Từ nhóm thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng...
Cho dù thời gian đã lùi xa 19 năm rồi nhưng người dân Đồng Tháp nói riêng và vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long nói chung vẫn không thể nào quên được sự tàn phá kinh hoàng của cơn lũ thế kỷ năm 2000, đặc biệt là vào thời điểm “Nước ngập Long An, lũ tràn Đồng Tháp”. Bây giờ nghĩ đến cũng chẳng ai tin về cả một biển lũ mênh mông nước bạc ấy: Hệ thống giao thông của toàn tỉnh Đồng Tháp chỉ còn lại một đoạn thuộc tuyến tỉnh lộ 843 từ thị trấn Thanh Bình của huyện Thanh Bình đến thị trấn Tràm Chim của huyện Tam Nông là không bị ngập, nổi lên giữa biển lũ như một sợi chỉ trên nền nước bạc còn các vạt tràm của Vườn quốc gia Tràm Chim nhìn từ trên cao chẳng khác gì những cụm nấm xanh trên “một sa mạc nước”. Xuồng ghe qua lại trên đường phố; giăng cầu, thả lưới trên quốc lộ; 14kg cá linh mới đổi được 1kg bông điên điển, rồi “cá cháo” thay cho “cháo cá”... Người dân, đặc biệt là dân nghèo phải gánh chịu bao nỗi đau, mất mát từ cơn lũ lịch sử này! Cạn kiệt sức lực vì phải chống chịu với lũ dữ, nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi theo cơn hồng thủy, đến khi lũ rút, người dân lại phải gồng mình lên để khắc phục hậu quả. Cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc! Cả nước vì Đồng Tháp! Chưa bao giờ thiên chức “Thầy thuốc như mẹ hiền” của đội ngũ thầy thuốc ngành y tế Đồng Tháp lại được phát huy cao độ đến thế và chính trong hoàn cảnh đó, một nhóm thầy thuốc trẻ hoạt động thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng - nay là Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp - do BS. Đoàn Tấn Bửu khởi xướng đã được ra đời và đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, nhóm sẽ tự nguyện đi khám và điều trị bệnh cho người dân ở khắp các huyện, thị của tỉnh vào ngày thứ bảy trong tuần, được phân chia theo từng tổ.
Khám cho người già tại Phòng khám nhân đạo.
...Đến phòng khám nhân đạo giàu tính nhân văn
Hoạt động được gần một năm, Nhóm Thầy thuốc trẻ hoạt động thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng tự thấy: Hiệu quả do mô hình mang lại có ý nghĩa rất lớn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như đường sá, địa điểm, thuốc men,... nên BS. Đoàn Tấn Bửu đã mạnh dạn đề xuất thành lập Phòng khám nhân đạo dành cho bệnh nhân nghèo hoạt động cố định tại thị xã Cao Lãnh - nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - vào ngày nghỉ thứ bảy trong tuần. Một ý tưởng hay, cả nhóm đồng tình, vậy là bắt tay vào làm. Thành lập Nhóm Thầy thuốc trẻ hoạt động thiện nguyện từ con số 0, nay mở Phòng khám nhân đạo cũng từ con số 0, ngoại trừ nguồn nhân lực, bao khó khăn bộn bề đang chờ các “mẹ hiền” ở phía trước. Mở phòng khám nhất thiết phải đảm bảo thủ tục đúng theo qui trình. Để đảm bảo tư cách pháp nhân cho phòng khám hoạt động, BS. Đoàn Tấn Bửu chủ động đứng tên làm thủ tục chịu trách nhiệm chuyên môn cho phòng khám và được Sở Y tế Đồng Tháp cấp giấy phép hoạt động. Việc làm này đồng nghĩa với chuyện BS. Đoàn Tấn Bửu sẽ không được mở phòng mạch riêng cho gia đình mình. Để phòng khám đi vào hoạt động sớm được ngày nào hay ngày đó, đội ngũ thầy thuốc ngành y tế Đồng Tháp cùng lực lượng đoàn viên Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đều khẩn trương hoàn thành các phần việc được giao. Là phòng khám nhân đạo nên khi đăng ký hoạt động được miễn thuế hoàn toàn, Tỉnh Đoàn Đồng Tháp cũng mở rộng vòng tay đồng