Ngày Thơ, với người vẽ Lá Cờ Thơ

05-03-2018 08:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Ngày Thơ” đây là Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI - Nguyên tiêu Mậu Tuất 2018, vừa mới diễn ra cách đây mấy hôm. Còn “Người vẽ Lá Cờ Thơ” là Nguyễn Trọng Tạo, tác giả Lá Cờ Thơ đã 16 lần được kéo lên trong Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu - Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước vào dịp rằm tháng Giêng kể từ năm Quý Mùi 2003 đến nay.

Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ - nhạc sĩ nổi tiếng của nền thi - ca Việt Nam hiện đại. Anh đã xuất bản trên 10 tập thơ và trường ca, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho tập thơ Đồng dao cho người lớn và tập Trường ca Đồng Lộc. Anh là tác giả của hàng chục ca khúc được đông đảo công chúng mến mộ, như: Làng quan họ quê tôi; Khúc hát sông quê; Đôi mắt đò ngang; Cỏ và mưa... Đêm nhạc của anh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội mùa thu năm 2017, được bình chọn là một trong những sự kiện âm nhạc ấn tượng trong năm... Nhưng Nguyễn Trọng Tạo còn là một họa sĩ có “số má” đáng nể, từng thiết kế trên 600 bìa sách, vẽ minh họa cho hàng trăm tác phẩm của bạn văn, làm ma-két cho nhiều tờ báo và vẽ măng-séc bìa cho nhiều tạp chí, như: Sông Hương, Hồng Lĩnh, Sông Lam...

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Lá Cờ Thơ do ông thiết kế.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Lá Cờ Thơ do ông thiết kế.

Tôi từng được mục sở thị “hoa tay” của Nguyễn Trọng Tạo: Năm kia về dự họp mặt cộng tác viên đầu năm của báo Hải Dương, anh mang theo tập Trường ca Biển mặn tặng một người hâm mộ dưới đó. Chẳng rõ người thơ lơ mơ thế nào mà khi viết lời đề tặng lại nhầm họ Nguyễn sang họ Trần. Khi phát hiện ra, anh Tạo chỉ cần viết chữ “Nguyễn” lên phía trên, rồi thêm vài họa tiết rất “tháu” vào cái chữ viết nhầm, thế là chữ “Trần” biến thành một bông hoa với chữ “T” được kéo dài xuống làm thành cái cành đỡ những cánh hoa, trông đẹp như... hoa!

Còn chuyện này thì tôi được nghe chính nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận: Từ giữa năm 2002, công tác chuẩn bị cho Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khẩn trương tiến hành, trong đó có việc thiết kế mẫu Lá Cờ Thơ để trình các cấp có thẩm quyền chuẩn y. Rất nhiều họa sĩ đã hào hứng tham gia, nhưng chưa có mẫu nào ưng ý. Cuối cùng, ông Chủ tịch Hội phải “cậy” đến Nguyễn Trọng Tạo. Mẫu Lá Cờ Thơ của anh có hình dáng, màu sắc, đường nét của những lá cờ lễ hội truyền thống dân tộc. Giữa nền vàng là hình con chim lạc mang chữ Thơ bay lên. Tất cả hài hòa tựu trung, vừa thiêng liêng thành kính, vừa gần gũi thân thiết; vừa trang trọng quý phái vừa dân gian giản dị. Và Nguyên tiêu năm Quý Mùi 2003, lần đầu tiên lá cờ ấy được ông Trương Quang Được, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, kéo lên đỉnh cột cờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội. Từ đó đến nay, cùng với việc Ngày Thơ Việt Nam trở thành một lễ hội văn hóa thường niên trong hệ thống lễ hội văn hóa dân tộc, được tổ chức tại các địa phương trong cả nước vào dịp rằm tháng Giêng, thì Lá Cờ Thơ Việt Nam cũng đã trở thành một hình ảnh biểu trưng của hồn thơ dân tộc, in đậm trong tâm trí của hàng triệu người...

Nhưng mà Ngày Thơ năm nay, nhắc về Nguyễn Trọng Tạo không chỉ vì anh là người vẽ Lá Cờ Thơ; mà trước hết, anh là “người của công chúng” theo nghĩa tốt đẹp nhất của cụm từ này. Anh là một “ngôi sao” nhưng không hề có biểu hiện tí ti nào của “bệnh ngôi sao”. Anh là đồng nghiệp, người bạn, người anh, người thầy chu đáo và thân mến... có sức hút kỳ lạ đối với tất cả những ai “chơi” với anh.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tác giả bài viết tại Sân thơ Trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI ở Văn Miếu - Hà Nội.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tác giả bài viết tại Sân thơ Trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI ở Văn Miếu - Hà Nội.

Cách đây hơn 2 tháng, anh về quê và bị tai biến phải nhập viện cấp cứu. Đích thân lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã đến Bệnh viện Ba Lan ở thành phố Vinh “gửi gắm” anh cho các các thầy thuốc. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang công tác ở miền Trung, nghe tin cũng vội đến thăm. Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp “xếp hàng” vào viện thăm anh, trong đó có không ít doanh nghiệp “đại gia” và khách VIP đương chức và hưu trí, nhiều người phải vượt hàng trăm cây số về Vinh... Rồi anh được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để điều trị, con gái anh đã phải lên facebook thưa khéo với các bác, các chú, các anh, các chị... hạn chế việc đến thăm ba cháu, vì người bị tai biến rất cần được yên tĩnh, mà ba cháu thì hiếu khách...

