Thơ lưu giữ tâm hồn Việt
Từ thơ, ta nhận ra chiều sâu tình cảm của con người Việt từ ngàn xưa cũng như con cháu mai sau sẽ không lạ xa với những gì đang xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Những nhà thơ xuất sắc của đất nước vẫn được nhân dân đề cao, kính trọng, yêu thương và hết lòng tôn vinh.
Tình yêu thi ca vẫn cháy bỏng trong lòng nhiều người. Sáng tác thơ, đọc thơ là nhu cầu tinh thần của một bộ phận công chúng. Bởi thế, ta không lấy làm lạ khi mỗi năm qua bốn mùa xuân hạ thu đông đã có hàng chục tập thơ, hàng trăm bài thơ của nhiều tác giả ra đời. Thơ truyền thống xen lẫn thơ cách tân. Thơ dở trà trộn thơ hay. Thơ thật phải sống cùng thơ giả. Muôn hình muôn vẻ thơ. U u minh minh thơ. Đủ đẳng cấp, đủ kiểu cách thơ. Qua theo dõi tôi thấy thơ hiện nay đang dần trở lại sự điềm tĩnh, sâu sắc vốn có của nó, quan tâm nhiều đến số phận đất nước, đời sống nhân dân, đặc biệt biển đảo, biên cương Tổ quốc. Những bài thơ hay viết về đề tài này đã lay động hàng triệu trái tim, chứng minh một điều là khi thi ca gắn liền với đất nước nhân dân sẽ chiếm lĩnh được tình cảm của công chúng.
Vào rằm tháng Giêng hàng năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại lan tỏa bầu không khí thi ca với Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Hoa Quỳnh
Tuy vậy, đó đây, không ít người cho rằng thơ đang mất dần vị thế của mình, đang ở trong tình trạng suy thoái và buồn hơn là bị công chúng quay lưng lại. Trong thời kỹ trị, tiếng nói của thơ vang lên yếu ớt, dè dặt; cơ hồ như nó đang bị chèn ép, khuất lấp giữa các phương tiện nghe nhìn, các thể loại truyền thông khác. Nàng thơ, tội nghiệp thay, nhan sắc đang tàn tạ, thanh khí đang mong manh, chiều hôm đang sầm sập đến và tưởng như hoàng hôn thi ca đang tới rất gần, rất gần... Có đúng như thế không, câu trả lời xin dành cho các nhà thơ và công chúng yêu thơ.
Ngày thơ hay là Lễ hội thi ca Việt Nam?
13 Ngày thơ Việt Nam đã đi qua với những thành công và khiếm khuyết, khen và chê, vui và buồn...như ta đã biết. Cho đến bây giờ, lá cờ thơ với hình tượng chim Lạc bay và bài Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh vang lên trong ngày thi ca không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam nữa. Nó có sức hút nhất định với công chúng yêu thơ; đó là một sự thật không còn nghi ngờ. Tôi đã nhiều lần dự các Ngày thơ Việt Nam ở Hà Nội và một số địa phương, được chứng kiến quang cảnh đông đúc của người tham dự. Từ cụ già tuổi ngoài chín mươi đến em bé tiểu học đều có mặt. Ngày thơ đúng là ngày hội của các Câu lạc bộ thơ và công chúng yêu thích thể loại văn chương có tuổi đời cao nhất này. Tôi đồng cảm với nhận định này của một bài viết in trên báo Văn nghệ: Vâng,... ngày hội thơ đã dần đi vào tâm thế chờ đợi dịp đầu năm với những người yêu thơ cả nước... Rõ ràng, Ngày thơ Việt Nam và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành điểm hẹn của những người bạn ở cả trong thơ và đời. Tạo được một thói quen như thế, một nếp sinh hoạt văn hóa như thế, dễ thì thật dễ với một đất nước có rất nhiều người yêu thơ như nước ta, nhưng ngẫm ra, khó thì cũng lại thật khó, giữa một thời đại “văn chương hạ giới rẻ như bèo” như cụ Tản Đà đã cảnh báo từ gần một thế kỷ trước mà tới hôm nay, ta càng thấm thía...
