Nghệ An: Phạt gần 7,6 tỷ đồng hơn 2.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm

01-12-2022 08:28 | Y tế
google news

SKĐS - Đây là số liệu mà ngành y tế Nghệ An đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 – 2025” tổ chức chiều 30/11/2022.

Nghệ An: Xử phạt gần 7,6 tỷ đồng đối với 2.579 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm - Ảnh 1.

Hội nghị sơ kết được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Đề án "Nâng cao năng lực Quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm giai đoạn 2020 - 2025" được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành vào tháng 10/2019. Qua 3 năm triển khai, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ trong việc quản lý về an toàn thực phẩm và đạt được những kết quả quan trọng.

Trong 03 năm thực hiện Đề án, Nghệ An đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 45.676 cơ sở, trong đó có 41.412 cơ sở đạt (90,7%), 4.264 cơ sở vi phạm (9,3%), xử phạt vi phạm hành chính 2.579 cơ sở với số tiền 7.578.412.000 đồng.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như một số Ban chỉ đạo ATTP cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP tại địa bàn. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP còn phân tán, chưa tập trung đầu mối dẫn đến bất cập trong triển khai thực hiện chuyên môn; tuyến huyện nguồn nhân lực còn mỏng và chưa có đầu mối về công tác ATTP, cán bộ chuyên trách trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý ATTP còn hạn chế.

Nghệ An: Xử phạt gần 7,6 tỷ đồng đối với 2.579 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm - Ảnh 2.

BSCKII Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An báo cáo việc thực hiện Đề án.

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các thời điểm cao điểm và chưa thực sự đủ sức răn đe (tại tuyến huyện chủ yếu nhắc nhở và tại tuyến xã hầu như chưa triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính về ATTP).

Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý. Nhận thức về tầm quan trọng về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và của người dân tuy đã được nâng cao nhưng vẫn còn một số vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP.

Nghệ An: Xử phạt gần 7,6 tỷ đồng đối với 2.579 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm - Ảnh 3.

Trong 03 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh Nghệ An đã tiến hành thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 2.579 cơ sở với số tiền gần 7,6 tỷ đồng.

Tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng... vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ để phục vụ hoạt động giám sát, thanh kiểm tra và xử trí ngộ độc thực phẩm.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố Vinh đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đồng thời cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo tốt hơn công tác quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Bùi Đình Long chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025 và yêu cầu Sở Y tế Nghệ An chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Nghệ An: Xử phạt gần 7,6 tỷ đồng đối với 2.579 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm - Ảnh 4.

Ông Bùi Đình Long đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn giai đoạn 2023 - 2025.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra của Đề án "Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng.

Xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng trên môi trường mạng, đặc biệt là các trang tin điện tử, mạng xã hội... Không để tình trạng quảng cáo trái pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Nghệ An: Xử phạt gần 7,6 tỷ đồng đối với 2.579 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm - Ảnh 5.

UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 03 năm thực hiện đề án.

Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Nghệ An đã tặng bằng khen cho 07 tập thể và 07 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 03 năm thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 – 2025".

Nhiều bếp ăn bán trú ở Nghệ An chưa đảm bảo an toàn thực phẩmNhiều bếp ăn bán trú ở Nghệ An chưa đảm bảo an toàn thực phẩm

SKĐS - Giám sát 44 bếp ăn bán trú trong trường học, Chi cục ATVSTP Nghệ An ghi nhận 22 bếp ăn chưa đảm bảo an toàn.


Từ Thành
Ý kiến của bạn