hành cùng phòng khám bằng cách cho phòng khám mượn cơ sở của đơn vị ngay tại Công viên Thiếu Nhi ở thị xã Cao Lãnh để làm trụ sở nên Phòng khám nhân đạo của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã được khai trương vào tháng 5 năm 2001. Sự ra đời của Phòng khám nhân đạo được xem như một công trình của tuổi trẻ Đồng Tháp báo công dâng Bác Hồ kính yêu nhân kỷ niệm 111 năm ngày sinh của Người! Có Phòng khám nhân đạo, vui nhất là người nghèo. Không chỉ ở thị xã Cao Lãnh mà bà con ở các huyện, thị trong tỉnh và 2 tỉnh giáp ranh là An Giang và Tiền Giang cũng tìm đến “địa chỉ đỏ” này để được khám và điều trị với số lượng bình quân một đợt (1 ngày/tuần) 350 bệnh nhân với đủ các loại bệnh thường gặp. Để phục vụ tốt nhất việc khám và điều trị bệnh cho bà con, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch nhân sự, đảm bảo phòng khám luôn đủ về số lượng y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và nhân viên phục vụ, cụ thể: Tuần thứ 1 và thứ 2 do đội ngũ thầy thuốc BVĐK Đồng Tháp đảm nhận, tuần thứ 3 do các thầy thuốc ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh phụ trách, tuần thứ 4 là công việc của đội ngũ thầy thuốc tại Bệnh viện Quân dân y và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh trực. Ngoài số lượng y bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng còn có sự tham gia của lực lượng đoàn viên Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, thầy cô giáo và sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Tháp với tinh thần xung kích vì sức khỏe cộng đồng. Được hỏi về lý do tham gia công việc tại Phòng khám nhân đạo, bạn Trần Thị Tuyết Ngọc - Chuyên viên Văn phòng Tỉnh Đoàn Đồng Tháp - chia sẻ: Tuy không có chuyên môn về ngành y nhưng em tự thấy hoạt động của phòng khám quá ý nghĩa nên chúng em tình nguyện thay phiên nhau đến đây để phụ tiếp các cô chú, anh chị thầy thuốc bằng công việc gọi tên bệnh nhân, ghi tên bệnh nhân vào toa thuốc, ghi sổ theo dõi và hướng dẫn bệnh nhân vào bàn khám bệnh... Công việc tuy nhỏ nhặt vậy nhưng mừng lắm!
Đã hơn 10 giờ nhưng số lượng bệnh nhân ngồi chờ ngoài phòng khám vẫn rất đông. Tranh thủ khoảng thời gian chờ gọi tên bệnh nhân vào phòng khám, tôi đến hỏi thăm bà cụ Lê Thị Khuyên - 85 tuổi ở rạch Cái Tôm, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được cụ chia sẻ: Bà bị bệnh huyết áp, thiếu máu não, ngứa toàn thân... Là hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế nhưng tuần nào bà cũng đến đây khám và nhận thuốc về nhà uống theo hướng dẫn của thầy thuốc. Trúng thầy, trúng thuốc nên bệnh của bà đã đỡ nhiều rồi. Thầy thuốc ở đây tận tình lắm. Vất vả là vậy mà thăm khám rồi cấp thuốc cho bệnh nhân thì ai ai cũng vui vẻ, tươi cười, người bệnh hài lòng và tin tưởng lắm.
Vừa quay trở lại phòng khám, tôi giật mình vì tiếng khóc quá lớn của một bé trai khi thầy thuốc đang ấn nhẹ vào những mụn nước đã xẹp dần trên tay. Chờ cho cháu được khám và nhận thuốc xong, tôi đến gặp anh Hà Tấn Trường ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh để hỏi thăm về bệnh tình của con trai anh và được anh cho biết: Cháu Kha nhà tôi năm nay 8 tuổi, cháu bị ho và mụn nước nổi đầy người, đi khám và điều trị ở phòng mạch tư hơn tháng nay nhưng không khỏi. Đến Phòng khám nhân đạo và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc được 2 tuần rồi, bệnh của cháu đỡ nhiều lắm, nghe bác sĩ nói uống thuốc tuần này nữa là bệnh của cháu sẻ khỏi hoàn toàn, tôi mừng lắm.