Tin nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bị đột quỵ phải nhập viện được rất nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương đưa tin. Còn cộng đồng mạng xã hội thì hầu như ngày nào cũng nóng hổi những thông tin và hình ảnh về tình hình sức khỏe của anh. Đặc biệt từ sau Tết Mật Tuất, những thông tin tốt đẹp như Nguyễn Trọng Tạo đã cử động được chân tay bên bị liệt, đã nhớ tên và trò chuyện với bạn bè tuy vẫn còn khó khăn, đã phát âm rõ tiếng rõ lời... khiến mọi người hết sức phấn khởi. Nhiều đồng nghiệp đã làm thơ chúc mừng anh “từ cõi chết trở về chói lọi”. Và anh đã làm bài thơ Cõi chết để cảm tạ mọi người, cảm tạ cuộc đời:

Tôi thấy tôi như không phải là tôi

Tôi nói say sưa với bạn vừa gặp lại

Bạn ngỡ tôi nói tiếng nước ngoài

Không tiếng

Tôi chạy đến ôm bạn

Nhưng tôi nằm một chỗ

Không cựa quậy

Những gương mặt thương tôi

Những tiếc tôi

Những động tác xót tủi

Và những lo

Chập chờn…

Chỉ thầy thuốc tự tin và ngửi mùi sống

Rồi một ngày tỏa hương

Sự sống

Những máu đông máu tan thành hy vọng

Tiếng méo hóa thành tròn

Bại chân thành chiến thắng

Trí nhớ hóa lời yêu

Òa lên

Cảm xúc…

Và tôi hiểu bay vào cõi chết

Không chết

Sự bất diệt

Mãi sinh sôi…

Bài thơ trên được anh viết ngày 28/2/2018, đúng hôm Hội Nhà văn Việt Nam mở đầu chuỗi hoạt động 4 ngày của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI. Hôm sau, anh bắt nhà thơ Trần Quang Quý cho anh lên dự Hội thi Trình diễn và đọc thơ của Sân thơ các Câu lạc bộ Thơ và xem bài trí của Sân thơ Trẻ, chuẩn bị cho chương trình chính lễ ngày mồng 2/3/2018, nhằm tiết Nguyên tiêu Mậu Tuất... Nguyễn Trọng Tạo vẫn thế, luôn quan tâm ưu ái thơ trẻ, cũng tức là ủng hộ những tài năng thơ trẻ và khuyến khích những nỗ lực làm mới thơ. Trên dưới hai chục năm trước, khi xuất hiện những giọng thơ trẻ và “lạ” như Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh... anh đã viết lời tựa, viết bài giới thiệu và tìm mọi cách “bảo vệ” để các nhà thơ trên tiếp tục thi hướng của mình.

Mặc dù thông qua cộng đồng mạng, mọi người đều biết nhạc sĩ, nhà thơ yêu quý của họ đã thoát cơn hiểm nghèo và đang hồi phục đáng mừng, nhưng cái thông tin anh Tạo đang có mặt ở Hội Thơ sáng 2/3 vừa rồi ở Văn Miếu vẫn khiến không ít người ngạc nhiên “thán phục”. Anh Tạo bị cơn tai biến vừa rồi là tái phát và lần này ở thể rất nặng, nếu kiên trì tập luyện thì có thể hồi phục nhưng rất chậm và khó có thể lấy lại “phong độ” bình thường. Vậy mà... Sự kỳ diệu ấy là bởi nghị lực của nhà thơ hay nội lực của một thể trạng? Hay mệnh trời cho anh như thế? Và vô hình trung Nguyễn Trọng Tạo trở thành “tâm điểm” của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI ở Hà Nội. Bạn bè gặp nhau trong lễ hội tay bắt mặt mừng và hỏi thăm nhau: “Có thấy anh Tạo ở đâu không?”.

Tôi tìm được Nguyễn Trọng Tạo ở Sân thơ Trẻ khi chương trình đã vãn. Anh bảo từ sáng tới giờ đã làm mấy vòng qua sân Bái Đường, sân Thái Học, Hồ Văn... rồi. Tôi thưa: Lễ mừng sinh nhật lần thứ bảy của Diễn đàn Thi Hữu (thihuu.net) tổ chức trưa nay ở Phủi Quán, số 8 ngõ Hàng Bột, gần đây thôi. Họ nhờ em mời anh sang dự. Anh bảo trưa nay anh phải ăn cơm với Giám đốc VOV. Tôi nói vui: Bác chỉ đi với VIP thôi (!) Anh vội thanh minh: Không phải thế, mà vì mình nhận lời Nguyễn Thế Kỷ từ mấy hôm nay rồi. Cho mình gửi lời cảm ơn và xin lỗi anh em Diễn đàn Thi Hữu nhé. Mong sẽ có dịp uống rượu với anh em...

Nguyễn Trọng Tạo là thế!


MAI NAM THẮNG
Ý kiến của bạn