Nghệ An khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

28-07-2025 10:20 | Y tế

SKĐS - Sau khi lũ rút, một lượng lớn bùn đất, rác thải bị cuốn trôi, tràn về, phủ kín nhiều khu vực dân cư ở các xã miền núi, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, đưa hoạt động y tế trở lại bình thường.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ

Đến thời điểm hiện tại, hàng loạt nhà dân tại xã Tương Dương bị ngập sâu trong bùn đất. Gia đình chị Đinh Thị Xuân ở khối Hòa Đồng phải dọn dẹp nhà cửa bằng nguồn nước sông Lam đục ngầu do thiếu nước sạch. Chị chia sẻ: "Phải bơm nước từ sông lên để lau chùi, sinh hoạt. Xác động vật chết nhiều, tôi và nhiều người trong xóm đã bắt đầu bị ghẻ nước, lở loét tay chân".

Nghệ An khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 1.

Miền núi Nghệ An ngổn ngang rác thải sau lũ dữ.

Ông Nguyễn Văn An, ở bản Cửa Rào 2, xã Tương Dương chia sẻ: "Nước rút đến đâu, bà con dọn dẹp đến đó. Nhà tôi bị bùn tràn vào gần nửa mét, phải nhờ cả anh em họ hàng đến phụ mới xử lý xong. Dù mệt, nhưng ai cũng cố gắng để sớm ổn định lại cuộc sống".

Điều khiến ông An lo lắng nhất lúc này là nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau. Gia đình ông đã chủ động sử dụng nước sạch để thau rửa bể chứa, dọn vệ sinh sân nhà và các vật dụng sinh hoạt. Ông mong muốn chính quyền sớm hỗ trợ hóa chất khử trùng và máy bơm để làm sạch chuồng trại, giảm thiểu rủi ro cho đàn vật nuôi.

Nước sạch khan hiếm suốt nhiều ngày khiến công tác vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa càng khó khăn. Các lực lượng chức năng đang tích cực hỗ trợ người dân dọn dẹp theo hình thức cuốn chiếu. Tuy nhiên, nhu cầu về nước sinh hoạt và thuốc men là vô cùng bức thiết.

Nghệ An khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 2.

Người dân xã Tương Dương bắt tay vào vệ sinh môi trường, dọn dẹp sau lũ lụt.

Ông Vi Văn Huyền ở bản Mác, xã Tương Dương kiến nghị, "Mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ ổn định nguồn điện, nước và tiến hành phun thuốc khử trùng để bà con yên tâm ổn định cuộc sống".

Thực tế, một số người dân đã xuất hiện triệu chứng ghẻ lở, tiêu chảy, đau mắt đỏ do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Trung tâm Y tế Tương Dương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả cần có thêm máy phun hóa chất và nguồn thuốc và vật tư y tế.

Nghệ An khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 3.

Lực lượng vũ trang dọn bùn giúp dân sau lũ.

BS Trần Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tương Dương cho biết, "Chúng tôi rất cần máy phun điện, phun xăng và hóa chất để xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ".

Chủ tịch UBND xã Tương Dương ông Nguyễn Hồng Tài thông tin: "Địa phương đang tích cực kết nối với tỉnh để được hỗ trợ hóa chất, vật tư tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường cho người dân vùng lũ".

Việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn xã Tương Dương sẽ còn mất một khoảng thời gian dài nữa. Tuy nhiên, song song với đó công tác phòng chống dịch bệnh, một trong những nguy cơ cao thường xảy ra thời điểm hậu bão lũ lại cũng là vấn đề cần phải được triển khai cấp bách.

Tăng cường hỗ trợ từ ngành Y tế

Tại xã Mỹ Lý, không chỉ các hộ dân mà nhiều điểm trường học, trạm y tế và nhà văn hóa cũng đang được thầy cô giáo, đoàn viên thanh niên cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng chung tay dọn dẹp sau lũ. Công tác vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Chính quyền địa phương cũng đã cử cán bộ y tế đến từng bản hướng dẫn người dân cách khử khuẩn nguồn nước, xử lý thực phẩm an toàn và phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Nghệ An khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 4.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Lê Thị Hoài Chung yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt.

Ngay sau khi lũ rút, ngành y tế Nghệ An đã nhanh chóng cử đoàn công tác khảo sát, kiểm tra, hỗ trợ các Trung tâm Y tế vùng bị ảnh hưởng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cũng đã cấp phát viên lọc nước Aquatabs và túi đựng nước cho các TTYT tại Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong… để hỗ trợ người dân đảm bảo nước sạch sinh hoạt.

Theo CDC Nghệ An, tại các khu vực từng bị ngập lụt, sau khi nước rút thường để lại lượng lớn bùn đất, rác thải và xác động vật, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều dịch bệnh nguy hiểm như, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm da, cúm, sốt xuất huyết...

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh nói chung và tại các điểm ngập lụt nói riêng, CDC Nghệ An cùng các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã và thành phố đã tăng cường giám sát, hỗ trợ địa phương phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch truyền nhiễm. Đồng thời, ngành y tế cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả.

Nghệ An khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 5.

Ngành y tế địa phương tích cực khử trùng, xử lý nước giếng, đồng thời, tuyên truyền bà con không sử dụng nước bẩn nhằm đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh sau thiên tai.

TS. BS Chu Trọng Trang, Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An cho biết: "Đợt này, chúng tôi cấp phát viên lọc nước, túi đựng nước và hóa chất xử lý môi trường. Trong năm 2025, CDC đã triển khai 2 đợt cấp phát cloramin B và hóa chất cho 20 Trung tâm Y tế toàn tỉnh, chủ động ứng phó mùa mưa bão".

Việc đảm bảo nước sạch, môi trường vệ sinh là chìa khóa ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh đường ruột, viêm da… Đây là nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà còn dài hạn sau thiên tai. Các hoạt động hỗ trợ của ngành Y tế sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, giúp các địa phương sớm ổn định cuộc sống, kiểm soát tốt dịch bệnh hậu lũ lụt.

TS.BS CKII Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, hiện Sở đang tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng để phát động chương trình quyên góp, hỗ trợ khẩn cấp các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước sạch, thuốc men và vật tư y tế cho người dân bị ảnh hưởng tại các huyện miền núi.

Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ

Trước đó, Sở Y tế Nghệ An có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì công tác khám chữa bệnh sau mưa lũ, ngập úng.

Theo đó, các đơn vị cần rà soát, xác định vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch; tăng cường đội cơ động hỗ trợ giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, triển khai vệ sinh môi trường theo phương châm "nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó", thu gom, xử lý xác động vật đúng quy định, phun hóa chất diệt côn trùng tại các khu vực nguy cơ cao.

Sở cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông tại cộng đồng, hướng dẫn người dân xử lý nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa các bệnh thường gặp như tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, cúm, sốt xuất huyết... Đặc biệt, cần giám sát chặt tại các điểm sơ tán, vùng bị cô lập để kịp thời phát hiện và dập tắt các ổ dịch có thể phát sinh.


Trung tâm Y tế Tương Dương tan hoang sau lũTrung tâm Y tế Tương Dương tan hoang sau lũ

SKĐS - Dù nằm ở vị trí cao, Trung tâm Y tế Tương Dương (Nghệ An) vẫn bị lũ nhấn chìm hơn 2m. Khi nước rút, cảnh tan hoang với bùn đất ngập đầy, vật tư y tế và thuốc men hư hỏng nặng.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn