Ngày xét xử thứ 2 vụ tai biến chạy thận : Phó Giám đốc BVĐK Hòa Bình được triệu tập đến tòa

16-05-2018 16:06 | Pháp luật

SKĐS - Ngày 16/5, ngày thứ 2 xét xử sơ thẩm vụ án tai biến chạy thận tại Hoà Bình, HĐXX tiếp tục xét hỏi 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc và các thành phần có liên quan trong đó có Phó Giám đốc, Trưởng Khoa hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình

HĐXX cũng đặt câu hỏi với ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Thời điểm xảy ra sự cố làm 8 người chết, ông Khiếu là Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa hồi sức tích cực. Khoa này có hai đơn nguyên là Thận nhân tạo và Hồi sức cấp cứu.

Nói về quy trình quản lý trang thiết bị, quy trình sữa chữa và vận hành sử dụng, ông Khiếu cho biết: Về việc quản lý trang thiết bị tại khoa HSTC cũng như Đơn nguyên thận thì phòng vật tư có giao cho khoa để quản lý sử dụng còn bảo dưỡng là phòng vật tư. Khi có thiết bị hỏng thì khoa báo lên phòng vật tư sau đó phòng vật tư đến kiểm tra xem hỏng những cái gì để mời bên sửa chữa.

Về quy trình sửa chữa, cần phải có phòng tài chính và phòng vật tư tham vấn cho giám đốc Bệnh viện để mời nhà thầu. Ông Khiếu cho biết việc theo dõi và giám sát sửa chữa là của phòng vật tư còn khoa chỉ giao và nhận lại sử dụng. Về hệ thống lọc nước số 2 bị sự cố thì nhân viên trong khoa phát hiện ra sau đó điều dưỡng báo cáo lại khoa và báo cáo lên phòng vật tư.

Ông Hoàng Đình Khiếu tại toà

Theo ông Khiếu, đề xuất sửa chữa 20/4/2017 chỉ ghi đề nghị sửa chữa còn chi tiết sửa chữa thế nào là phòng vật tư mời chuyên gia đánh giá tình hình. Khoa chỉ chịu trách nhiệm giao thiết bị cho phòng vật tư còn việc phòng vật tư giao cho bên sửa chữa là trách nhiệm của phòng vật tư.

Bác sĩ Hoàng Công Tình được phân phụ trách chung chuyên môn và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu, còn bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. “Việc phân công có họp, báo cáo trong giao ban và tất cả nhân viên đều biết có phân công nhưng không có văn bản dấu đỏ”, ông Khiếu nói.

Bác sỹ phụ trách có trách nhiệm khám chữa bệnh, điều hành và phân công một số công việc thường ngày của khoa. Những gì bất cập, không thực hiện được phải báo trưởng, phó khoa.

Về thiết bị máy móc, ông Khiếu nói theo quy chế quản lý, khi Phòng vật tư bàn giao phải có văn bản. Việc sửa chữa, bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của phòng này. “Khoa chỉ bàn giao cho phòng vật tư rồi nhận lại. Nếu Phòng vật tư không nói, lưu ý gì, chúng tôi sẽ sử dụng bình thường… Hôm xảy ra sự việc, không ai bảo tôi đã nhận lại hệ thống lọc nước RO”, ông Khiếu nói và cho biết Hoàng Công Lương có báo cáo việc sửa chữa hệ thông lọc nước nhưng không báo cáo đã sửa chữa xong. Khi sự cố xảy ra, bệnh viện không rõ nguyên nhân cho đến khi có kết luận điều tra.

Ông Khiếu cho biết sau khi sự cố xảy ra, ông đã gọi điện thoại xuống Trung tâm chống độc và Khoa thận Bệnh viện Bạch Mai để xin ý kiến chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện TP Hòa Bình thay vì ở lại Bệnh viện tỉnh. Vị Phó giám đốc này cho rằng đã làm hết sức tròn trách nhiệm khi xảy ra sự cố ngày 29/5/2017. Ông Khiếu cũng cho biết, thời điểm xảy ra sự cố 29/5/2017 có 3 bác sĩ và 11 điều dưỡng.


Bài, ảnh: Trần Lâm
Ý kiến của bạn