Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trong làn sóng dịch thứ 4, tính đến 6h ngày 8/10/2021, Nghệ An đã ghi nhận 1.905 trường hợp mắc COVID-19 tại 21/21 huyện, thành thị.
Để ứng phó hiệu quả với dịch, Nghệ An đã triển khai quyết liệt các giải pháp, qua đó, các ổ dịch đều cơ bản được khống chế.
Trước ngày 24/9/2021, Nghệ An đã có khoảng thời gian 1 tuần dịch bệnh tạm lắng, ổn định. Nhưng sau đó, ở các địa phương như: TP Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Nghi Lộc và Nam Đàn liên tục xuất hiện các ổ dịch, ca bệnh mới.
Đơn cử tại Thị xã Cửa Lò sau khi phát hiện chùm ca nhiễm tại Chợ Hải sản, phường Nghi Hải ngày 29/9, tính đến 6h ngày 7/10 Cửa Lò đã có 54 ca mắc mới, đã điều tra, truy vết được 695 trường hợp F1 và 1.039 trường hợp F2. Cùng liên quan đến chùm ca bệnh ở thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc có thêm 15 ca nhiễm mới…
Theo Sở Y tế Nghệ An, đợt lây nhiễm mới này tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch ra diện rộng do nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, F0 đa dạng; có ca bệnh liên quan đến lái xe đường dài, chợ dân sinh, bệnh viện, ca nhiễm trong cộng đồng và khu vực phong toả… đặc biệt là dịch đã xâm nhập và lây lan trong trường học với các ca nhiễm là học sinh cấp 2 và cấp 1 nên rất khó trong điều tra, truy vết…
Bên cạnh đó, Nghệ An vẫn còn nhiều lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch như: Chợ dân sinh chưa đảm bảo an toàn vẫn mở cửa; Một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, không tuân thủ các quy định phòng dịch; đặc biệt các trường hợp trở về từ các địa phương có dịch trên cả nước nhưng không khai báo như trường hợp 2 F0 là lái xe đường dài ở Quỳnh Lưu và Quỳ Hợp.
Ngoài ra còn có những chủ nhà thuốc, quầy thuốc bán thuốc điều trị cho những người có triệu chứng mà không báo cáo cho cơ quan chức năng.
Hiện một số địa phương chưa đáp ứng với tình hình diễn biến của dịch, đặc biệt trong việc triển khai truy vết (nhiều trường hợp trong vùng phong tỏa được phát hiện là F0 qua việc bản thân họ tự đến xét nghiệm). Tổ COVID cộng đồng hoạt động chưa tốt, có trường hợp F0 là lái xe đường dài về nhà 02 ngày song không ai biết.
Quản lý chặt chẽ địa bàn để phòng, chống dịch hiệu quả
Hiện nay, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan trên địa bàn Nghệ An là rất lớn. Ngoài nguy cơ nội tại thì tình trạng người dân tự phát trở về từ các địa phương có dịch trên cả nước bằng đường bộ gây khó khăn trong việc kiểm soát.
Theo ghi nhận, những ngày qua, đã có hơn 7.000 công dân Nghệ An từ các tỉnh phía Nam trở về quê bằng xe máy…
Trong số đó đã phát hiện 11 trường hợp từ các tỉnh phía Nam trở về Nghệ An mắc COVID-19. Dự kiến những ngày tới, Nghệ An sẽ đón thêm khoảng 10.000 công dân tiếp tục về quê tránh dịch, chưa kể người dân của các địa phương khác sẽ đi qua địa bàn tỉnh.
Để làm tốt công tác phòng chống dịch, ngày 30/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã có Công văn yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Theo đó, yêu cầu các huyện thị quản lý nghiêm các chợ, nhà hàng, quán ăn; kiểm soát người và phương tiện ngoài tỉnh đi qua, đi vào tỉnh; tăng cường truyền thông cho người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và phát huy vai trò giám sát; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trách nhiệm…
PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong thời gian vừa qua với chiến lược khoanh vùng, xét nghiệm rộng, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả trong phòng chống dịch. Trong tình hình mới, công tác này cần được thực hiện một cách chủ động hơn, cho nên yêu cầu xét nghiệm, tầm soát sàng lọc phát hiện sớm F0 đóng vai trò tiên quyết.
Thực tế từ chùm ca bệnh ở thị xã Cửa Lò đã cho thấy nếu không tầm soát thì ổ dịch cộng đồng ở phường Nghi Hải sẽ không được phát hiện sớm. Đến lúc đó, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, phức tạp và khó kiểm soát hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số địa phương xây dựng phương án để triển khai thực hiện xét nghiệm, tầm soát còn rất hạn chế.
Để kiểm soát dịch COVID-19 một cách có hiệu quả, các địa phương trong tỉnh Nghệ An cần phát huy tối đa vai trò của tổ COVID cộng đồng, tổ tự quản trên địa bàn, tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ di biến động về cư trú, lưu trú của người dân, phương tiện ra vào địa bàn; tăng cường việc rà soát, phát hiện các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp trong cộng đồng; thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân.
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà