Vu lan giữa đại dịch

TS.BS Hoàng Cương

TS.BS Hoàng Cương

17-08-2021 11:33 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Ai cũng có cha mẹ. Ngày Vu Lan báo hiếu luôn là ngày trầm buồn của nỗi nhớ. Nỗi nhớ đau đáu, thổn thức vẫn là mẹ cha.

Những người thân, bạn bè đã ra đi vĩnh viễn cũng là những hoài niệm quặn đau mỗi khi có dịp, tình cờ hoặc có gì đó vô tình đánh thức.

Chẳng biết ai sống lâu hơn ai nhưng khi ta còn nghĩ đến họ nghĩa là họ vẫn còn sống bên chúng ta. Không phải là do hương khói hay lễ mọn của ngày hôm nay mà đã từ lâu lắm và rồi cả sau này nữa người đã khuất sẽ chỉ về bên chúng ta khi ta nhớ về họ, rưng rưng muốn sống bên họ mà chẳng thể được…đành chấp nhận quy luật muôn đời này.

Tôi cũng vậy! chẳng muốn xa rời nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài tua lại cuốn phim muôn màu về tuổi thơ êm đềm bên bố mẹ…

Ngẫm lại, anh em chúng tôi may mắn hơn người bởi có một người mẹ tần tảo, cho ăn no, mặc ấm không bị suy sinh dưỡng hay chết yểu qua suốt thời chiến tranh chống Mỹ rồi thời hậu chiến và bao cấp khó nhọc.

Thêm nữa, có người cha là chỗ dựa tâm hồn, phát triển nhân cách, hướng nghiệp và với tôi còn là thầy dạy nghề nữa.

Một ngày yên bình của chúng tôi bên bố mẹ thường là tiếng mẹ gọi dậy đi học ời ỡi. Tôi không nhớ mẹ tôi làm sao biết được đã đến giờ đi học để gọi được chúng tôi. Chiếc loa phường Liên xô màu trắng không phải lúc nào cũng kêu, đồng hồ mãi sau này bố mới mua được chiếc đồng hồ có con chim bồ câu trên mặt kính lượn vòng tròn. Nhưng mẹ luôn gọi chúng tôi dậy đi học đúng giờ. 

Chiếc bánh bột mỳ nướng hoặc luộc có nhân là những con mọt béo tròn hay ½ bánh mỳ nhân pate là tuyệt vời rồi. Còn lại có gì ăn nấy, bánh chưng mốc còn lại sau Tết, bánh nướng bánh dẻo Trung thu để dành lại, xôi lạc ngày rằm, lạc rang, chuối chín…Buổi trưa thường là cơm rau dưa vì lượng đạm trong ngày còn phải chờ phục vụ bữa ăn tối cùng với bố.  Bữa tối sẽ ngon hơn và vui hơn vì có đủ người trong nhà. Không được đùa nghịch hay chuyện rôm rả, bố tôi nghiêm lắm, mẹ tôi theo mẫu "Tam tòng, tứ đức" nên cũng theo ông một phép. Bát đũa ngay ngắn, cơm thường do mẹ xới, thức ăn ngon do bố phân phát, tiếng mời cơm râm ran từ chúng tôi kết thúc cả nhà mới vào bữa. 

Thời thiếu thịt và trứng đó luôn căng thẳng với tôi vì bài toán chén hết lượng đạm ít ỏi đó ngay hay đề dần dần đưa chúng vào bụng cùng với cơm. 

Khi ấy, tuổi thơ hồn nhiên  chúng tôi không hề biết rằng để có những miếng trứng, miếng thịt cho anh chị em tôi bố mẹ đã bao nhiêu ngày, bao nhiêu bữa không ăn những phần thức ăn đó…

Trong trí nhớ của tôi chỉ biết không ai trong bốn đứa chúng tôi bị suy dinh dưỡng hay bệnh tật, còn bố tôi không bao giờ nặng hơn 42 kg và mẹ thì ốm đau triền miên.

