịp thời đến người có hoàn cảnh khó khăn.
Thường trực Liên Lao động tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết. Chủ động triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết.
Được biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam sẽ tổ chức chương trình "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" tại Công viên Khu Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cho đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó hỗ trợ, tặng quà cho hơn 1.100 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn hoạt động của Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam và xã hội hóa.
Còn ở huyện Diễn Châu, chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" đã được tổ chức sớm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Wooin Vina và sắp tới sẽ được tổ chức tại nhiều doanh nghiệp khác với hơn 11.000 công nhân, người lao động tham gia.
Những tháng đầu năm, Nghệ An có tới 32 doanh nghiệp phải thực hiện cắt giảm lao động, việc làm, chấm dứt hợp đồng với trên 8.300 lao động. Cuối năm nay, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, công việc của người lao động ổn định hơn với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đến 6,3 triệu đồng/người/tháng.
Theo kết quả khảo sát của Sở LĐTB&XH vào cuối năm 2023, mức thưởng của người lao động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn giảm so với Tết Nguyên đán Quý Mão. Theo đó, tiền thưởng bình quân các doanh nghiệp cho người lao động Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 3,58 triệu đồng/người, giảm 15% so với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.