Nhân kỷ niệm ngày Tránh thai Thế giới năm nay, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các đơn vị tài trợ tổ chức Hội thảo hưởng ứng ngày Tránh thai Thế giới 26/9, với mục tiêu nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai… Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID -19, Ban tổ chức đã quyết định tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tuyến.
36% vị thành niên quan hệ tình dục mà không có biện pháp bảo vệ
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cuc trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế hàng năm có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25..., liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu.
Ngày tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình phát biểu tại Hội nghị
Ngoài ra, mục tiêu của ngày tránh thai Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe sinh sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Mặc dù, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về BPTT hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%.Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê thì cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.
Chính vì lẽ đó, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai. Đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa
Lãnh đạo Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình ký kết “Chương trình Truyền thông kế KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng”
Phòng tránh thai mang lại lợi ích gì?
Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Vì thế, phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích
Thứ nhất là chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động về thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng. Đó là làm cha mẹ có trách nhiệm. Việc tránh thai giúp mỗi người trong độ tuổi sinh đẻ cả nam lẫn nữ trở thành những cha mẹ có trách nhiệm. Ngành Dân số và các ngành liên quan cần truyền thông để nâng cao ý thức làm cha mẹ có trách nhiệm cho mỗi người dân.
Thứ hai là nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Phòng tránh thai giúp hạn chế số con, không sinh quá nhiều để có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản….
Ngoài ra, phòng tránh thai có thể tránh được một số tai biến sản khoa và tránh được một số bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Tại Hội thảo hôm nay, Tổng Cục DS-KHHGĐ và Bayer Việt Nam đã thực hiện Lễ ký kết giữa 2 bên về kế hoạch 5 năm (2021-2025) cho giai đoạn 2 của “Chương trình Truyền thông kế KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng”, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn việc sử dụng biện pháp tránh thai như là một phần của KHHGĐ, từ đó giúp họ có những quyết định đúng đắn về việc sử dụng biện pháp tránh thai để có cuộc sống chủ động và tốt đẹp hơn.
2.Hãy chủ động sử dụng biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn.
3.Hãy tham gia tư vấn tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.
4.Kế hoạch hóa gia đình là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng.
5.Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.
6.Sử dụng biện pháp tránh thai là chìa khóa của hạnh phúc.
7.Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì tương lai, hạnh phúc của chính bạn.