Trong số rất nhiều những ca sĩ của chế độ Sài Gòn cũ, có hai người tôi thích nhất. Đó là Nữ hoàng chân đất Khánh Ly và Con nhạn trắng Gò Công Phương Dung ! Nhưng mê nhạc Trịnh, nên tôi yêu Khánh Ly hơn. Khánh Ly hơn Phương Dung 1 tuổi, bà sinh năm 1945 tại Hà Nội với tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sau theo gia đình vào sinh sống tại Đà Lạt năm 1954. Nói yêu Khánh Ly có sao không nhỉ ? Nhưng có ai yêu nhạc Trịnh mà không yêu Khánh Ly và ngược lại !
Khánh Ly mê ca hát từ nhỏ. Ngay từ năm 9 tuổi, bà đã tham gia một cuộc thi hát của nhạc sĩ Anh Việt. Năm 11 tuổi, bà từ Đà Lạt về Sài Gòn dự cuộc thi tuyển tiếng hát nhi đồng do Đài Pháp Á tổ chức.
Năm Khánh Ly tròn 20 tuổi, năm 1965, tình cờ chàng nhạc sĩ tài hoa xứ Huế đã nghe Khánh Ly hát và người nhạc sĩ họ Trịnh đã hiểu rằng đây là một giọng hát tuyệt vời để hợp với dòng nhạc riêng biệt của ông. Trịnh đã vô cùng sửng sốt và thích thú khi nghe Khánh Ly thể hiện tình khúc Hạ Trắng và ông nói: Sẽ không còn có ai hát Hạ trắng hay hơn Khánh Ly. Từ hôm đó, cuộc đời của cô ca sỹ gốc Hà thành đã gắn với cuộc đời Trịnh như định mệnh, như một mối " duyên trời âm nhạc"...
Trong tất cả những ca sỹ của chế độ Sài Gòn cũ, Khánh Ly đã tự chọn cho mình một con đường đi không giống ai. Một con đường đầy truân chuyên và sóng gió của một tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, phiêu bồng và đầu ắp đam mê ca hát. Khánh Ly có một giọng ca không bóng bẩy kiêu kỳ, không lên gân lên cốt nhưng lại cảm người nghe đến mức ru hồn. Tâm hồn ấy, giọng hát ấy và niềm đam mê ấy đã gắn một quãng đời gần 10 năm đi hát như hình với bóng cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bắt đầu từ đêm hát tại đại học Văn Khoa Sài Gòn (cuối năm 1965 ). Để rồi sau đó cặp tình nhân âm nhạc cùng nhau đi hát không biết bao nhiêu đêm hát không công ở sân cỏ các trường đại học và trong các phong trào sinh viên. Đa phần tại Quán Văn, một quán lá trên nền gạch vỡ đằng sau đại học Văn Khoa. Nơi cô được gọi với những cái tên đầy
âu yếm " Nữ hoàng chân đất", "Nữ hoàng sân cỏ" ...
Khánh Ly chính là người đầu tiên đã tổ chức những sô diễn riêng của mình. Hát cả đêm và chỉ hát một mình. Đã có một câu chuyện về cái tên "Nữ hoàng chân đât". Hồi đó vì mới đi hát, trước đám đông và hát quá nhiều giờ, Khánh Ly đứng không còn vững trên đôi giày cao gót. Cô đã vịn vào vai của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi đó nhạc sĩ họ Trịnh đã nói: Hãy bỏ tay ra, đứng hát cho nghiêm chỉnh ! Và Khánh Ly đã quyết định cởi bỏ đôi giày đứng trên đôi chân trần hát suốt đêm mấy chục bài cho đám đông khán giả đang say sưa thưởng thức. Mười năm đi hát ấy, Khánh Ly đã nói: đó là quãng thời gian tôi hát và sống trong nghèo đói. Có nhiều khi không có một xu. Nếu không có niềm đam mê ca hát chảy trong dòng máu của tôi thì tôi đã không thể cùng anh Sơn đi hát suốt 10 năm mà không có một xu như thế "...
Khánh Ly lưu diễn tại Nga đầu năm 2014.
Còn người nhạc sĩ họ Trịnh cũng đã khẳng định: "Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng. Trên tình bạn ". Định mệnh đã gắn kết hai người bằng tình yêu ca hát. Có nhiều người nói, trời dinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Khánh Ly luôn coi Trịnh Công Sơn như một người bạn, như một người anh, người thầy... Khi nghe tin Trịnh Công Sơn mất, Khánh Ly đã thốt lên : Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn !
Là một trong những ca sĩ tiêu biểu của dòng tân nhạc, ngoài nhạc Trịnh, Khánh Ly cũng rất thành công với nhiều nhạc phẩm tiền chiến của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trần Tử Thiêng, Vũ Thành An ...
Sau năm 1975, Khánh Ly ra nước ngoài sinh sống nhưng bà luôn đau đáu với quê hương và nỗi ngậm ngùi thương nhớ Trịnh. Đã hai lần lỡ
hẹn với Hà Nội, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tháng 5 này Khánh Ly sẽ hát cho những người yêu quí bà tại thủ đô, một ước muốn bao năm bà từng mong mỏi. Tiếng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh chắc chắn sẽ ru hồn tất cả những ai yêu bà và yêu nhạc Trịnh ...
Trịnh Đình Nghi