Hà Nội

Nghệ An tăng tốc tiêm chủng chống dịch

07-10-2022 19:11 | Y tế
google news

SKĐS - Tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tiêm chủng, không để dịch bùng phát.

Đẩy mạnh tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trở lại - Ảnh 1.

Tiêm chủng chính là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Đồng loạt triển khai tiêm chủng

Mới đây, Trung tâm Y tế Con Cuông (Nghệ An) đã triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vaccine uống Bại Liệt (bOPV) cho trẻ từ 1 – 5 tuổi, vaccine tiêm Sởi – Rubella (MR) cho trẻ từ 3 – 5 tuổi vaccine Uốn ván – Bạch hầu giảm liều (Td) đồng loạt tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn.

BS Vi Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế Con Cuông cho biết: Trước khi bước vào triển khai chiến dịch, Trung tâm đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế toàn huyện trong hoạt động tiêm chủng và an toàn trong tiêm chủng. Đặc biệt là các kiến thức về vắc xin Td, bOPV và MR.

Bước vào chiến dịch, để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người dân khi đưa trẻ đi uống vaccine phòng bệnh Bại liệt trên địa bàn huyện. Trung tâm Y tế huyện đã bố trí điểm tiêm lưu động tại các trường Mần non, tiểu học và điểm tiêm cố định 13 Trạm y tế xã, thị trấn.

Đồng thời yêu cầu các Trạm Y tế tiến hành điều tra, rà soát và lập danh sách số lượng trẻ có độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi đã được uống vaccine phòng bệnh Bại liệt vòng 1 trước đó. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực cũng như vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác triển khai chiến dịch đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Kết quả, toàn huyện Con Cuông đã có 1.673 trẻ học lớp 2 trong các Trường học và trên 7 tuổi không đi học tại cộng đồng được tiêm 01 mũi vaccine Td (Trừ các trường hợp trẻ đã tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 01 tháng trước khi triển khai); có 5.042 trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn toàn huyện được uống vaccine bOPV (trừ trẻ đã uống vaccine bOPV trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung); 2.818 trẻ từ 3 đến 5 tuổi trên địa bàn huyện Con Cuông sẽ được tiêm 01 mũi vaccine MR (trừ trẻ đã tiêm vaccine sởi, MR, MMR trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung).

Đẩy mạnh tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trở lại - Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng COVID19 cho học sinh THCS

Cũng trong thời gian này, các huyện/thành phố/thị xã trong tỉnh Nghệ An cũng đã đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm chủng 3 loại vaccine nói trên. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Di – Thư ký Chương trình Tiêm chủng tỉnh Nghệ An cho biết: Việc triển khai chiến dịch nhằm đạt mục tiêu tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho trẻ 7 tuổi, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng; trẻ từ 1 - 5 tuổi được uống bổ sung vaccine Bại liệt và trẻ 3-5 tuổi được tiêm vaccine Sởi-Rubella góp phần bảo vệ thành quả thanh toán bệnh Bại liệt và phòng, chống dịch bệnh Sởi, bệnh Rubella trên địa bàn.

Trước đó, tỉnh Nghệ An đã tiến hành phân phối 72.700 liều vaccine Td cho 21 huyện, thành, thị trong tỉnh và yêu cầu triển khai đạt tỷ lệ 95% trẻ đủ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2 trên địa bàn được tiêm bổ sung 01 mũi vaccine Td. Các địa phương hoàn thành chiến dịch trước ngày 30/9/2022…

Phân phối 266.280 liều vaccine (2 đợt, vắc xin bOPV và vaccine MR) cho 10 huyện, thành, thị có nguy cơ cao ( Tp. Vinh, TX Cửa Lò, TX. Thái Hoà, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong) và yêu cầu triển khai đạt tỷ lệ ≥ 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi uống bổ sung 02 liều vaccine bOPV và trẻ từ 3 đến 5 tuổi tiêm bổ sung 01 liều vaccine MR.

Đến thời điểm này, các địa phương đã vào cuộc một cách tích cực; cơ bản hoàn thành việc tiêm vaccine Uốn ván – Bạch hầu giảm liều (Td), tiêm vaccine MR và uống vắc xin bOPV (đợt 1), đảm bảo yêu cầu tiến độ và tỷ lệ đề ra. Chiến dịch triển khai đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra – Bác sĩ Nguyễn Trọng Di khẳng định.

