Nghệ An thêm 10 ổ dịch sốt xuất huyết mới, nhiều người vẫn lơ là phòng bệnh

13-09-2023 15:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tỉnh Nghệ An có thêm 58 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng 21 ca so với tuần trước đó, đồng thời xuất hiện thêm 10 ổ dịch mới. Địa phương này đang triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý, không để dịch lan rộng.

Số ca mắc, ổ dịch mới tăng

Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Cụ thể, trong tuần qua, tỉnh Nghệ An ghi nhận thêm 10 ổ dịch sốt xuất huyết mới với 58 ca mắc, nâng tổng số lên thành 15 ổ dịch. Trong đó, một số huyện nhiều bệnh nhân như Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TP. Vinh...

Trước đó, Nghệ An có 5 ổ dịch đang được theo dõi gồm:

Ổ dịch tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn kéo dài 45 ngày, trong tuần ghi nhận thêm 10 ca mắc mới giảm 5 ca so với tuần 35 (luỹ kế số ca mắc tại ổ dịch này là 75 ca);

Ổ dịch tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu xuất hiện ngày 12/8, trong tuần ghi nhận thêm 2 ca mắc mới (ổ dịch này đã kéo dài 26 ngày với tổng số 8 ca mắc);

Ổ dịch tại khối Phú Lợi 1, Đông Triều, Phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai xuất hiện ngày 22/8, số ca mắc ghi nhận mới trong tuần là 4 ca (luỹ kế số ca mắc tại ổ dịch là 8 ca);

Ổ dịch tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu xuất hiện ngày 25/8, số ca mắc trong tuần là 2 ca, đến hiện tại ghi nhận tổng số 4 ca;

Cuối cùng là ổ dịch tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu xuất hiện ngày 30/8, ổ dịch kéo dài 9 ngày và thêm 1 ca mắc mới.

Gia tăng ổ dịch xuất huyết, Nghệ An triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý - Ảnh 1.

Điều tra, giám sát mật độ lăng quăng tại ổ dịch sốt xuất huyết.

Chỉ sau 1 tuần (từ ngày 1 đến 6/9), Nghệ An phát hiện thêm 10 ổ dịch mới. Trong đó, các ổ dịch mới chỉ xuất hiện có 1 người mắc tại xã Diễn Thịnh và Diễn Lâm (huyện Diễn Châu), xã Quỳnh Trang và Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Lưu), phường Cửa Nam (TP.Vinh), xã Thọ Thành và Tân Thành (huyện Yên Thành). Các ổ dịch có 2 ca mắc gồm ổ dịch tại thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) và ổ dịch tại xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương).

Theo thống kê của CDC Nghệ An từ đầu năm 2023 đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 262 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, giảm 546 ca so với cùng kỳ năm 2022. Số ca mắc tuy có giảm hơn so với năm trước (năm 2022 tỉnh này ghi nhận 2.670 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong) tuy nhiên, CDC Nghệ An dự báo thời gian tới, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch mới, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

TS.BS Chu Trọng Trang – Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An nhận định khả năng xuất hiện thêm các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới là rất lớn. "Thời tiết nóng ẩm, mưa bão thất thường hiện này chính là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa tốt, còn lơ là trong các hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là chưa thực hiện triệt để việc vệ sinh môi trường. Các hoạt động triển khai phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa được giám sát, đánh giá kết quả thực hiện một các triệt để..." - ông Trang cho hay.

Gia tăng ổ dịch xuất huyết, Nghệ An triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý - Ảnh 3.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 262 ca mắc sốt xuất huyết.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, CDC Nghệ An đề nghị các địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp hoạt động truyền thông. Cấp phường, xã cần rà soát, cập nhật danh sách các điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát và xử lý các ổ dịch tiềm tàng, nguy cơ cao.

