Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương về hoạt động ý nghĩa này.
PV: Xuất phát từ lý do gì, tỉnh Bình Dương phát động phong trào Ngày thứ bảy văn minh? Mong đợi của lãnh đạo tỉnh Bình Dương về phong trào Ngày thứ bảy văn minh như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Thực hiện Chương trình hành động của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI về nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 02, ngày 23/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về "Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh" trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Đề án 02).
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án 02, tỉnh Bình Dương đã phát động thực hiện Ngày thứ bảy văn minh trên địa bàn tỉnh với mong muốn: Thứ nhất là tuyên truyền, vận động toàn dân, tất cả các ngành, các địa phương, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… tích cực tham gia thực hiện các hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa, văn minh nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực, thay đổi nhận thức, hình thành thói quen, ý thức hành động của mỗi người trong giao tiếp, ứng xử đối với cộng đồng và môi trường sống, xây dựng hình ảnh người Bình Dương văn hóa, thân thiện, nghĩa tình.
Thứ hai, là huy động sức dân, sức người, sức của và các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là phát huy vai trò, tiên phong gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên cùng gia đình và sự tự giác, tự nguyện của từng cá nhân trong việc tham gia thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh nơi công sở, nơi cư trú và nơi công cộng và tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ, khơi dậy sức mạnh văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xanh – sạch – đẹp - nghĩa tình.
PV: Đến nay sau một thời gian thực hiện Ngày thứ bảy văn minh kết quả ra sao, có điều gì cần rút kinh nghiệm để mỗi ngày thứ bảy là ngày hội của người dân?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Ngày thứ bảy văn minh được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Từ khi triển khai đến nay, có thể nói Ngày thứ bảy văn minh là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, có sức lan lỏa rộng khắp, được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ, hưởng ứng và tích cực tham gia với nhiều hoạt động rất hiệu quả, ý nghĩa như trồng cây xanh, chỉnh trang đô thị, làm sạch, đẹp các tuyến đường, con hẻm, thực hiện các tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu, tuyến phố bích họa, khu phố không rác, khu nhà trọ văn minh… đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn Bình Dương.
Đặc biệt là qua thăm dò, chúng tôi nhận thấy ý thức tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh của người dân được nâng lên, nhiều hành động của người dân về nói lời hay, làm việc tốt, phong cách sống đẹp, thân thiện, thiện nguyện, tự nguyện hành động vì cộng đồng ngày càng nhiều, nhất là việc tham gia bảo vệ môi trường, đóng góp tiền của, công sức làm đường giao thông nông thôn, đường hẻm khu dân cư, chỉnh trang đô thị góp phần tạo nên diện mạo văn minh đô thị, sức sống mới ở khu dân cư.
Qua thời gian ngắn triển khai thực hiện Ngày thứ bảy văn minh, chúng tôi thấy đây là hoạt động hiệu quả, thường xuyên thực hiện tại cơ sở, không hề có kinh phí hoạt động, tất cả hoàn toàn là tự nguyện, vận động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân nên cũng cần có nguồn kinh phí từ tỉnh và các địa phương để động viên, khen thưởng kịp thời đối với nhưng tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp, có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện Ngày thứ bảy văn minh tại cơ sở, nhất là các khu ấp, khu phố. Đồng thời tuyên truyền, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả của các địa phương trên toàn địa bàn tỉnh.
PV: Như bà vừa đề cập, Ngày thứ bảy văn minh thực sự hiệu quả, không hề có kinh phí hoạt động, phần lớn đến từ đóng góp từ các mạnh thường quân. Người dân rất mong muốn tỉnh sớm hướng dẫn để doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia vào cuộc vận động này nhiều hơn nữa. Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có định hướng như thế nào để các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia với người dân, khu phố? Phong trào thực hiện Ngày thứ bảy văn minh sẽ thực hiện kéo dài bao lâu? Có kết thúc tổng kết phong trào này hay không?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Với những mong muốn của người dân gửi đến chúng tôi, trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ tham mưu để thực hiện nội dung như nhà báo đã đề cập.
Theo kế hoạch, trong tháng 1/2025, Ban chỉ đạo Đề án 02 của tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức sơ kết đánh giá thực hiện Ngày thứ bảy văn minh, qua đó sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Trong chương trình, Ngày thứ bảy văn minh thực hiện trên địa bàn từ tháng 6/2024 đến tháng 12/2025. Tháng 12/2025, tiến hành tổ chức tổng kết. Qua quá trình thực hiện chúng tôi thấy rằng đây là mô hình rất hiệu quả, nhận được sự tham gia đóng góp rất lớn về tinh thần, sức người, vật chất của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh nên việc thực hiện Ngày thứ bảy văn minh tiếp tục được thực hiện và nuôi dưỡng mô hình này ngày càng thêm hiệu quả, chất lượng hơn, để mỗi ngày thứ bảy trở thành ngày ý nghĩa và hạnh phúc của người dân Bình Dương.
PV: Cảm ơn bà!
Ngọc Đức – Anh Tuệ