Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, lúc 07 giờ 36 phút 45 giây ngày 27/12/2022 (Giờ GMT) tức 14 giờ 36 phút 45 giây ngày 27/12/2022 (giờ Hà Nội), tại tọa độ 19.072N - 104.594E thuộc địa phận huyện Tương Dương, Nghệ An đã xảy ra trận động đất có độ lớn 4.1 và độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Trận động đất có độ lớn 4.1 gây rung lắc mạnh ở khu vực xung quanh tâm chấn, người dân có thể cảm nhận rõ rệt hiện tượng đồ đạc bị rung lắc, rơi vỡ. Trận động đất không có thiệt hại về người và tài sản. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Ông Nguyễn Anh Minh (thị trấn Tương Dương, Nghệ An) cho biết khi ông đang ngồi trên ghế trong nhà thì thấy rung lắc khá mạnh kéo dài khoảng 5 giây. Nhiều nhà xung quanh cũng cảm thấy như vậy nên mọi người đều nghi là do động đất. Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở đây cảm nhận được rung lắc do động đất.
Trước đó vào tháng 10/2022, tại đây cũng liên tiếp xảy ra các trận động đất cường độ nhỏ. Cụ thể, vào lúc 2h55 ngày 31.10, một trận động đất có độ lớn 2,8 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ 19,142 độ vĩ Bắc, 104,458 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho hay người dân không nên quá lo lắng vì trận động đất này. Nghệ An cũng là một địa phương thường xảy ra động đất do nằm trong hệ thống đứt gãy Sông Cả. Thường thì các trận động đất có độ lớn 5.0 mô men trở lên mới gây thiệt hại.
Viện trưởng Viện vật lý địa cầu cũng cho biết, trận động đất ở Nghệ An có độ lớn 4.1 là độ mô men, không phải richter như một số tờ báo nêu. Thang độ lớn mô men (moment magnitude scale) là một cách đo độ mạnh động đất được phát triển năm 1979 bởi Tom Hanks và Kanamori Hiroo, để kế tiếp thang richter (thang độ lớn địa phương). Thực tế ngày nay, giới khoa học thường tính theo thang độ lớn mô men, vì thang richter cũ hơn không thích hợp với các độ lớn hơn 6,8.
Theo các nhà khoa học, tâm chấn động đất được ghi nhận không phân bố ngẫu nhiên, mà tập trung vào một số đới cụ thể. Ở miền Bắc, động đất xảy ra dọc các đới đứt gẫy Mường La - Bắc Yên, Sơn La, Sông Mã....
Trong lịch sử, trận động đất mạnh nhất ghi được trên hệ thống đứt gãy sông Cả là trận động đất mạnh 5,5 Richter năm 1821 tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 1986, một trận động đất mạnh 5 Richter đã xảy ra trên hệ thống đứt gãy sông Cả thuộc địa phận Lào làm chấn động các vùng Kỳ Sơn, Con Cuông của tỉnh Nghệ An. Thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy trong thế kỷ 20 đã ghi được 3 - 4 trận động đất có cường độ 5,1 - 5,3 Richter trên hệ thống đứt gãy sông Cả.
Khi xảy ra động đất, giới chuyên gia khuyến cáo người dân nên bám chặt vào một khung cửa, hoặc chui xuống bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc. Nếu ở ngoài trời thì người dân cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống. Nếu đang lái xe, bạn hãy cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đưa Hối Lộ Đăng Kiểm Viên Để Bỏ Qua Lỗi, Chủ Xe Có Bị Truy Tố Trách Nhiệm Hình Sự? | SKĐS