Gắn bó với cừu
Tỉnh Ninh Thuận được xem là vùng trọng điểm về nghề nuôi cừu của Việt Nam với số lượng khoảng trên 100.000 con cừu, tập trung chủ yếu tại các huyện huyện Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc.
Một số gia đình, dòng tộc ở Ninh Thuận truyền đời gắn bó với nghề chăn nuôi cừu. Họ tìm thấy ở công việc này niềm hạnh phúc giản dị dù đôi khi còn không ít nhọc nhằn, vất vả.
Từng trải qua nhiều năm tháng khó khăn, trước thềm xuân mới 2024, nhiều người nuôi cừu ở xã Phước Trung (huyện Bác Ái) chia sẻ, vùng đất này có điều kiện khắc nghiệt, tháng 3 đến tháng 10 hàng năm nắng nóng như đổ lửa, chỉ cừu là vật nuôi thích hợp nhất.
Vậy nên, các xóm nuôi cừu đều xác định, không chùn bước trước mọi khó khăn, nguồn thức ăn và nước uống khan hiếm, người nuôi cừu trồng thêm cỏ theo công nghệ tưới nước tiết kiệm.
Ông Thái Văn Sang (ngoài 50 tuổi, là người nuôi cừu nhiều năm ở thôn Đồng Giày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái) trải lòng, những ngày xuân chính là lúc các gia đình thong thả nhất để có thể đến thăm nhau, trao đổi cùng nhau các kinh nghiệm quý về nghề nuôi cừu. Từ đó, họ đặt ra mục tiêu và khát vọng nhân rộng đàn cừu trong năm tới.
Nghề này tuy vất vả nhưng cũng mang lại thu nhập khá. Đặc biệt là khi vận dụng cách nuôi kết hợp giữa thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã hoạt động hiệu quả đưa nước về tưới cho gần 40 ha đất tại thôn Đồng Dày (xã Phước Trung) nên người nuôi cừu không còn lo lắng vì khô hạn, cừu phát triển nhanh.
Sở hữu hàng trăm con cừu trưởng thành, gia đình ông Trần Cao Hòa và nhiều người nuôi cừu khác ở xã Phước Trung (Bác Ái) đang dần vươn lên khá giả. Họ chia sẻ, cừu ở vùng đất này nổi tiếng khắp vùng Nam Trung Bộ nên được rất nhiều người ưa chuộng.
"Những ngày giáp Tết năm nay, nhờ tiền bán cừu, không ít gia đình có đủ tiền sắm sửa ti vi, tủ lạnh… mới. Vui xuân năm nay rồi lại ước mong năm sau cừu tăng trưởng mạnh hơn, thời tiết thuận lợi hơn", ông Trần Cao Hòa nói.
Niềm vui với nghề nuôi cừu
Cũng giống các hộ gia đình nuôi cừu ở Bác Ái, hàng trăm gia đình ở Ninh Hải, Thuận Nam, xuân này tăng thêm niềm vui khi có thu nhập khá từ việc bán cừu thịt.
Theo nhiều người nuôi cừu, giá cừu thịt bán tại địa phương khoảng 100.000 đồng/kg, thời điểm xuống giá dù thấp hơn một chút nhưng vẫn đủ để nhiều gia đình có cái Tết ấm no. Trung bình, mỗi năm 1 con cừu mẹ đẻ được 2 lứa (mỗi lứa 1 đến 2 con), cừu con nuôi 7 tháng sẽ đạt trọng lượng gần 20kg, có thể xuất bán.
Không chỉ ở Nam Trung Bộ, nhiều thương lái từ tận TPHCM, Đà Nẵng… cũng gọi điện đặt hàng cừu Ninh Thuận để ăn Tết. Có người còn đến tận những cánh đồng cừu để chọn mua và thích thú khi thấy cừu nơi đây chỉ ăn cỏ tự nhiên và các phụ phẩm nông nghiệp từ chính ruộng, rẫy của người dân.
Không chỉ trở thành món ăn ngon, những đồng cừu ở Ninh Thuận còn góp phần "kéo" khách du lịch đến với địa phương nhiều hơn. Điển hình như đồng cừu An Hòa (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải), đồng cừu Phan Rang (TP. Phan Rang - Tháp Chàm)… mỗi năm thu hút hàng ngàn khách về ngắm cừu, chụp ảnh với cừu...
Là một trong những hộ chăn nuôi đem 50 chú cừu ra "dạo phố" ở TP. Phan Rang – Tháp Chàm, ở Ninh Thuận, anh Hà Nguyễn Huy Hậu (36 tuổi, thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) hào hứng: "Được khách du lịch khen cừu béo, đẹp, người nuôi như chúng tôi rất phấn khởi. Từ đó làm tăng thêm tình yêu với nghề, nâng cao chất lượng đời sống, hướng đến làm giàu. Cừu Ninh Thuận ngày càng được nhiều người biết đến, người chăn nuôi càng hạnh phúc".