Nghệ An: Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn nhiều thách thức

15-12-2019 08:31 | Tin nóng y tế

SKĐS - Nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An vẫn xem công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em là nhiệm vụ của riêng ngành y tế.

Khó từ nhận thức, đời sống, kinh phí hoạt động

Gia đình chị Vi Thị Nhưn, ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An có 2 con. Cháu đầu năm nay 11 tuổi nhưng chỉ nặng 15 kg, cháu sau 2 tuổi và nặng 7 kg. Hiện nay, chị Nhưn đang mang thai đứa con thứ 3 ở tháng thứ 8 tháng song chị chưa đi khám thai định kỳ lần nào.

Chị Nhưn cho hay: “Lúc em sinh đứa thứ 2 được hơn 1 tháng thì lên núi làm rẫy. Ở nhà, anh chăm em, lúc thì nhai khoai, lúc thì nhai cơm cho em ăn. Anh ăn gì em ăn nấy. Em cũng cai sữa cho bé từ lúc hơn 3 tháng tuổi để lên nương làm rẫy...”.

Chính vì cách nuôi dưỡng thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến 2 cháu nhà chị Nhưn bị suy dinh dưỡng nặng.

Hướng dẫn tô màu bát bột cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ tại trạm y tế xã

Ở xã Lượng Minh, không riêng gì những đứa trẻ nhà chị Nhưn bị suy dinh dưỡng nặng. Theo thống kê: Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã Lượng Minh chiếm trên 30%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiếm 20%, riêng 2 bản Cà Moong và bản Sốp Cháo tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiếm trên 40%...

Theo chị Lô Thị Bông, chuyên trách dân số xã Lượng Minh: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở xã chiếm tỷ lệ cao là do các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ thiếu kiến thức trong việc chăm sóc con. Tiếp nữa là đời sống khó khăn, không có điều kiện quan tâm chế độ dinh dưỡng cho con, bữa ăn của trẻ rất nghèo nàn chỉ cơm và rau.

Nhiều nhà chăm lo cho con theo cảm tính, nhà có thức ăn gì thì cho con ăn nấy, người lớn ăn gì thì trẻ con cũng ăn vậy, không có chế độ riêng. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán thiếu khoa học từ xa xưa vẫn còn tồn tại như cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách, mẹ nhai dặm cho con, có cho ăn rau củ quả nhưng không nhiều và không đều... vì thế nên bữa ăn của trẻ không có đủ các nhóm thực phẩm bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và các loại rau xanh giàu vitamin.

Chị Bông cho biết thêm: Do người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, một số bệnh thường gặp của trẻ không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nên trẻ biếng ăn, chậm lớn. Số phụ nữ trong thời gian mang thai không được bổ sung viên sắt, cộng với chế độ ăn kém dinh dưỡng nên nhiều bà mẹ mang thai thường có nguy cơ thiếu máu, chất lượng sữa kém; tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu thấp... Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở xã Lượng Minh nói riêng và huyện Tương Dương nói chung hiện nay.

Bác sĩ Trần Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, Nghệ An chia sẻ: Nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, thế nhưng để nâng cao nhận thức cho họ lại gặp khó. Trước đây,  Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng có kinh phí thì Trung tâm in tờ rơi, áp phích phát về tận bản làng; tổ chức những buổi nói chuyên đề về Phòng, chống cho suy dinh dưỡng cho các bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ; tổ chức lớp hướng dẫn tô màu bát bột cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, tổ chức thi bữa ăn dinh dưỡng…

Mấy năm trở lại đây, kinh phí cho công tác Phòng, chống suy dinh dưỡng không còn, nên chúng tôi chỉ lồng ghép 9-10 chương trình trong 1 bài truyền thông, đồng thời lồng ghép trong các cuộc họp thôn xóm.