Sau này, khi anh chị em chúng tôi có điều kiện muốn bồi dưỡng cho mẹ thì mẹ chỉ còn lắc đầu mệt mỏi. Mẹ không thể ăn được.  Rồi trái tim ấy ngừng đập rồi đưa mẹ rời khỏi chúng tôi. Mẹ - lao lực vì chiến tranh, túng bấn vì đông con, kiệt lực vì sơ tán, bao cấp và bệnh tật!.

Bố sống lâu hơn mẹ nên cách rèn dũa, uốn nắn, hướng nghiệp của ông ảnh hưởng nhiều lên những đứa con của ông. Cách ông chăm sóc chúng tôi khá đặc biệt, tình cảm giấu kín bên trong, bên ngoài là kỷ luật và khuôn phép. 

Đám con choai choai của ông ngái ngủ ghê lắm, oằn oại mãi không dậy, nhất là khi mùa đông giá rét. Bố thương đàn con nên tiến hành một chăm sóc rất "nhân văn" theo cách nói bây giờ. Chiếc khăn mặt được ông giặt bằng nước ấm lau mặt lần lượt cho 4 đứa con, vừa đánh thức và vệ sinh luôn mà không bị choáng vì lạnh.

Cách bắt học, khuyến khích học, đề cao học hành của ông rất kiên trì và đặc biệt. Mỗi buổi tối chúng tôi đều phải ngả bàn ra học trước mặt ông. Không có bàn học, mỗi đứa có một tấm gỗ kê lên ghế làm bàn hoặc ngồi bò lên giường. Không có đèn điện thì đèn dầu to làm nguồn sáng chung, đèn dầu bé phân phát cho các con. 

Ông cũng luôn học đọc cái gì đó cùng các con để giám sát hay cùng khổ với các con. Chỉ thứ tư và chủ nhật chúng tôi có giờ để sang hàng xóm xem phim trên TV, còn lại cứ đều như vậy ngày qua ngày, tháng năm trên tháng năm… Cũng được một cái là bố mẹ chúng tôi luôn nở mặt mày sau những kỳ tổng kết học kỳ của các con.

Không chỉ học hành. Các kỹ năng sống, phép ứng xử, lẽ sống trên đời đều được bố bền bỉ giảng giải, truyền thụ. Người hấp thu ít, người nhiều, có lúc cảm thấy khó nghe hay cảm thấy mất tự do nhưng khi đầu đã hai thứ tóc, chúng tôi đều thầm cám ơn: mẹ đã nuôi nấng, cha đã dạy dỗ.

Tôi nhớ từ bài học xúc miệng nước muối hay chải răng ra sao cho đúng của bố. Cách dùng dao, rửa dao kéo sao cho an toàn.

Tôi nhớ mãi giọt nước mắt và tiếng rên rỉ thương xót của bố khi phát hiện quả móc-cọp thấm đẫm máu tay của tôi khi vụng về gọt vỏ nó. Từ đó tôi không thể quên bài học về dùng dao.

Rồi sau này bố lại mở mang thêm kiến thức không phải chỉ việc dùng dao mà còn là kỹ năng khi làm việc vặt. Lớn thêm nữa còn là nhắn nhủ của ông: việc lớn hay việc nhỏ đều phải cẩn trọng, dồn cả tâm trí vào nó, khinh thưởng việc nhỏ đôi khi sẽ làm hỏng việc lớn. Kiên trì, bền bỉ là đức tính lớn của bố mà tôi chỉ học được phần nào.

Những chuyến bố con về quê với nhau là những kỷ niệm không thể nào quên. Không ai nghĩ là tôi 12 tuổi với bố gày còm 42 tuổi của mình một năm hoàn thành vài bận đạp xe về quê 60 km đi rồi về. Từ sáng sớm đến chiều tối mới tới nơi, có cả ngày hè ướt sũng mồ hôi đến những ngày đông giá rét, gió thổi lật mặt.