Không chỉ có bệnh nhân mà đội ngũ thầy thuốc ở Phòng khám nhân đạo này ai cũng tìm thấy niềm vui trong công việc thiện nguyện của mình. Dược sĩ Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ: Tôi tham gia hoạt động thiện nguyện của Phòng khám nhân đạo này ngay sau khi nghỉ hưu, 5 năm qua, hễ đến ngày thứ bảy là chúng tôi lại quy tụ về đây để thăm khám và cấp thuốc điều trị cho bà con, mỗi tuần 1 buổi nhưng ai cũng tự thấy hài lòng với công việc của mình, công tác nhân đạo mà! Tuy không còn làm việc trong ngành y tế nhưng BS. Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn gắn bó với Phòng khám nhân đạo như thuở nào trong suốt 19 năm qua; hàng tuần, vào sáng thứ bảy, BS. Đoàn Tấn Bửu vẫn thường xuyên có mặt tại phòng khám để điều hành công việc với vai trò là người đảm nhận công tác chuyên môn, những buổi bệnh nhân đông thì trực tiếp khám và kê đơn cùng đồng nghiệp. Nhìn anh thăm khám, dặn dò và hướng dẫn bệnh nhân, ai cũng hết sức cảm động.
BS. Đoàn Tấn Bửu dặn dò bệnh nhân.
Và lan tỏa tình yêu thương
Kể từ ngày Phòng khám nhân đạo của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp được thành lập, những khó khăn ban đầu theo tiên liệu của đội ngũ thầy thuốc trẻ đã được khắc phục nhanh chóng bởi Phòng khám nhân đạo của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp thực sự là “một địa chỉ đỏ”, là biểu hiện sinh động về ý thức trách nhiệm, về tinh thần tương thân tương ái của đội ngũ thầy thuốc, họ đã và đang lặng thầm thực hiện lời thề Hippocrate, lặng thầm hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người dân nghèo. Thiên chức của người thầy thuốc đã lan tỏa trong cộng đồng. Ở đời, chẳng gì có sức lan tỏa nhanh, nhiều và ngon ngọt như hoa trái của lòng nhân ái và đức hy sinh vì cộng đồng nên nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm không phân biệt già trẻ, giới tính, đẳng cấp, địa vị, giàu nghèo đã đến tiếp sức cho Phòng khám nhân đạo. Hai công ty dược phẩm ở Đồng Tháp tình nguyện cung cấp thuốc cho phòng khám. Các phương tiện như tủ thuốc, bàn ghế làm việc của thầy thuốc do các cửa hàng vật liệu trang trí nội thất trong thành phố tài trợ; ghế ngồi và ô dù dành cho bệnh nhân do các hãng cà phê và cửa hàng bách hóa trên địa bàn tặng rồi các nhà hảo tâm tuy nhà cửa của gia đình còn chật chội nhưng tấm lòng luôn rộng mở bởi họ luôn sống theo triết lý vì cộng đồng cũng lặng thầm đóng góp cho phòng khám bằng cách nấu cháo, bánh canh, hủ tiếu, cơm hộp, sữa đậu nành để trao cho bệnh nhân đến khám. Họ là những bông hoa đẹp bên cạnh các thầy thuốc trong vườn hoa đẹp của Phòng khám nhân đạo. Chỉ tiếc một điều là những người dân đang lặng thầm đồng hành với đội ngũ thầy thuốc tại Phòng khám nhân đạo của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đều có một điểm chung là “ẩn danh” nên không thể có được tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của họ. Càng cảm động hơn khi được biết có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại Phòng khám nhân đạo này, sau một thời gian kiên trì khám và điều trị theo phác đồ của thầy thuốc, bệnh tình của họ thuyên giảm theo thời gian rồi khỏi hẳn. Tri ân các thầy thuốc, họ tự nguyện mua thuốc mang đến tặng cho phòng khám.
19 năm hoạt động thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng với gần 320.000 lượt bệnh nhân được khám và cấp thuốc điều trị miễn phí, đó là một chặng đường dài nhưng chưa phải là đích đến, càng chưa phải là điểm dừng chân trong cuộc hành trình vì sức khỏe nhân dân của đội ngũ thầy thuốc ở Phòng khám nhân đạo của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp nói riêng và lực lượng thầy thuốc ngành y tế tỉnh Đồng Tháp nói chung. Mô hình giàu tính nhân văn này sẽ được các thế hệ thầy thuốc ngành y tế Đồng Tháp cùng các nhà hảo tâm duy trì và phát triển lên một tầm cao hơn cả về quy mô và hiệu quả.