Thiếu kinh phí hoạt động, hoạt động Phòng, chống suy dinh dưỡng ở các huyện miền núi cao gặp rất nhiều khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Quang Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong chia sẻ: Ở các huyện vùng cao, nhận thức về dinh dưỡng cần thiết cho trẻ chưa được đầy đủ. Nếu chỉ dựa vào sự tự ý thức người dân là không được mà phải cần sự tác động trực tiếp, thường xuyên của các cơ quan chức năng.

Nguồn kinh phí chương trình mục tiêu không có, Trung tâm vẫn cố gắng hoạt động song hoạt động thực hành dinh dưỡng – tô màu bát bột không thể tổ chức; hoạt động giám sát cũng không được thực hiện thường xuyên bởi việc đi lại khó khăn.

Cần sự quan tâm nhiều hơn

Được biết, kinh phí hoạt động của công tác Phòng, chống suy dinh dưỡng lâu nay vẫn chủ yếu dưa vào Trung ương và tỉnh. Trong khi đó, công tác này chưa huy động được nguồn lực từ huyện và xã. Các địa phương vẫn xem công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em là nhiệm vụ của tỉnh và ngành y tế.

Đặc biệt sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII không đưa chỉ tiêu Phòng, chống suy dinh dưỡng vào phấn đấu thì công tác này có phần bị coi nhẹ... Ở tất cả các xã, phường, thị trấn đều thiếu những trang bị vật tư cần thiết như thước đo, cân trẻ, biểu đồ, dụng cụ thực hành (sau một thời gian sử dụng đã hư hỏng, chưa thể sắm mới).

Bên cạnh khó khăn về kinh phí, mạng lưới Phòng, chống duy dinh dưỡng cũng chưa tốt. Bác sĩ Hoàng Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho hay: Mạng lưới triển khai hoạt động Phòng, chống suy dinh dưỡng chưa ổn định, thiếu đồng bộ. Đội ngũ làm công tác dinh dưỡng thiếu về số lượng. Nhiều cán bộ làm dinh dưỡng đã chuyển sang làm công tác khác và không có sự thay thế. Các cán bộ được thay thế lại chưa được đào tạo nên còn yếu về chuyên môn...

Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhoe tại Trạm y tế xã Châu Thắng

Hiện nay, mực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của Nghệ An hàng năm đạt từ 0,3 -> 0,5 %. Mức giảm này tương đương với mức giảm chung của toàn quốc. Do vậy để rút ngắn khoảng cách giữa Nghệ An với toàn quốc thì đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung đầu tư các nguồn lực, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành, tổ chức chính trị xã hội.

Bác sĩ Quế Trâm Anh, Thư ký Chương trình mục tiêu Phòng, chống suy dinh dưỡng tỉnh Nghệ An nói: Về phía tỉnh, nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, tập huấn và giám sát chuyên môn về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; hướng dẫn thực hành kỹ thuật chế biến thức ăn và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì; xây dựng mô hình Phòng, chống suy dinh dưỡng đặc thù cho từng vùng.

Tổ chức các chiến dịch bổ sung vitamin A, chiến dịch phòng, chống suy dinh dưỡng; triển khai có hiệu quả chương trình sữa học đường; cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, vùng cần được hỗ trợ khẩn cấp về dinh dưỡng.

Bác sĩ Quế Trâm Anh cũng nêu rõ: Để công tác Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ đảm bảo bền vững, cùng với sự quan tâm của tỉnh, các ngành thì chính quyền các địa phương và cộng đồng cần đẩy mạnh xã hội hoá trong các hoạt động Phòng, chống suy dinh dưỡng; tăng cường hơn nữa các giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa. Các hộ gia đình cần tăng gia sản xuất nuôi trồng để tạo nguồn thực phẩm lành mạnh phục vụ bữa ăn tại gia đình; phát triển trồng cây công nghiệp sản xuất hàng hóa, vừa đáp ứng thực phẩm bổ sung cho bữa ăn.


Bài, ảnh: Từ Thành
Ý kiến của bạn