Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An (CDC Nghệ An), tính từ đầu năm đến hết ngày 22/6, trên địa bàn ghi nhận 45 ca mắc sởi rải rác tại 11 huyện, thành thị. Ca mắc đầu tiên có triệu chứng khởi phát vào cuối tháng 3/2024, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm 16 ca mắc mới vào tháng 4, đến tháng 5 là 14 ca và tháng 6 là 15 ca.
Trường hợp mới đây nhất được CDC Nghệ An thông tin là bệnh nhi Nguyễn Đức T. (12 tháng) ở xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên. Đáng lưu ý, đây là trường hợp chưa tiêm vaccine sởi. Đây cũng là ca mắc thứ 8 trong 6 tháng vừa qua trên địa bàn huyện này. Cũng theo CDC Nghệ An, theo kết quả điều tra dịch tễ, ban đầu xác định nguồn lây ngoại lai và hiện tại chưa phát hiện thêm ca bệnh mới tại nơi trẻ sinh sống.
Theo thông tin dịch tễ tại bệnh viện, ngày 15/6, trẻ nổi ban rải rác ở mặt, ngực, bụng, mí mắt sưng nề, không đỏ mắt và tự điều trị ở nhà 4 ngày nhưng không đỡ. Đến ngày 16/6, trẻ được khám và nhập BV Nhi Trung ương. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với sởi. Hiện, bệnh nhi vẫn đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương. Vào lúc 8h sáng ngày 22/6, tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, các triệu chứng đã thuyên giảm.
Ngày 24/6, sau khi ghi nhận tình hình dịch bệnh ở Nghệ An, trong buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết: "Phòng chống dịch sởi ở Nghệ An đang cấp bách, số ca bệnh không dừng lại. Hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, các xã phường và các cơ sở khám điều trị kịp thời giám sát phát hiện các ca bệnh và điều trị sớm. Cần khoanh vùng, khu vực có bệnh nhi bị nhiễm.
Phải thành lập Ban chỉ đạo tại các bệnh viện, các thành viên trong ban chỉ đạo bao gồm cả Ban giám đốc, các thành viên tham gia là các chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ chuyên khoa, linh hoạt trong quy trình làm việc. Phải lên kế hoạch cụ thể, phòng chống dịch để nhanh chóng dập dịch tại Nghệ An", TS. Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh.
TS BS Chu Trọng Trang – Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều loại vaccine đã bị gián đoạn, trong đó có vaccine ngừa bệnh sởi. Trong số các bệnh nhi mắc sởi có 16 ca (chiếm 35,6%) là trẻ chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch sởi hiện nay.
Ngoài ra các ca bệnh xuất hiện rải rác trong cộng đồng, tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh và tình trạng tự điều trị khi bệnh mới có các dấu hiệu nhẹ dẫn đến khó kiểm soát, phát hiện sớm. Một số ca mắc xâm nhập từ địa bàn khác về tỉnh cao, làm tăng nguồn lây bệnh trong cộng đồng.
Chính vì thế, việc lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, nơi có bệnh nhân mắc sởi đang điều trị là nguy cơ tiềm ẩn, hình thành các ổ dịch và có thể lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
Giám đốc CDC Nghệ An khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh sởi cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, thủy đậu… tiêm chủng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Đồng thời người dân không chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch sởi cũng như các dịch khác, trong đó chú trọng tuyên truyền tiêm vaccine, đây là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Được biết, thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của vaccine và lợi ích của tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng gần đây thấp hơn những năm trước. Nguyên nhân được xác định là do sự tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.
Điều này dẫn tới có thể làm giảm tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Nghệ An tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo chuyên môn, tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và hoạt động tiêm chủng mở rộng.
Đồng thời rà soát đối tượng trẻ trên địa bàn toàn tỉnh, lịch sử tiêm chủng và triển khai tiêm bù, tiêm vét mũi vaccine sởi (cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi) và vaccine sởi – rubella (cho trẻ từ đủ 18 tháng tuổi) nhằm tạo miễn dịch cộng đồng bao phủ vaccine.
Chủ động giám sát các trường hợp nghi mắc bệnh tại các bệnh viện nhằm kịp thời phát hiện các ca nghi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện giám sát chủ động các ca bệnh tại các cơ sở y tế đóng trên địa bàn. Tiến hành điều tra xác minh, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường công tác truyền thông thường xuyên, liên tục để người dân biết cách phòng chống và đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.