Gia tăng bệnh nhân tay chân miệng
Sáng 10/6, tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, có rất đông phụ huynh đưa con, em mình đến khám, điều trị bệnh. Chị Trần Thị M. (ở thành phố Vinh) đưa con trai là Trần Văn T. (4 tuổi) đi khám cho hay: "Cháu bình thường vẫn đi gửi trẻ. Tối hôm qua về thì thấy cháu sốt, sau đó nổi ban, loét miệng, chán ăn và quấy khóc. Ở lòng bàn tay, chân xuất hiện ban, bọng nước… Tôi đưa cháu đến viện khám thì được bác sĩ cho biết bị bệnh tay chân miệng (TCM), phải nhập viện điều trị. Nhiều khả năng cháu bị lây ở nhà trẻ".
Theo báo cáo của Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thì, từ đầu tháng 6 trở lại đây, mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận, khám từ 600 - 700 bệnh nhi. Trong số đó, bệnh nhi nhập viện chiếm 1/4 số bệnh nhân đến khám. Có nhiều trẻ khi đến khám trong tình trạng bệnh bị biến chứng, rất nặng…
ThS.BS Đậu Thị Hội - Khoa Khám bệnh cho biết: "Các trẻ đến khám ở đây chủ yếu mắc bệnh TCM, thủy đậu, các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, bệnh lý về da, bệnh về đường tiêu hóa. Nguyên nhân bệnh nhân tăng là do thời tiết mùa này tạo điều kiện cho virus, vi sinh vật trung gian phát triển mạnh. Ở thời điểm này, nguy cơ trẻ bị các bệnh truyền nhiễm là rất cao".
Theo báo cáo của khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thì tính từ 1/5 đến 10/6, khoa đã tiếp nhận, điều trị cho hơn gần 900 bệnh nhi, trong đó có 800 bệnh nhi mắc bệnh TCM. Hiện nay, Khoa đang điều trị cho 80 bệnh nhi. Trong đó có trên 30 trẻ mắc bệnh TCM, ngoài ra còn có trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), viêm màng não nhiễm khuẩn, viêm não Nhật Bản, ho gà, thủy đậu, tiêu chảy do virus Rota.
"Vào mùa hè, các gia đình cần đặc biệt chú ý vệ sinh phòng bệnh; thực hiện việc tiêm phòng cho trẻ. Ở nhà, trường học, cần đảm bảo môi trường thoáng mát, thường xuyên vệ sinh bằng các chất dung dịch chứa clo, xà phòng. Trong ăn uống, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn phù hợp; bổ sung nước, hoa quả cho trẻ. Phòng chống các bệnh do virus phụ huynh hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người, đeo khẩu trang khi đến địa điểm đông người.
Phụ huynh cũng nên mặc cho trẻ những bộ quần áo thoáng, thấm hút mồ hôi để tránh gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ. Ngoài ra, mọi gia đình cũng cần biết cách sử dụng điều hòa đúng cách, tránh dùng điều hòa quá lạnh gây ra các bệnh về đường hô hấp ở trẻ. Sau khi sử dụng điều hòa cần mở cửa để không khí lưu thông đẩy virus, vi khuẩn tích tụ ra ngoài" - ThS.BS Võ Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An khuyến cáo.
Tính từ 1/5 đến 10/6, khoa Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận, điều trị cho hơn gần 900 bệnh nhi, trong đó có 800 bệnh nhi mắc bệnh TCM.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Hiện nay, bên cạnh dịch COVID-19 vẫn đang lây lan khiến nhiều người mắc, thì ở Nghệ An các dịch bệnh nguy hiểm theo mùa lại tái xuất hiện như: SXH, tay chân miệng, bạch hầu, viêm não Nhật Bản… Đây chính là mối nguy, đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An: Tại Nghệ An, hằng năm vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc SXH. Các ổ dịch cũ thường tập trung ở các địa phương như Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh và Hưng Nguyên. Năm 2020, dịch SXH lần đầu tiên xuất hiện tại huyện miền núi Con Cuông.
Bước vào mùa dịch SXH năm nay, Nghệ An đã ghi nhận 9 ca mắc SXH tại 2 địa phương đó là xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) và phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai).
Theo đó, tại xã Nghi Quang, ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 24/5/2022 và đến nay toàn xã đã phát hiện được 7 ca mắc. Tại phường Quỳnh Dị, 01 ca mắc SXH đã được phát hiện vào ngày 28/5/2022.
Trước nguy cơ dịch SXH tái bùng phát, CDC Nghệ An và Trung tâm Y tế các địa phương đã và đang tăng cường công tác giám sát sớm phát hiện nguy cơ dịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân thực hiện các giải pháp phòng bệnh như lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng/bọ gậy, nằm màn chống muỗi đốt, phun hóa chất xử lý môi trường.
Qua kiểm tra thực tế, thực hiện điều tra dịch tễ, giám sát môi trường tại nhiều địa phương, CDC Nghệ An phát hiện các chỉ số véc tơ tại nhiều địa phương vượt ngưỡng cảnh báo dịch và có nguy cơ xảy ra dịch SXH rất lớn.
Bên cạnh SXH, ở tỉnh cũng đã phát hiện 01 trường hợp dương tính viêm não Nhật Bản tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương vào ngày 25/5/2022. Trước đó vào ngày 01/5/2022, 02 trẻ mắc bệnh bạch hầu tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn cũng được phát hiện…