Niềm vui bất ngờ
Trước đó, vào ngày 26/8, chị Phạm Thị Soa, 36 tuổi, ở xóm 1, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương đã nhập viện, sinh con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương. Sau sinh, chị Soa không may gặp tai biến sản khoa mất máu cấp do băng huyết đờ tử cung. Tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng.
Bệnh viện đã quyết định cắt tử cung để cứu sản phụ Phạm Thị Soa. Vào thời điểm này, chị Soa mất máu rất nhiều. Máu chị thuộc nhóm O. Kho máu của bệnh viện chỉ còn 6/11 đơn vị máu cần thiết. Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương đã huy động 3 cán bộ y tế đến hiến máu cấp cứu. Đó là anh Nguyễn Trọng Linh, Nguyễn Viết Thắng và Nguyễn Văn Thông.
Nhờ “nguồn máu sống” do các nhân viên y tế hiến, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Đến sáng ngày 7/9, sản phụ đã bình phục sức khỏe, “mẹ tròn con vuông” và xuất viện.
Trước nghĩa cửa cao đẹp của những cán bộ y tế ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, ngày 12/9, Sở Y tế Nghệ An đã có quyết định số 1082/QĐ-SYT tặng giấy khen cho trưởng kíp mổ là bác sĩ Nguyễn Hải Linh và 3 nhân viên y tế đã hiến máu cứu sống sản phụ bị băng huyết.
Niềm vui của sản phụ Soa khi chuẩn bị được ra viện
Dược sĩ Hoàng Văn Hảo – Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương trao giấy khen cho 4 cá nhân nói trên, trao quà chúc mừng của Sở Y tế Nghệ An đến cho gia đình chị Phạm Thị Soa.
Đón nhận giấy khen của Sở Y tế Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Viết Thắng rất vui cũng như bất ngờ. Bác sĩ Thắng chia sẻ: Tôi nhận được điện thoại của khoa xét nghiệm bệnh viện là cần máu để cứu sản phụ Soa vào lúc gần 19 giờ tối ngày 26/7. Hôm đó, tôi được nghỉ trực và chuẩn bị ăn cơm. Sau đó khoảng 5 phút tôi và 2 nhân viên bệnh viện khác đã có mặt và hiến máu. Mỗi người hiến 1 đơn vị máu...
Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ đây cũng là chuyện bình thường nên làm bởi bất cứ thầy thuốc nào ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương cũng đều sẵn sàng chia sẻ nguồn sống của mình để cứu người bệnh cả. Chúng tôi luôn khắc ghi lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông: Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta. Vậy phải lo trước cái lo của mọi người, vui sau cái vui của mình. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự sự, không cần kể lợi kể công.
Ngân hàng “nguồn sống”
Quả thật, việc các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương hiến máu cứu người bệnh đã là một câu chuyện thường xuyên... Ở một huyện miền núi cách xa Trung tâm Huyết học và Truyền máu của tỉnh, rất khó khăn để Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương có thể chủ động nguồn máu cứu người. Chính vì vậy từ 3 năm nay, Bệnh viện đã thành lập ngân hàng máu sống ngay tại đơn vị. Tất cả các y bác sĩ đều tham gia Ngân hành nguồn sống này.
Bác sĩ Nguyễn Thịnh Khuyên – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương cho hay: Trong 2 năm 2015-2016, đã có trên 80 đơn vị máu được cán bộ viên chức hiến tặng cấp cứu kịp thời bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc sẻ chia nguồn sống, không kể cương vị, tuổi tác miễn là đủ sức khỏe, y bác sĩ bệnh viện đều thực hiện hoạt động ý nghĩa này
Từ đầu năm đến nay, ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương đã có nhiều câu chuyện cảm động về việc bác sĩ hiến máu cấp cứu: Ngày 13/2/2017, bác sĩ Cường, bác sĩ Xô đã hiến máu cứu bà Lê Thị Hồng, 76 tuổi, ở thôn 3, xã Thanh Thủy bị thủng dạ dày; Ngày 03/4, 5 cán bộ bệnh viện hiến máu cứu sản phụ Phan Thị Vinh, 35 tuổi, xóm Phượng Hoàng, xã Thanh Tùng bị băng huyết nặng.
Hiện nay, Ngân hàng máu sống của Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương không còn nằm giới hạn trong bệnh viện mà mở rộng với sự tham gia của nhiều cán bộ, đảng viên trong huyện. Ví dụ: Với riêng đồng chí Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – một thành viên Ngân hàng máu sống huyện cũng đã có 2 lần xung phong hiến máu cấp cứu bệnh nhân.
Phát biểu tại buổi lễ khen thưởng 4 cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, Dược sĩ Hoàng Văn Hảo nêu rõ: Dẫu bây giờ khoa học công nghệ đã rất phát triển song vẫn chưa có phát minh chất nào có thể thay thế máu người. Nghệ An hiện có Trung tâm Huyết học Truyền máu, tuy nhiên số lượng máu và chế phẩm máu đảm bảo cho công tác cứu người vẫn còn thiếu rất nhiều.
Để có đủ máu cứu người bệnh, 3 năm qua, hầu như ở tất cả các bệnh viện trong tỉnh đều đã thành lập cho mình một “Ngân hàng máu sống”. Ở đó, các y bác sĩ luôn hăng hái, sẵn sàng kịp thời cho máu cấp cứu bệnh nhân. Đã có rất nhiều câu chuyện sẻ chia sự sống cao đẹp được biết đến...
Đó là: Câu chuyện kíp 3 bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa được tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) đã hiến máu cứu sống sản phụ người Lào bị đờ tử cung, băng huyết sau sinh; Là chuyện 10 bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hiến máu cứu sản phụ Nguyễn Thị Kim Dung bị băng huyết, có dấu hiệu rối loạn đông máu vào đêm giao thừa và cứu cháu Hồ Thị Mỹ Duyên, 9 tuổi vào ngày mùng 3 Tết.v.v... Hàng năm, vào ngày hội “Giọt hồng Blouse trắng”, luôn có trên 2.000 cán bộ y tế đến từ 35 đơn vị y tế tuyến tỉnh tham gia hiến máu.
Ngành y tế Nghệ An đã và đang cố gắng nhận rộng thêm các Ngân hàng máu sống – nguồn sống để cứu bệnh nhân. Cùng với phong trào Bát cháo tình thương, Ngân hành máu sống chính là viên thuốc đặc hiệu xoa dịu nỗi đau của người bệnh./.