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào rằm tháng giêng năm Bính Thân 2016 với chủ đề mừng Xuân, mừng Đảng. Sau phần khai mạc, đồng thời trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn sẽ diễn ra chương trình đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ cùng các màn biểu diễn nghệ thuật chọn lọc. Phần thả thơ sẽ được kết hợp với màn trình diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo. Ngoài ra, tại Thiên Quang Tỉnh có không gian triển lãm về các nhà thơ của thời kỳ chống Pháp. Các gian trưng bày nét đẹp văn hóa của các tỉnh, thành, trường đại học; đặc biệt có sự góp mặt của kiều bào ta ở cộng đồng châu Âu cùng với những hoạt động của các câu lạc bộ thơ trên phố nghệ thuật tại khu vườn Văn Miếu chắc chắn sẽ làm cho Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội đa sắc, đa thanh hơn.
Cho đến nay, có thể nói rằng Ngày thơ Việt Nam đã trở thành sinh hoạt văn hóa lành mạnh của một bộ phận không nhỏ nhân dân ta. Dù còn điểm này, điều khác yếu kém, khiếm khuyết nhưng không thể phủ nhận giá trị tinh thần và hiệu ứng cuộc sống mà ngày thơ mang lại. Sự phối hợp giữa tính hàn lâm với tính dân dã, tính hiện đại với tính truyền thống trong các ngày thơ đã tạo nên được một sân chơi lý thú cho những người làm thơ và yêu thơ. Đến đấy, người ta có thể đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ, hát thơ và cả sắp đặt thơ. Người ta có thể nghe và nhìn thơ với nhiều cung bậc, trình độ thưởng lãm khác nhau bằng tình yêu thi ca. Thơ vốn mang trong nó tâm hồn, tâm khí và cả tâm linh nữa nên nó đã, đang và vẫn là nhu cầu sáng tạo, trình bày, thưởng thức của một bộ phận không ít dân chúng. Thơ gần gũi với những sinh hoạt dân gian truyền thống; không ít bài thơ, câu thơ đã được đưa vào nội dung diễn xướng dân gian (hát dân ca, hát đối đáp, hát xẩm, phổ nhạc cho thơ, kịch thơ, múa thơ...) hay hoạt động tâm linh (lời cúng, hát đồng...). Thơ cũng có thể gắn với các “món chơi” truyền thống như đố chữ, vịnh thơ, ứng tác thơ, bình thơ, viết thư pháp thơ...
Vậy nên, ta có thể nâng cấp Ngày thơ Việt Nam lên Lễ hội thơ Việt Nam được không?
Theo tôi, sau 13 lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam đã đủ độ chín muồi để Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị Nhà nước nâng ngày thơ lên thành lễ hội thơ. Nội dung, tính chất, tầm vóc, tính ảnh hưởng của nó trong xã hội ngang tầm một lễ hội mang tính chất công chúng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hạ thấp thơ; vì từ sân chơi này mối giao lưu giữa nhà thơ với công chúng sẽ được mở rộng, thơ có cơ hội đi vào nhân dân dễ dàng hơn, các phương thức trình bày diễn xướng thơ chắc chắn sẽ phong phú thêm... Trong lễ hội, thơ sẽ được gắn với nhiều hình thức hoạt động sáng tạo của công chúng, làm cho ngày thơ không bị gò bó, đóng khuôn trong sự mòn cũ, cứng nhắc. Đương nhiên, để làm được điều đó, những người thiết kế, tổ chức chương trình phải rất năng động, sáng tạo và không thể không hướng tới tính chuyên nghiệp, bài bản. Khi ngày thơ mang tầm vóc lễ hội thơ thì mọi sự chắp vá, tùy tiện, tùy hứng, lộn xộn, nhếch nhác sẽ phải bị xóa bỏ, thanh toán. Những lớp lang của lễ hội (phần cứng, phần cơ bản) phải được định hình một cách hợp lý và kín kẽ nhưng không cản trở sự đóng góp phong phú, đa dạng, thoáng đãng của các hoạt động khác.
Như từ gốc, từ thân sẽ tỏa ra nhiều cành nhánh, nụ mầm, sẽ kết đậu nhiều hoa trái thơm lành cho cuộc sống. Tôi tin, người làm thơ, trình diễn thơ và công chúng yêu thơ Việt Nam sẽ đủ tâm và tài để làm cho lễ hội thơ ngày càng hay hơn.