PV: Thưa ông, trước tình hình số lượng F0 không ngừng tăng, ngành y tế Nghệ An đã có phương án như thế nào để đáp ứng được việc thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19?
TS. BS CKII Đậu Huy Hoàn: Tính từ ngày 13/6 đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 993 bệnh nhân mắc COVID-19 ở 21 huyện, thành thị, trong đó TP Vinh 272, Quỳnh Lưu 142, Yên Thành 110… Dự báo tình hình số ca F0 có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Trước tình hình đó, ngành y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An thành lập các Bệnh viện Dã chiến để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đến thời điểm hiện tại tỉnh Nghệ An đã có 3 bệnh viện Dã chiến được kích hoạt đi vào hoạt động với số giường bệnh là trên 500 giường. Và ngày mai 25/8, ngành y tế Nghệ An tiếp tục đưa và sử dụng Bệnh viện Dã chiến số 4 với quy mô 250, giường bệnh.
Hiện nay, ngành y tế và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Du lịch Nghệ An đang tiếp tục khảo sát, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 5,6,7 với quy mô hơn 800 giường nữa.
Trước mắt, Sở Y tế giao trách nhiệm cho Bệnh viện Ung bướu Nghệ An khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các hạng mục, xây dựng khung nhân lực và trực tiếp điều hành hoạt động của Bệnh viện Dã chiến số 5 Nghệ An đặt tại Khách sạn Công Đoàn (Cửa Lò).
Như vậy, đã đạt được chỉ tiêu 1500 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn 1.
Với kịch bản 5000 giường bệnh, ngành y tế tiếp tục có các phương án 3500 giường và 500 giường để triển khai điều trị bệnh nhân COVID-19, với giường hồi sức khoảng 400 giường.
PV: Ngoài vấn đề chuẩn bị về giường bệnh, ngành y tế Nghệ An đã có phương án như thế nào để đảm bảo nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc men điều trị bệnh nhân COVID-19?
TS.BS CKII Đậu Huy Hoàn: Ngành y tế Nghệ An đã có phương án về nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng cách chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế trong toàn ngành lựa chọn cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong hồi sức…, tổ chức tập huấn nâng cao về nội dung chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và đây là nguồn nhân lực dự trữ để cung cấp cho các Bệnh viện Dã chiến.
Riêng về vật tư và thiết bị y tế, thuốc men, ngành y tế Nghệ An cũng đã dự trù và đưa ra phương án, hiện tại Nghệ An có trên 500 máy thở, cũng như hệ thống hồi sức, đồng thời chuẩn bị cả hệ thống oxy trung tâm và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động khi cần. Riêng thuốc, vật tư y tế, đồ bảo hộ, chúng tôi cũng đã có dự trù, chuẩn bị cho các phương án xấu nhất có thể xẩy ra.
PV: Phương án cho cách ly, điều trị các F0 không có triệu chứng tại nhà, đã được ngành y tế Nghệ An tính đến chưa, thưa ông?
TS.BS CKII Đậu Huy Hoàn: Với phương án điều trị F0 tại nhà, hiện nay ngành y tế Nghệ An đang cân nhắc về những ưu và nhược điểm của nó. Thời điểm hiện tại, việc điều trị F0 tại nhà chưa được tính đến.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!