Vì vậy vào mỗi dịp mùa xuân về trên cao nguyên đá, những bước chân lại rộn rã tìm tới hội chọi dê để cảm nhận một nét độc đáo trong đời sống, văn hóa của người H’Mông.
Hội chọi dê của người H’Mông tổ chức vào mùa xuân, thời điểm diễn ra các lễ hội dân gian cổ truyền như lễ Gầu Tào, lễ hội Lồng Tồng.
Chọi dê ở Hà Giang thường tổ chức tại các xã có truyền thống nuôi dê như Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng.
Trước khi vào trận đấu, mỗi chú dê phải đeo số báo danh và thi đấu ở các hạng cân khác nhau. Để tham gia thi đấu, mỗi "đấu sĩ" dê phải được chủ nuôi từ 3 năm trở lên, khỏe mạnh, có sừng cao, râu dài, nguồn gốc rõ ràng và không bị dịch bệnh.
Để chọn ra những chú dê khỏe nhất vào vòng chung kết các “đấu sĩ” dê phải thi đấu theo thể thức loại trực tiếp.
Những chú dê ngày thường hiền lành thơ thẩn kiếm ăn trên những sườn núi nay trở thành những đấu sĩ dũng mãnh trên sân đấu.
Những miếng đánh “hổ lao” mạnh mẽ…
đẩy nhau quyết liệt ...
… hay những pha“ghì sừng” của các đấu sỹ dê mang tới sự thích thú đặc biệt với khán giả.
Các đấu sỹ dê dùng cả những chiến thuật khéo léo, những pha ra đòn đẹp mắt nhằm vào đối phương, khiến người xem không thể rời mắt.
Chọi dê không có sự cay cú, được mất, hơn thua, không có những màn khốc liệt, đẫm máu...
…nhưng luôn đem tới người xem những giây phút sảng khoái, vui tươi, lành mạnh trong những ngày đầu xuân.
Sau những trận chọi căng thẳng, mãnh liệt, các “đấu sỹ dê” lại trở về quê hương, về với bầy đàn của mình. Những con dê to khỏe và đẹp nhất được người nuôi chọn ra để bảo vệ đàn, duy trì nòi giống, gìn giữ nguồn gen quý, chuẩn bị cho những mùa thi đấu sau.
Những năm gần đây chọi dê đã được đầu tư phát triển trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, giới thiệu rộng rãi tới nhiều địa phương trên cả nước, góp phần giúp các dân tộc anh em khác có dịp hiểu hơn về nền văn hóa H’Mông giàu bản sắc.