PGS.TS. Dương Đình Chỉnh.
PV: Xin ông cho biết tình hình rà soát và cách ly công dân Nghệ An trở về từ Đà Nẵng trong 14 ngày qua?
PGS.TS. Dương Đình Chỉnh: Tính đến hiện tại, có trên 3.000 người Nghệ An trở về từ Đà Nẵng trong vòng 14 ngày qua. Riêng trong ngày 26/7/2020, có tới 670 người trở về từ Đà Nẵng. Những người này được cơ quan y tế giám sát chặt chẽ, yêu cầu tự cách ly tại nhà. 4 trường hợp về từ Đà Nẵng có nguy cơ cao hiện đang được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1, cả 4/4 người này âm tính với SARS-CoV-2.
Tại Nghệ An, hiện chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19; tình hình dịch đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tỉnh có nhiều nguy cơ COVID-19 xâm nhập và lây lan.
PV: Trước diễn biến mới của dịch, đặc biệt nguy cơ lây lan từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An đã triển khai những biện pháp phòng, chống nào?
PGS.TS. Dương Đình Chỉnh: Với tinh thần sẵn sàng đối mặt, sau khi xuất hiện bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng, ngày 25/7/2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã có những chỉ đạo kịp thời về việc tăng cường phòng, chống dịch gửi các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, các xã, phường, thị trấn, phòng y tế, trung tâm y tế rà soát, lập danh sách và thông báo ngay cho người dân đã đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi và tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19, yêu cầu cách ly theo quy định, thực hiện khai báo y tế và phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 theo quy định; lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nêu trên; yêu cầu cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế, cập nhật cho cán bộ y tế cơ sở tình hình sức khỏe 2 lần/ngày (sáng, chiều); thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế khi có biểu hiện nghi mắc bệnh (ho khan, sốt, khó thở,..).
Yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị y tế tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo mọi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ cách ly đối tượng tại các khu cách ly tập trung của huyện; tiến hành kiểm tra thân nhiệt và quan sát thể trạng, điều tra dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly theo đúng quy định và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện đúng quy định các biện pháp cách ly, các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại gia đình, các hộ có tiếp giáp trực tiếp (liền kề) và cơ sở lưu trú nơi có người bị cách ly; củng cố các đội cơ động phòng, chống dịch, đảm bảo công tác trực chống dịch 24/24h.
Ngành y tế cũng đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác khám sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát người bệnh tới khám chữa bệnh, hạn chế việc thăm, hỏi bệnh nhân tại các cơ sở y tế; rà soát trang bị thiết bị, thuốc, vật tư, phương tiện cần thiết cho các đội cấp cứu nội, ngoại viện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được điều động; yêu cầu các phòng, ban, đơn vị chuẩn bị tối đa cho công tác phòng, chống dịch giai đoạn 3.
Tại thời điểm này, các cấp, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đã và đang chủ động, khẩn trương rà soát, cách ly phòng dịch đối với các trường hợp công dân đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi trong vòng 14 ngày qua và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tặng quà cho trẻ ở khu cách ly.
PV: Ở thời điểm này, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở Nghệ An đang gặp khó khăn nào? Chúng ta cần có những giải pháp gì để khắc phục?
PGS.TS. Dương Đình Chỉnh: Cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã bước vào giai đoạn 3 của dịch COVID-19 với nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước. Ở giai đoạn 3 này, Nghệ An sẽ chịu ảnh hưởng dịch nhiều nhất khi mà lượng người Nghệ An đi du lịch, học tập, lao động, sinh sống tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi rất nhiều; Tính chất phòng, chống dịch cũng đã khác khi mà việc cách ly không thực hiện tại các khu tập trung như trước mà cách ly tại cộng đồng và cơ sở y tế. Điều này sẽ khiến công tác phòng, chống dịch khó khăn hơn, trọng trách của ngành y tế lớn hơn. Trong khi đó, thời điểm này, ngành y tế Nghệ An vẫn gặp những thiếu thốn nhất định về trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ... Về phía người dân, sau một thời gian yên bình đã xuất hiện tư tưởng chủ quan với dịch.
Để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, ngành y tế nói riêng và các cấp, ngành, địa phương nói chung phải luôn chủ động trong việc giám sát cách ly, khai báo y tế, chủ động phát hiện nguồn nghi ngờ ở các địa phương và cơ sở y tế, không để lây lan rộng. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác truyền thông, nâng cao nhận thức phòng, chống dịch cho người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!