Tiêm chủng, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm

Những dịch bệnh như bại liệt, bạch hầu, uốn ván, viêm não nhật bản, sởi và rubella này tuy không mới song rất nguy hiểm. Dịch bệnh hoàn toàn có thể ngăn chặn bằng việc tiêm vaccine. Những năm trước đây, Nghệ An đã cơ bản loại trừ được các loại dịch bệnh nói trên bằng việc tổ chức, tiêm chủng định kỳ hàng tháng, các chiến dịch tiêm chủng hàng năm… Tuy nhiên, trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các dịch bệnh "cũ" này tái hồi và đe doạ.

Cụ thể như với bệnh bạch hầu, trong năm 2021, Nghệ An đã phát hiện 03 ca bệnh tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn. Và trong năm 2022 này, tỉnh Nghệ lại tiếp tục phát hiện 02 ca bệnh tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.

Đẩy mạnh tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trở lại - Ảnh 3.

Bác sĩ bệnh viện Sản nhi Nghệ An tăm khám cho trẻ mắc bệnh


Sau khi phát hiện các ca bệnh, Sở Y tế Nghệ An, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập đoàn công tác, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện điều tra dịch tễ, lấy mẫu, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua điều tra: Các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Phụ huynh "quên", "sợ COVID -19", "bận làm ăn" nên chưa đưa trẻ đi tiêm.

Còn với bệnh viêm não Nhật Bản, từ đầu năm đến nay, Nghệ An cũng đã ghi nhận 7 ca mắc (Đô Lương 01, Thanh Chương 01, Tương Dương 01, Tân Kỳ 02, Kỳ Sơn 01, Qùy Hợp 01). Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 09 tuổi, lớn tuổi là 13. Các bệnh nhân được ghi nhận tại nơi cư trú thuộc khu vực trung du, miền núi sinh cảnh phù hợp cho nguồn lây và véc tơ lây truyền viêm não Nhật Bản sinh sống và phát triển.

Cần phải nói thêm ở khu vực này tỷ lệ tiêm chủng phòng viêm não Nhật Bản <90%. Sau khi phát hiện các ca mắc, ngành y tế Nghệ An đã thực hiện giám sát trọng điểm, chỉ đạo vệ sinh môi trường, loại bỏ vec tơ truyền bệnh; triển khai ngay chiến dịch tiêm chủng bổ sung phòng Viêm não Nhật Bản tại địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Đẩy mạnh tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trở lại - Ảnh 4.

Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An kiểm tra bệnh trạng của trẻ bị viêm não Nhật bản.

Phải nói rằng: Trong 2 năm (2020-2021), dịch COVID-19 đã khiến công tác tiêm chủng thường xuyên bị gián đoạn. Đây là yếu tố nguy cơ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bại liệt, bạch hầu, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản có thể quay trở lại. (theo tính toán của các chuyên gia, dịch sởi trên quy mô lớn vẫn thường quay lại với chu kỳ 3-4 năm/ lần).

Tiến sĩ Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An nêu rõ: Các địa phương trong tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát, không để bệnh dịch lan rộng ra cộng đồng.

Đẩy mạnh tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trở lại - Ảnh 5.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát điều tra dịch tế.

Trong đó, cần chú triển khai các chiếm dịch tiêm chủng vaccine; thường xuyên, định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin, công tác phòng chống dịch; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine cho trẻ bằng nhiều hình thức phù hợp, phong phú.

Bại liệt, bạch hầu, sởi và rubella là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và khả năng gây dịch trên quy mô lớn. Các bệnh này thường gặp ở trẻ em và có nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Bệnh bại liệt gây liệt không hồi phục; bệnh sởi gây ra biến chứng bội nhiễm như viêm phổi, viêm tai giữa; hội chứng rubella bẩm sinh... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ; bạch hầu gây nên nhiều biến chứng và tử vong.
Lịch sử nhân loại đã thay đổi như thế nào khi tìm ra vaccine đầu tiên?Lịch sử nhân loại đã thay đổi như thế nào khi tìm ra vaccine đầu tiên?

Thế giới đã đạt được những thành tựu lớn trong việc tạo ra vaccine phòng bệnh. Vậy ai là người đầu tiên đã phát minh ra vaccine? Vai trò của vaccine trong y học dự phòng giúp lịch sử nhân loại thay đổi như thế nào?



Khánh Tâm
Ý kiến của bạn