Nghệ An tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

06-01-2024 10:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo đó là việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm cũng tăng lên. Từ đó, nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp này rất lớn.

Nghệ An tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được các cấp, ngành đẩy mạnh.

Còn nhiều vi phạm

Trong năm 2023, Nghệ An đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm: Truyền thông, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm; giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 510/KH-UBND ngày 11/7/2023 về truyền thông an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025.

Thực hiện kế hoạch này, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh từ tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã với nhiều hình thức tổ chức, nội dung đa dạng, phong phú… đã tiếp cận trực tiếp đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Song song với công tác truyền thông, công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra cũng tiếp tục được tăng cường. Toàn tỉnh đã thành lập 933 đoàn thanh tra, kiểm tra và thực hiện thanh tra, kiểm tra 10.704 cơ sở, trong đó, có 9.760 cơ sở đạt (91,18%) và 944 cơ sở vi phạm (8,82%); thực hiện xử phạt gần 3 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm với tổng giá trị hơn 624 triệu đồng.

Các vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm gồm: Vi phạm các quy định về sản xuất, chế biến thực phẩm, như dùng chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, tạo nạc, đưa tạp chất bẩn vào thực phẩm; sử dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia quá mức cho phép; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Vi phạm pháp luật và các quy định về kinh doanh thực phẩm (mua bán các loại thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng và quá hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn mác, bao bì…).

Các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính đều được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin trên hệ thống phát thanh thành phố, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; trang thông tin điện tử Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh... để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng biết, phòng ngừa.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn không ít những tồn tại, vướng mắc. Trong năm, Nghệ An ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 95 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong đó, 2 vụ ngộ độc thực phẩm không xác định được nguyên nhân và 1 vụ do vi khuẩn tụ cầu vàng trong sữa chua lên men do nhân viên tự chế biến.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, còn cấp huyện và xã vẫn chưa thể kiểm soát một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng nghìn cơ sở hoạt động tự do, chưa được đăng ký, quản lý về cơ sở, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống nhiễm khuẩn.

Nghệ An tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán- Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra nguyên liệu sản xuất tại một nhà máy.

Công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm ở tuyến huyện, xã chưa nghiêm, nên số cơ sở vi phạm vẫn chưa có chuyển biến tích cực, nhất là cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ nấu ăn lưu động… Một số người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình nên vẫn còn mua, sử dụng những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Vì mục đích lợi nhuận, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Hoạt động quảng cáo, kinh doanh thực phẩm trên các trang mạng xã hội chưa được kiểm soát.

Tăng cường kiểm soát thực phẩm dịp Tết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần; sau đó là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh Nghệ An. Tết Nguyên đán và mùa lễ hội chính là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm như thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp này là rất lớn.

Nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, ngày 2/1/2024, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND Kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bản tỉnh Nghệ An. Tiếp đó, ngày 4/1/2024, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-UBND kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân - năm 2024 trên địa bản tỉnh Nghệ An.

Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết: Với tiêu chí đặt ra là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024; Nghệ An sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, tăng cường kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao; đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Cơ quan chức năng kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm 1 cơ sở sản xuất cà muối trên địa bàn TP. Vinh

Cơ quan chức năng kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm 1 cơ sở sản xuất cà muối trên địa bàn TP. Vinh

Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đoàn kiểm tra tiến hàng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; chú trọng kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm...

Thông qua công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trưởng, phòng ngừa, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Quy khuyến cáo, mọi người dân cần tuân thủ tuyệt đối 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm an toàn; Nấu chín kỹ thức ăn; Ăn ngay sau khi nấu; Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; Nấu lại thức ăn thật kỹ; Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống; Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn; Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Hà Nội sắp triển khai đợt cao điểm kiểm tra ATTP dịp TếtHà Nội sắp triển khai đợt cao điểm kiểm tra ATTP dịp Tết

SKĐS - Dự kiến, các cơ quan chức năng Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt bảo đảm ATTP dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân (từ 15/12/2023 đến 15/3/2024).


Khánh Tâm
Ý kiến của bạn