Cháu P.T.Q, 7 tuổi, được các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán bị viêm màng não do vi rút.
Bệnh nhân tăng đột biến
Xuất hiện rải rác từ khoảng đầu tháng 3 nhưng đến đầu tháng 4 lại nay, số lượng bệnh nhân chẩn đoán bị viêm màng não do vi rút tại Nghệ An đã gia tăng đột biến. Với những triệu chứng điển hình như: đau đầu, buồn nôn, sốt, bệnh viêm màng não không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng bị mắc.
Có mặt ở Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, lúc này tại khoa có 151 bệnh nhân đang nằm điều trị, trong số đó có 132 bệnh nhi mắc viêm màng não do vi rút. Đáng nói là có rất nhiều gia đình có 2 đến 3 cháu là anh em ruột hoặc người thân, họ hàng cùng mắc bệnh.
Đơn cử như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có 2 con mắc bệnh viêm màng não cùng phải nhập viện điều trị.
Chị Nguyễn Thị Hiền cho hay: “5 giờ sáng ngày 13/4, con trai chị là cháu P.T.Q, 7 tuổi, xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn mửa. Sau đó chị đưa con đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và được các bác sĩ cho nhập viện vào điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới. Bệnh nhi P.T.Q được các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán bị viêm màng não do vi rút.
Và chỉ sau đó 1 ngày, chị gái của bệnh nhi P.T.Q là P.T.N.L (13 tuổi) cũng xuất hiện triệu chứng tương tự, nên được gia đình đưa đến viện điều trị cùng em. Đến nay, sức khỏe của 2 chị em đã phần nào hồi phục, các triệu chứng đau đầu, nôn mửa… giảm, và không còn xuất hiện”.
BS Võ Mạnh Hùng chăm sóc bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não do vi rút
“Những năm trước đây, bệnh viêm màng não do vi rút cũng xuất hiện song năm nay số lượng bệnh nhân mắc tăng cao hơn nhiều lần. Các ca bệnh bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 3/2021 và bùng phát dữ dội từ đầu tháng 4/2021 đến nay. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20-30 trẻ đến khám, nhập viện vào khoa bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị căn bệnh này.
Số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu là của cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo thống kê thì trong 100 trẻ đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì số bệnh nhân từ Hà Tĩnh sang chiếm 20,4%; Ở Nghệ An, bệnh xuất hiện hầu như tất cả các huyện, thành, thị, số bệnh nhân ở thành phố Vinh chiếm 18,07%; Thanh Chương 15,67%; Nghi Lộc 10,84% Diễn Châu 8,49%...” Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết.
Cách phòng bệnh
Bệnh viêm màng não do vi rút không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng bị mắc bệnh. Hiện tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đang điều trị cho trên 40 bệnh nhân viêm màng não. Chỉ tính riêng trong tối 18/4, trong số 9 bệnh nhân vào nhập viện thì có tới 8 bệnh nhân bị bệnh viêm màng não do vi rút.
Điều đáng nói là mặc dù trên thực tế, bệnh viêm màng não đang có dấu hiệu lây lan trong gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này mặc dù Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã gửi mẫu (máu, dịch não tủy, phân) ra Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm những vẫn chưa xác định rõ và phân lập được cụ thể loại vi rút gây bệnh là chủng vi rút gì, cơ chế gây bệnh như thế nào. Vì thế, việc điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Hiện vẫn chưa xác định rõ và phân lập được cụ thể loại vi rút gây bệnh là chủng vi rút gì
Theo Th.S.BS Võ Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Với các triệu chứng sốt, nôn, đau đầu (hội chứng viêm màng não), chúng tôi nghĩ nhiều đến viêm màng não do Enterovirus (vi rút đường tiêu hóa). Song để xác định rõ là chủng nào thì rất khó vì vi rút này có tới 15 chi, 300 loại.
Hiện nay, việc điều trị viêm màng não do vi rút chủ yếu là điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống co giật, nếu bất thường thì dùng kháng sinh và theo dõi sát sao để tránh diễn biến nặng. Bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày điều trị, không để lại di chứng.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì rất có thể bệnh sẽ chuyển biến nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu chuyển sang viêm não. Bệnh cũng có thể tái mắc nhiều lần. Thạc sĩ, bác sĩ Võ Mạnh Hùng cho biết thêm.
Theo dự báo thì bệnh viêm màng não do vi rút xảy ra phổ biến nhất trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nhanh, nặng, phức tạp nếu không được điều trị kịp thời.
“Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh viêm màng não do vi rút. Vậy nên để phòng bệnh, mọi người cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất diệt con vật trung gian gây bệnh; thường xuyên vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tại các trường học, nhà trường và giáo viên tránh cho các cháu sử dụng chung cốc nước, khăn mặt. Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống sôi, sát khuẩn tay thường xuyên và đặc biệt đeo khẩu trang khi có dấu hiệu bệnh để tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.
Khi xuất hiện các triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn, sốt cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để khám sàng lọc, điều trị kịp thời” Thạc sĩ, bác sĩ Võ Mạnh Hùng khuyến cáo.