Ngày thơ Việt Nam 2014: Nhiều sắc màu, nhưng...

17-02-2014 07:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đến hẹn lại lên, đã 12 năm nay, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, Hội thơ Việt Nam lại được diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - nơi dành riêng để tôn vinh trí thức và nghệ sĩ, khoa học và nghệ thuật của cả nước hàng ngàn năm nay.

Đến hẹn lại lên, đã 12 năm nay, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, Hội thơ Việt Nam lại được diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - nơi dành riêng để tôn vinh trí thức và nghệ sĩ, khoa học và nghệ thuật của cả nước hàng ngàn năm nay. Ngày Hội thơ Việt Nam lần thứ 12 cũng không phải là một ngoại lệ. Mà đã là hội bao giờ cũng lấy vui làm trọng. Thế nhưng sau khi vui rồi, cái gì còn đọng lại trong lòng công chúng lại là điều cần phải bàn.

Nhiều sắc màu vì chăm đổi món

Ngày Hội thơ năm nay có chủ đề: Mùa Xuân đất nước - Từ Điện Biên tới Trường Sa. “Mùa Xuân đất nước” là chủ đề quen thuộc, còn “Từ Điện Biên tới Trường Sa” là nét mới, vì năm nay sẽ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phát huy tinh thần Điện Biên năm xưa, cả nước lại hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Nhưng trước khi bước vào hai sân khấu thơ, trước cửa, ngay trên bờ hồ Quang Tỉnh, mọi người có thể nhìn thấy một tấm pano khá to với dòng chữ “Kỷ niệm 50 năm thế hệ các nhà thơ chống Mỹ”. Liền hai bên của tấm biển là ảnh chân dung, trích ngang lý lịch và quá trình sáng tác của hai nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca chống Mỹ đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 là nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Quanh bờ hồ là chân dung, tác phẩm của các nhà thơ chống Mỹ đã từng được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật qua các đợt từ 2001 - 2012.

Sân thơ trẻ 2014. ảnh: Lan Hương

Bước qua cổng vào đến sân Thái Miếu là sân khấu thơ truyền thống, đi tiếp vào sân Thái Học phía bên trong là sân thơ trẻ. Sau lời khai mạc ngắn gọn, súc tích và đầy tâm huyết của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ngày Hội thơ lần thứ 12 bắt đầu diễn ra ở cả hai sân khấu.

Tại sân thơ truyền thống có sự góp mặt của nhiều nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ đã đọc thơ về Điện Biên, Trường Sa... như nhà thơ Anh Ngọc với bài Trời Điện Biên mây trắng; nhà thơ Vương Trọng đọc bài Đêm rượu Điện Biên; nhà thơ Hoàng Trần Cương đọc trích đoạn Sinh địa trong một trường ca mới viết của ông về biển đảo; các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Việt Chiến, Chu Thị Thơm... cũng đã đọc những bài thơ tâm huyết của mình về Điện Biên và Trường Sa. Cũng tại sân thơ truyền thống còn có cuộc giao lưu giữa công chúng yêu thơ và các tướng lĩnh, nhà văn, nhạc sĩ quân đội, những người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm về trước như Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương, Thiếu tướng nhà văn Chu Phác, nhà văn Lê Kim, nhạc sĩ Hoàng Vân...

Tại sân thơ trẻ với sự góp mặt của các cây bút: Bình Nguyên Trang, Trương Xuân Thiên (Hà Nội); Nguyễn Minh Cường (Bắc Ninh); Lê Vi Thủy (Gia Lai); Lê Vĩnh Thái (Huế); Lương Thìn (Bắc Ninh); Lò An Dương (Hà Giang); Nguyễn Thế Kiên (Nam Định), đặc biệt là sự trở lại của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến với 2 tác phẩm Bầy chào mào đến đón và Tuổi tôi.

Xen kẽ là các tiết mục văn nghệ, hát, múa đến từ các trường đại học, các đoàn nghệ thuật ở trung ương và địa phương. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất về nghệ thuật là tiết mục múa ô của người Mông do các nghệ sĩ đến từ đoàn Hà Giang biểu diễn đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc mới lạ.

Còn đó những nỗi niềm

Nhiều người cho rằng Ngày Hội thơ năm nay có nhiều nét mới. Tuy nhiên, cái mới nào có thể chấp nhận được đối với một ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị thơ ca Việt lại là điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Theo tôi biết, năm nay, nhiều câu lạc bộ (CLB) thơ đến từ các địa phương, vùng miền và cũng là nơi giao lưu khá sôi động của hội viên các CLB đã được Ban tổ chức bố trí sang bên phía sát đường Hàng Bông, nơi trông giữ xe cho khách, tách biệt khá xa hai sân thơ chính. Thành ra lượng người hút vào hai sân thơ bị giảm đi đáng kể khiến nhiều người cảm thấy thưa vắng hơn so với mọi năm. Những năm trước, các CLB thơ được bố trí dọc theo hai bên sân Thái Miếu và sân Thái Học, thay vì không muốn lặp lại, năm nay, Ban tổ chức đã “sáng tạo” ra cách bài trí mới bằng cách đưa các hoạt động dịch vụ bán hàng, quà, sản phẩm du lịch, đặc sản vùng miền như thịt trâu gác bếp, ngô bắp Hà Giang, nước giải khát Coca Cola... khiến nhiều người cảm thấy Hội thơ có nguy cơ biến thành hội chợ. Thơ cũng có nguy cơ trở thành một “món” hàng như các sản phẩm mà công chúng thường thấy ở các hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng.

Một điểm nữa, năm nay, phần trình diễn thơ ở sân thơ trẻ dường như không thu hút được công chúng, bởi ít về số lượng, nhạt về chất lượng. Một mình Nguyễn Vĩnh Tiến không thể nào khuấy động mãi được. Còn các giọng thơ ở sân thơ truyền thống có vẻ như thích kể chuyện “ngày xưa ấy à” hơn là đọc những bài thơ mới và hay, thậm chí có những người đọc bị hụt hơi khiến thính giả ngồi ở dưới chẳng nghe thấy gì, mặc dù amply đã chỉnh hết cỡ.

Viên An


Ý kiến của bạn