Trạm y tế phường, xã tiến hành điều tra dịch tễ các ca bệnh sốt xuất huyết khi nhận được thông báo và xử lý theo quy định. Thống kê ca bệnh và cập nhật ca bệnh trên hệ thống GIS nhằm đánh giá đầy đủ nguy cơ hình thành các ổ dịch và kiểm soát dịch tốt.

Báo cáo của CDC Nghệ An cho thấy, chỉ số bọ gậy (lăng quăng - ấu trùng muỗi, mầm bệnh gây sốt xuất huyết) tại một số khu vực đang tăng cao. Dựa vào chỉ số bọ gậy, CDC Nghệ An đánh giá mức độ nguy cơ các vùng có thể bùng phát và trở thành ổ dịch sốt xuất huyết.

Từ đó, các đơn vị nắm bắt tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất số người mắc, không để dịch lan rộng. Dự báo trong hai tháng 9 và 10 thường là thời gian đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết tại Nghệ An.

Gia tăng ổ dịch xuất huyết, Nghệ An triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý - Ảnh 4.

Điều tra mật độ muỗi tại nhà dân có người mắc sốt xuất huyết.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, tỉnh Nghệ An chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp huyện, thành phố, thị xã triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần một lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần một lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng một lần tại các khu vực còn lại.

Tiếp đến, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, ngành y tế Nghệ An đã chỉ đạo các trung tâm y tế nơi có ổ dịch tích cực phối hợp với địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý, không để ổ dịch kéo dài; đánh giá hiệu quả các biện pháp đáp ứng xử lý dịch tại các ổ dịch sốt xuất huyết, đảm bảo các hoạt động được điều chỉnh sát với tình hình diễn biến ổ dịch... Các trung tâm y tế cần chủ động tăng cường công tác rà soát, phát hiện các trường hợp mắc hoặc nghi mắc sốt xuất huyết trên địa bàn để có phương án xử lý sớm.

Gia tăng ổ dịch xuất huyết, Nghệ An triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý - Ảnh 5.

Thực hiện vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước để mỗi vằn không có chỗ đẻ trứng, đây là biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả.

Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Để phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian tới, Sở Y tế Nghệ An đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nguồn lực các đơn vị y tế; tích cực phối hợp với ngành trong việc triển khai công tác phòng chống dịch; tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch; để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như: diệt muỗi, nằm màn, chống muỗi đốt. Tuyên truyền rõ về dấu hiệu của sốt xuất huyết; hướng dẫn người dân khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Những biểu hiện nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An, sốt xuất huyết là bệnh lý nhiễm trùng do virus Dengue gây ra, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Đây là một trong 10 mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết xảy ra quanh năm có xu hướng tăng mạnh và thành dịch trong mùa mưa.

Sốt xuất huyết thường khởi phát với những biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt kéo dài từ 3 đến 7 ngày kèm theo đau nhức toàn thân, đau đầu, đau cơ khớp, chán ăn, nôn ói, đau bụng, xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, xuất huyết âm đạo (ở nữ giới). Khi có biểu hiện nghi ngờ, người dân nên đến bệnh viện và các cơ sở y tế để được khám theo dõi, điều trị phù hợp.

Những trường hợp diễn biến nặng thường xảy ra vào cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 kể từ khi sốt xuất huyết khởi phát. Người bệnh thường bị đau vùng bụng trên rốn bên phải (đau vùng gan), chảy máu mũi, ói ra máu, li bì hoặc vật vã, tay chân lạnh do sốc gây ra những biến chứng đặc biệt nguy hiểm trên tim mạch, gan, thận, não hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất cộng đồng có thể chủ động thực hiện là diệt lăng quăng, diệt muỗi, không để muỗi đốt.

Thanh Hóa không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịchThanh Hóa không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch

SKĐS - Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tỉnh Thanh Hóa lên phương án cụ thể, với mục tiêu không để dịch bùng phát.


Từ Thành - Gia Minh
Ý kiến của bạn