"Con đừng nghĩ đến cái đích phải đến, mà phải thả hồn vui chơi tìm hiểu khi đi đường, mãi rồi cũng đến, có như vậy mới không bị phí hoài thời gian và giảm cảm giác sốt ruột"- bố luôn nói với tôi trong những hành trình dài như thế của hai bố con.

Những chuyến đi như vậy đầu tiên giúp tôi biết lắp lại xích tuột, rồi vá xe, sau này nữa là có thể tháo lắp một chiếc xe đạp.

Cuốn sách tôi vừa đọc có câu kết luận mênh mang: tuổi thọ không phải là cái đích đến của đời người. Chúng ta đã đi thế nào trên đường đời mới là quan trọng. Thấy sao giông giống răn dạy của bố cho tôi ngày 12 tuổi.

Tâm hồn trong trẻo của bố lan truyền đến tôi khi hái trộm bông sen bên đường cho tôi, rồi làm trò đập cây xấu hổ khiến tôi cười khanh khách: lạ thế sao nó lại biết cụp xuống khi bị va đập. Lớn thêm chút nữa ông giảng giải cho tôi biết đó là do bơm ion của tế bào bị kích hoạt. Khi hai bố con đã là bác sĩ thì cùng thống nhất là do hệ bơm trao đổi chất ở cuống lá làm nước thoát ra ngoài, tế bào xẹp xuống, gây hiện tượng rũ lá. Ông là bố, là thầy rồi sau này chút năng khiếu thơ văn, âm nhạc tôi cũng được di truyền kha khá từ ông.

Nghề bác sĩ mắt ông truyền cho từ năm 1994 mãi đến năm ông xa tôi 2018 mới dừng lại vĩnh viễn. Học tập suốt đời là cái đầu tiên tôi học được từ bố. Suốt đời bố đã là tấm gương như vậy, tôi cứ việc học theo. Đọc sách, ghi chép từ các thầy, tự đúc rút rồi nhờ ngoại ngữ, thông qua internet, e-learning sau này nữa.

Việc học hành cứ thế theo mãi cho dù sự nghiệp có thể không thành. Bản lĩnh để hành nghề phải luôn có trên nền kiến thức. Sau đó là tay nghề do rèn luyện mà thành.

Bố không đao to búa lớn về y đức, bố chỉ nhấn mạnh: muốn giúp được bệnh nhân thay vì hại họ thì con phải cúi xuống công việc, cúi xuống với bệnh nhân cả về nghĩa bóng và nghĩa đen. Ý ông là sự chăm chỉ, tinh tế khi tương tác với người bệnh là phẩm chất sống còn của nghề y.

Bản lĩnh cần có không những trước bệnh hiểm, ca khó mà còn là trước bệnh nhân manh động và ham kiện tụng, trước cám dỗ vật chất và nguy cơ phạm pháp nữa. Bố đều có những ví dụ đau đớn và nhớ đời để răn đe tôi khi đã là đồng nghiệp, là người thầy, người cha tuổi xế bóng còn tôi đã bước vào tuổi trung niên.

Mũi tiêm mắt đầu đời, cách ông tháo băng nhẹ nhàng hơn cả cô điều dưỡng nhẹ nhàng nhất của bệnh viện tôi bây giờ, cách tháo lắp mắt giả, khám và mô tả tổn thương đáy mắt… là những bài học lâm sàng theo tôi đến tận bây giờ.

Giữa ngày dịch khốc liệt. Những ngày buồn bã đã và đang trải qua khiến cho ai đã đủ tuổi chín đều ít nhiều nghĩ đến ngày trăm tuổi, ngày đoàn tụ với những người đã lâu lắm không được gặp, dù thương nhớ lắm lắm. 

Thôi thì cứ nhớ về nhau, để nhắc nhở thêm về ý nghĩa của những ngày đang sống, thêm trân quý nó. Mong lắm và cũng thường mơ về những ngày êm đềm không có dịch, về ngày xưa bên mẹ cha.

Vu Lan 2021

Bác sĩ Hoàng Cương
Ý kiến của bạn